Thứ Bảy, 21/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Ba, 22/12/2015 14:29'(GMT+7)

Tăng cường giáo dục, bồi đắp lịch sử truyền thống cho nhân dân

Học sinh thăm quan hình ảnh, hiện vật trưng bày về lịch sử, truyền thống dân tộc. (Ảnh minh họa)

Học sinh thăm quan hình ảnh, hiện vật trưng bày về lịch sử, truyền thống dân tộc. (Ảnh minh họa)

Trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới hiện nay, mỗi quốc gia, dân tộc phải giữ được bản sắc truyền thống, cốt cách văn hóa của cộng đồng dân tộc mình để không bị “hòa tan” trong thời đại toàn cầu hóa. Muốn làm được điều đó, bên cạnh kiên quyết phê phán, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn nhằm xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ truyền thống của các thế lực thù địch, phản động, chúng ta cần phải quan tâm làm tốt hơn nữa công tác giáo dục, bồi đắp lịch sử, truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Tạp chí giới thiệu một số ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên trích đăng trên Báo Quân đội nhân dân.

Ông Lê Xuân Niêm, Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam: Lịch sử là điểm tựa cho đất nước phát triển bền vững


Dân tộc ta có lịch sử vẻ vang, truyền thống anh hùng. Tinh thần ấy được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đặc biệt là ở thời đại Hồ Chí Minh. Đất nước ta phải trải qua 30 năm kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ mới giành được độc lập, tự do, thống nhất. Song trên thực tế lại có một bộ phận công chúng đã không nhận thức được giá trị của cuộc sống hôm nay, cũng như không thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đáng sợ nhất là thái độ vô cảm với các giá trị truyền thống và vô ơn với những người có công với dân, với nước. Sự vô cảm ấy nhiều khi bắt đầu từ những suy nghĩ đơn giản, coi nhẹ các hoạt động giáo dục truyền thống.

Vì vậy, tôi cho rằng vấn đề đặt ra trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử hiện nay là cần phải làm sao để mọi người có cùng chung nhận thức về giá trị sống, thấy được, hiểu được thành quả cách mạng vĩ đại của dân tộc ta đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lịch sử truyền thống như một điểm tựa và động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Là một người lính, một thương binh từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị ác liệt, chứng kiến biết bao tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội, vì thế khi về với cuộc sống đời thường, tôi luôn mong muốn rằng, việc tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử sẽ được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, phòng thủ quốc gia không đơn thuần chỉ là phòng thủ về quân sự, phòng thủ về chính trị và phòng thủ về kinh tế, mà chúng ta cũng cần phải phòng thủ cả về tâm lý dân tộc nữa, để mỗi người dân Việt Nam luôn tâm niệm sâu sắc rằng: Đây là Tổ quốc Việt Nam của tôi! Đây là lá cờ sao vàng năm cánh của Tổ quốc tôi!

ThS. Nguyễn Văn Biểu, Viện Sử học Việt Nam: Giáo dục truyền thống bằng những bài học lịch sử tin cậy, sinh động

Lịch sử đã chứng minh rằng, có đánh được giặc ngoại xâm, giữ được nước là do các giá trị truyền thống tốt đẹp dân tộc, do sự đoàn kết chống ngoại xâm của toàn dân. Các văn thân, sĩ phu khi hoạt động tìm đường cứu nước đều dùng sử như một vũ khí đấu tranh chống lại kẻ thù, giải phóng đồng bào, đem lại độc lập cho đất nước. Nhà yêu nước Phan Bội Châu đã khẳng định sự cần thiết của sử, học sử và biết sử: “Quốc sử của một nước cũng như gia phả ở một nhà. Nhà mà có gia phả thời con cháu mới biết cao tằng khảo tông của nhà mình. Nước nhà có sách sử thời dân trong nước mới biết công lao khó nhọc về sự nghiệp khai sáng của tiền nhân mà sinh mối cảm tình mật thiết. Nếu con cháu mà quên gia phả, thời chắc là con cháu bất hiếu. Dân trong nước mà không biết Quốc sử thời chắc dân nước ấy là dân vong quốc tổ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình hoạt động cách mạng cũng đã viết nhiều sách sử để tố cáo tội ác của kẻ xâm lược và góp phần tuyên truyền, giáo dục nhân dân. Bác đã viết: “Lịch sử nước ta” rất dễ học, dễ thuộc". Người dạy: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Trước sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội hiện nay, chúng ta càng phải chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, bằng những bài học lịch sử tin cậy, sinh động, hấp dẫn và mang lại hiệu quả thiết thực. Đó cũng là một trong những cách để đẩy lùi những thông tin sai trái, xuyên tạc lịch sử.

Đại tá, ThS. Đinh Hữu Nghị, Phó chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng, Trường Sĩ quan Chính trị: Coi trọng giá trị lịch sử là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Lịch sử là những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhưng luôn có quan hệ mật thiết với hiện tại và tương lai. Vì vậy, coi trọng những giá trị lịch sử nói chung, bộ môn lịch sử nói riêng, cũng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của mỗi người dân Việt Nam. Tuy vậy, để những giá trị lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta thấm sâu vào con tim, khối óc người dân, nhất là thế hệ trẻ đòi hỏi phải có nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ, phù hợp. Một trong những giải pháp đó là phải đào tạo, bồi dưỡng cho được một đội ngũ giảng viên, giáo viên môn lịch sử ở các cơ sở giáo dục có đủ kiến thức, nhiệt tình, trách nhiệm đối với việc giảng dạy, chuyển tải nội dung lịch sử cho người học. Muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử Đảng nói riêng, những người đi “truyền lửa truyền thống” phải là những người “rực lửa truyền thống” nhất, tức là phải có niềm say mê, yêu thích lịch sử, có kiến thức sâu rộng về lịch sử dân tộc, am hiểu truyền thống đất nước, thường xuyên biết bồi đắp, làm giàu kho tàng “văn hóa lịch sử” cho mình bằng những câu chuyện lịch sử sinh động, hấp dẫn, có đủ khả năng tác động, thuyết phục thẩm thấu vào người nghe.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam: Bồi đắp truyền thống lịch sử thông qua phát huy hệ thống bảo tàng

Có một câu danh ngôn từng cảnh báo, đại ý: Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ trả lời anh bằng đại bác! Lịch sử thế giới từng kiểm chứng rằng, không một dân tộc nào có thể đi lên nếu đơn thuần dựa vào ánh hào quang của lịch sử, mà phải đi bằng đôi chân hiện tại. Nhưng hành trang hiện tại chỉ thực sự vững vàng nếu biết dựa vào cội nguồn truyền thống tốt đẹp của ông cha. Trong những giá trị truyền thống đó, lịch sử là những bài học quý giá, là “cẩm nang” cần thiết để mỗi dân tộc biết phát huy ưu điểm, thế mạnh của dân tộc mình và cũng là để tránh lặp lại hay đi theo “vết xe đổ” của những lỗi lầm, thất bại trong quá khứ.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống lịch sử hàng nghìn năm, trong đó nổi bật nhất, oanh liệt nhất, được cộng đồng thế giới ngưỡng mộ là truyền thống đấu tranh anh dũng quật cường, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù và đã đánh tan ý chí xâm lược của mọi kẻ thù hung bạo nhất ở các thời đại, giữ vững gấm vóc giang sơn và bảo vệ quyền độc lập tự chủ, nền văn hóa của dân tộc. Để truyền thống đó tiếp tục có sức sống trong hiện tại và trường tồn cùng thời gian, chúng ta cần phải coi trọng hơn nữa công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho các tầng lớp nhân dân. Cùng với việc nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn lịch sử ở hệ thống nhà trường các cấp, cần tiếp tục đẩy mạnh giáo dục, “tiếp lửa truyền thống” cho nhân dân thông qua khai thác, phát huy hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống ở các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Sinh viên Trần Anh Đức, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Thấm nhuần lịch sử dân tộc để sống có trách nhiệm hơn với Tổ quốc

Chúng ta luôn tự hào về dân tộc Việt Nam có bề dày truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Để truyền thống thống đó thấm nhuần sâu sắc vào lớp trẻ thì đòi hỏi chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống nói chung, nâng cao chất lượng giảng dạy môn lịch sử ở các nhà trường nói riêng. Khi được truyền tải, tiếp nhận những nội dung giáo dục lịch sử truyền thống, mỗi học sinh, sinh viên sẽ tự trang bị cho mình tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, qua đó rèn luyện bản lĩnh, lập trường và có đủ khả năng nhận biết những thông tin sai trái, xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử. Lịch sử là quá khứ, nhưng đó là quá khứ đã được kết tinh, hội tụ bằng những bài học bổ ích. Vì vậy, khi được tiếp nhận những thông điệp quý báu từ lịch sử truyền thống, mỗi bạn trẻ chắc chắn sẽ có thêm kiến thức, hành trang vào đời tự tin hơn, vững vàng hơn, từ đó sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, xã hội và Tổ quốc./.

(Nguồn: Báo QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất