Thứ Hai, 7/10/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 6/3/2009 21:41'(GMT+7)

Tăng cường công tác phối hợp để thực hiện hiệu quả đào tạo theo nhu cầu xã hội

Trách nhiệm của nhà nước là phải dự báo nhu cầu nhân lực và chuyển giao thông tin cho các trường ĐH, Cao đẳng Ảnh: Chinhphu.vn

Trách nhiệm của nhà nước là phải dự báo nhu cầu nhân lực và chuyển giao thông tin cho các trường ĐH, Cao đẳng Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng yêu cầu chậm nhất hết năm 2009, tất cả các ngành kinh tế chủ lực phải có đề án về đào tạo theo nhu cầu xã hội, không chờ đợi nhau để nhanh chóng đưa chủ trương lớn này vào cuộc sống.

Tính từ cuộc họp giao ban đầu tiên của Ban chỉ đạo ngày 27/9/2008 và cuộc giao ban thứ 2 ngày 3/12/2008, chỉ có Tp Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành lập Ban chỉ đạo đào tạo nhân lực. Các Bộ, ngành khác là thành viên Ban chỉ đạo chưa triển khai, sự phối hợp chưa giữa các bên.
Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, thành viên Ban chỉ đạo báo cáo: mặc dù số lượng sinh viên tốt nghiệp ĐH tăng lên hằng năm cùng với sự phát triển của các trường ĐH và các hệ đào tạo, song các doanh nghiệp lại luôn phải phàn nàn về chất lượng lao động.

Theo một khảo sát của Ngân hàng Thế giới, khoảng 50% các công ty trong lĩnh vực may mặc, hóa chất đánh giá lao động được đào tạo không đáp ứng nhu cầu. Một số doanh nghiệp phần mềm cần đào tạo lại ít nhất 1 năm cho khoảng 80% - 90% sinh viên tốt nghiệp vừa được tuyển dụng. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng vẫn diễn ra ở các ngành dệt may, da giày, gỗ, du lịch, đóng tàu... Thường chỉ khi nhu cầu nhân lực của một ngành nào đó đã ở mức cao mới được chú ý đào tạo và bắt đầu thu hút người học.

Ảnh: Chinhphu.vn

Nhiều ý kiến tại cuộc họp đã nêu lên những bất cập trong hệ thống dạy nghề và hướng nghiệp cũng như “chuẩn đầu ra” hiện nay, trong đó có ví dụ của Vinashin: Trong khi mục tiêu của Việt Nam tới năm 2020 sẽ trở thành quốc gia đứng thứ 4 thế giới về năng lực đóng tàu, thì hằng năm các cơ sở đào tạo mới chỉ cung cấp được khoảng 600-700 kỹ sư và khoảng 2.000-3.000 công nhân thuộc các ngành nghề gắn liền với công nghiệp đóng tàu, tức là chỉ đáp ứng được khoảng 40-60% yêu cầu về nhân lực. Giữa đào nguồn nhân lực và yêu cầu sử dụng lao động trong ngành công nghệ thông tin cũng còn tồn tại nhiều vấn đề, trong đó Hà Nội hằng năm tuyển trên 13.000 sinh viên, song số lượng sinh viên được đào tạo vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khi đó, theo chương trình phát triển nhân lực cho công nghiệp công nghệ thông tin, đến năm 2015 cả nước cần có 1 triệu người làm việc trong lĩnh vực này. Khoảng cách không nhỏ giữa nhu cầu của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của đào tạo đã cho thấy rõ một lỗ hổng lớn trong công tác dự báo xu hướng, nhu cầu lao động để giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp và các trường xây dựng chương trình đào tạo.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: Bộ GD-ĐT tổng hợp các ý kiến của buổi họp này để báo cáo gửi Chính phủ đầu tháng 4/2009. Trước ngày 15/5, các Bộ cần công bố tiêu chí, chứng chỉ bắt buộc của ngành mình trong đào tạo nghề, sau đó chính thức trở thành yêu cầu bắt buộc đối với người lao động. Cần tuyên truyền hiệu quả hơn nữa để người có nhu cầu đi học biết chủ trương, khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia, hỗ trợ dạy nghề.

Phó Thủ tướng đề xuất các đơn vị đào tạo có thể chủ động ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác trực tiếp với các doanh nghiệp để đặt hàng hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học, tạo cơ sở thực tập cho sinh viên, tiếp nhận sinh viên khi ra trường. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường cần hình thành bộ phận chuyên trách và có cơ chế để đánh giá được tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường và công bố số liệu này từ tháng 6-2009.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Sự thiếu định hướng về nghề nghiệp và chọn trường đã gây lãng phí thời gian, công sức, tiền của cho cả sinh viên lẫn các nhà trường và kéo chậm sự phát triển của toàn xã hội, khi chỉ có không đầy 30% sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành đào tạo. Đây còn là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng cung - cầu lao động cứ quẩn quanh với điệp khúc “thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa”.



(Theo Chinhphu.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất