Mức cước của một bức thư thường là con tem mệnh giá 800 đồng - duy trì trong 8 năm qua - đã tăng lên thành 2.000 đồng, bắt đầu từ ngày 1/5/2009. Đây là quyết định vừa được Thủ tướng chính phủ phê duyệt "phương án điều chỉnh giá cước dịch vụ thư cơ bản (thư thường) trong nước đến 20 gram, giai đoạn từ năm 2009-2010".
Ngành bưu chính Việt Nam mấy chục năm qua luôn song hành cùng ngành viễn thông, với biên chế gần 48.000 cán bộ công nhân viên chức nhưng mức lỗ bình quân mỗi năm lên tới 1.000 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân, theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, là do mức cước bưu chính quá thấp, thấp hơn giá thành và lạc hậu so với đời sống. Vì vậy, sau khi tách khỏi viễn thông để hoạt động độc lập, thì điều chỉnh giá cước và cải tổ lại sản xuất kinh doanh là lộ trình các bước đi của ngành Bưu chính.
Tuy nhiên, mức cước 2.000 đồng/thư này hiện vẫn chưa đạt tới giá thành (nói cách khác là vẫn còn lỗ), theo bà Nguyễn Thị Bội Lan, Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT, bởi đề án điều chỉnh giá cước đưa ra là sẽ tăng dần dần theo lộ trình để người dân làm quen.
Lộ trình tăng giá cước bưu chính được Thủ tướng phê duyệt như sau: tăng lên 2.000 đồng/thư thường trong nước 20gr giai đoạn 2009 - 2010; từ 2011 - 2012, giá cước sẽ bằng 80% giá thành dịch vụ; và sau năm 2012, mức giá cước của một thư thường trong nước đến 20 gram mới bằng giá thành dịch vụ.
Theo tổng kết mới đây của ngành Bưu chính, mức tăng trưởng của chuyển phát thư tay không giảm mà vẫn tăng trung bình khoảng 12%/năm, cho thấy tiềm năng triển vọng của các dịch vụ gửi thư tay không nhỏ, mặc dù bùng nổ vây quanh là thời đại thông tin của thư điện tử, Internet, tin nhắn SMS...
Theo mức cước mới áp dụng từ ngày 1/5 tới, khi gửi thư tay, người gửi phải dán số tem đủ mức phí 2000 đồng. Cụ thể, hiện tại ngành bưu chính đã phát hành nhiều mệnh giá tem khác nhau gồm 400đ, 800đ, 2000đ..., và người dân khi gửi thư có thể sử dụng một tem mệnh giá 2000đ hoặc dán đồng thời các tem có mệnh giá thấp hơn để đủ tổng cước 2000đ.
Mức cước 2.000 đồng trên không bao gồm thuế giá trị gia tăng. Thủ tướng chỉ đạo, Bộ TT&TT có trách nhiệm quy định cụ thể mức giá cước, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các DN bưu chính xác định giá thành dịch vụ hợp lý.
VietNamNet