Tại Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XII đã bàn thảo và thống nhất ban hành nghị quyết
về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái
về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn
biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ cán bộ, đảng viên. Đây là vấn đề
được đông đảo cán bộ, đảng viên quan tâm.
Theo ông K’Dung, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Đắk Nông, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy Đảng từ trên xuống tận chi bộ phải kiên quyết và xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm, có dấu hiệu vi phạm. Nhiều cán bộ chủ chốt của mình chưa thực sự gương mẫu, chưa có "tâm", có "tầm", chưa thương dân nên có nhiều vi phạm, sai sót. Bởi nếu người đứng đầu không gương mẫu, khi vi phạm không bị xử lý đúng mức thì kỷ cương phép nước không nghiêm và dẫn đến tình trạng trên nói dưới không nghe. Bên cạnh đó, Đảng phải thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ. Khâu cán bộ là "khâu then chốt của then chốt", là khâu quyết định mọi vấn đề trong việc thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, khi bổ nhiệm cán bộ phải xem xét, cân nhắc, bổ nhiệm theo đúng quy định của Trung ương, đúng bằng cấp thì mới phát huy được năng lực của cán bộ, đảng viên. Cần thiết nhất của công tác cán bộ là phải làm đúng nguyên tắc, quy trình, công khai, dân chủ, minh bạch.
Về vấn đề "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", ông K’Dung cho rằng, một trong những biểu hiện của nó thể hiện rõ trong việc thực hiện quy chế dân chủ. Tức là cán bộ, đảng viên nói một đằng, làm một nẻo. Nói không đi đôi với làm, làm cho dân không tin Đảng, Đảng không tin dân. Vì vậy, cán bộ, đảng viên nói phải luôn đi đôi với hành động. Có như vậy thì dân mới tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, tạo mối đoàn kết thống nhất, trở thành sức mạnh của dân tộc.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Vương, Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông cho rằng, những vấn đề đưa ra tại Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bắt đúng "căn bệnh” hiện nay. Tuy nhiên, để chữa được "bệnh" thì đòi hỏi quyết tâm rất cao và nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; của cả hệ thống chính trị các cấp.
Để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết, phải tăng cường giáo dục về chính trị tư tưởng, giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ đảng viên, mục tiêu giáo dục chính trị, tư tưởng, lý luận chính trị phải giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có mục tiêu, động cơ, lý tưởng, hoài bảo, mục đích trong sáng phụng sự Tổ quốc, phụng sự cho nhân dân, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng vào sự nghiệp đổi mới đất nước vào mục tiêu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, tiếp tục chú trọng tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, từ đó làm căn cứ để có những giải pháp thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Thứ ba, chú trọng xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ năng lực, có phẩm chất đạo đức cách mạng. Hai nhiệm vụ này phải thực hiện đồng bộ.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới và thực hiện tốt các khâu trong quy trình công tác cán bộ, đảm bảo thực hiện dân chủ, công khai, khách quan, công bằng, chính xác… mục tiêu là phải tuyển chọn được nhưng cán bộ có đức, có tài phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Phải thực hiện có kết quả việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật đối với việc tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ không đúng theo quy trình và có biện pháp kiên quyết loại bỏ những cán bộ, đảng viên năng lực, trình độ kém, phẩm chất đạo đức phai nhạt.
Thứ năm, phải có những biện pháp mạnh, kiên quyết, triệt để đổi mới và nâng cao chất lượng nền giáo dục, đào tạo của đất nước. Đây là nhân tốt quan trọng để đất nước có những công dân tốt, có những cán bộ, đảng viên vừa "hồng" vừa "chuyên".
Thứ sáu, các tổ chức đảng và trong mỗi cán bộ, đảng viên đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phải chấn chỉnh tư tưởng, nhận thức, suy nghĩ, hành động, lề lối, tác phong công tác, nói đi đôi với làm, phải sâu sát thực tiễn. Chấn chỉnh việc đánh giá thiếu khách quan công bằng, thiếu sự trung thực trong các báo cáo, đánh giá tổng kết, trong các bản kiểm điểm, phải lấy hiệu qủa thực hiện nhiệm vụ chính trị, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, hiệu quả nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân làm thước đo đánh giá cán bộ, đảng viên.
Thứ bảy, đội ngũ cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải thực sự nêu cao tính tiền phong gương mẫu, nêu cao tự phê bình và phê bình…, thực sự gương mẫu là tấm gương sáng để mọi người học tập noi theo, xứng đáng là "công bộc", "đầy tớ" của nhân dân.
Thứ tám, cần tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là vai trò của nhân dân tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng, cần phát huy hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ./.
Theo TTXVN