(TCTG) - Vừa qua, tại Thành phố Điện Biên Phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức Hội thảo “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phòng, chống HIV/AIDS”.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng - Chuyên gia cao cấp Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Tính đến cuối tháng 9/2010, toàn quốc có 271.019 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó 180.312 người nhiễm HIV còn sống, 42.339 bệnh nhân AIDS còn sống, 48.368 người đã tử vong. Đa số người nhiễm HIV/AIDS ở nước ta là những người tiêm chích ma túy và đang có xu hướng trẻ hóa, chủ yếu ở độ tuổi 20 – 29 (chiếm 45,4%)... Việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, chủ động kiểm soát tình hình và tích cực tiến hành các biện pháp nhằm giảm thiểu tác hại trong chiến lược phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, nhưng trước hết là cấp ủy, chính quyền các cấp phải vào cuộc và thể hiện rõ trách nhiệm, nêu cao quyết tâm thực hiện cam kết thực hiện nhiệm vụ này.
Điện Biên là tỉnh tỷ lệ người mang vi rút HIV còn sống trên tổng dân số ở mức cao nhất nước (0,74%), mức lây truyền xã hội đang ở vạch báo động đỏ. Trong phát biểu của mình, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Thanh Tùng đã thẳng thắn nêu: Năm 1998, Điện Biên mới phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên, đến cuối tháng 2/2011, lũy tích toàn tỉnh đã có 5.322 người nhiễm HIV, 2.598 bệnh nhân AIDS; 1.433 người nhiễm AIDS đã tử vong; 100% huyện, thị xã, thành phố và 90/112 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh phát hiện người có HIV/AIDS. Đây là vấn đề lo ngại không chỉ của cấp ủy, chính quyền mà còn là của toàn xã hội.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Phó Bí thư tỉnh ủy đã khẳng định quyết tâm chuyển đổi nhận thức, hành vi, quan điểm chỉ đạo và sự quyết tâm thực hiện cam kết của lãnh đạo các cấp, cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên trong việc phòng ngừa giảm thiểu tác hại, chống phân biệt kỳ thị, đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, huy động sức mạnh toàn xã hội vào công tác phòng chống HIV. Đến cuối tháng 2/2011, gần 90% người nhiễm HIV ở Điện Biên được ngành y tế và các tổ chức nghề nghiệp quản lý. Công tác giám sát và tư vấn xét nghiệm tự nguyện được chú trọng; 100% huyện, thị xã, thành phố và các Bệnh viện, Trung tâm y tế có dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện. Năm 2010, tỉnh Điện Biên có 423 bệnh nhân AIDS được điều trị thuốc ARV, xét nghiệm HIV cho gần 6 nghìn phụ nữ mang thai, cấp phát gần 1 triệu bơm kim, phân phát gần 200 nghìn bao cao su miễn phí cho các đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV. Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất ma túy bằng methadone đang được tích cực triển khai tại huyện Điện Biên và Tuần Giáo.
Kết quả đạt được nêu trên là do công tác phòng chống HIV/AIDS giảm thiểu tác hại luôn được Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương kịp thời quán triệt, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác phòng chống HIV/AIDS và các hoạt động can thiệp giảm tác hại lây nhiễm HIV. Bên cạnh đó, Điện Biên cũng ghi nhận sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế trong công tác phòng chống HIV/AIDS.
Tại hội thảo, 9 báo cáo tham luận của đại diện các bộ, ban, ngành, Cục phòng chống HIV, Viện Xã hội học, các tổ chức quốc tế và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Điện Biên đã tập trung làm rõ các nhóm giải pháp để công cuộc phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao hơn, nhất là các biện pháp can thiệp giảm hại, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. 3 ý kiến phát biểu của đại biểu tỉnh Sơn La, Lào Cai, An Giang đã chia sẻ và trao đổi thực tế, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương trong quá trình triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại HIV/AIDS như: chương trình cấp phát bơm kim tiêm cho người mắc nghiện, triển khai điều trị bằng methadone, bao cao su.
Kết luận hội thảo, GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng đã tâm huyết trao đổi những kinh nghiệm rút ra sau 20 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 52 và sau này là Chỉ thị 54 của Ban Bí thư Trung ương “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng chống HIV/AIDS” với các đại biểu dự hội thảo.
Sau một ngày làm việc, hội thảo thành công tốt đẹp. Các đại biểu thống nhất việc đẩy mạnh cam kết, nêu cao quyết tâm phòng chống HIV/AIDS, trong đó ngăn ngừa, giảm nhẹ tác hại lây nhiễm HIV là điều hết sức quan trọng. Muốn đạt kết quả rõ nét hơn, thời gian tới, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần chủ động nâng cao nhận thức, tích cực thay đổi hành vi./.
Vân Chương