Trong hai năm 2014-2015, QH yêu cầu Chính phủ tập trung xử lý những hạn chế, yếu kém, nhất là ổn định và lành mạnh hóa thị trường tài chính, nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp, xử lý cơ bản nợ xấu doanh nghiệp, nợ xấu ngân hàng, nợ đọng xây dựng cơ bản và xử lý các công trình xây dựng dở dang. Tập trung chống thất thu, thực hiện triệt để tiết kiệm, kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết; tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược và Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm đến năm 2015 tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản, có hiệu quả rõ rệt.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2 năm 2014 - 2015 khoảng 6%/năm; giá tiêu dùng tăng khoảng 7%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 31 - 32% GDP; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10%/năm; giải quyết việc làm cho 3,0 - 3,2 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55% vào năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5% - 2%/năm, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2015 đạt 42%.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chưa nên đặt vấn đề phục hồi tăng trưởng mà cần duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm hài hòa, cân bằng với các mục tiêu tiếp tục tăng tính ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Với chỉ tiêu CPI, theo ông Giàu, kiểm soát lạm phát năm 2014 sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn khi điều chỉnh chính sách vĩ mô, nhất là khi tăng đầu tư công, tăng dư nợ tín dụng, giá điện, than và dịch vụ công. Vì vậy, đây là mức tăng bảo đảm Chính phủ linh hoạt trong điều hành.
Theo một số đại biểu Quốc hội, Chính phủ nên quan tâm xem xét và thực hiện đồng thời 2 nội dung gắn kiềm chế lạm phát với tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương tiếp tục coi vấn đề kiềm chế lạm phát là ưu tiên. Bởi, vấn đề lớn nhất của chúng ta làm sao trong 2 năm tới không phải là tăng trưởng 5% hay 6% mà quan trọng nhất tạo một sự ổn định vĩ mô, tạo niềm tin để chúng ta có thể phát triển trong giai đoạn sắp tới.
Trong nhóm các giải pháp để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ. Điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp và bảo đảm chất lượng tín dụng. Điều hành hiệu quả tỷ giá, thị trường ngoại hối, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia bảo đảm trong giới hạn an toàn. Rà soát các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật liên quan giá điện, minh bạch hóa giá thành giá điện và phấn đấu năm 2014 cơ bản thực hiện giá thị trường về giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục, đồng thời có chính sách hỗ trợ đối với đối tượng chính sách, người lao động và người dân thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn hỗ trợ sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp và người dân. Tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp cận vốn tín dụng có hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tiếp tục xem xét cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho các khoản vay cũ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất. Triển khai kịp thời, thực hiện đúng các quy định pháp luật về thuế đã được Quốc hội thông qua, nhất là việc hoàn thuế giá trị gia tăng.
Bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích cơ giới hóa nông nghiệp, tiếp tục dành nguồn lực và huy động người dân tham gia đóng góp, triển khai tập trung, hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Có giải pháp hiệu quả, dài hạn hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực ổn định, bền vững; trong năm 2014 tập trung vào các sản phẩm như lúa, cà phê, cao su, tôm, cá, cây ăn trái.
Rà soát, đánh giá, bổ sung chính sách hỗ trợ phù hợp đối với thị trường bất động sản. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đến khi Luật nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội xem xét thông qua và có hiệu lực thi hành.
Quốc hội cũng yêu cầu triển khai toàn diện các giải pháp, thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; sớm hoàn thiện đề án tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công. Hoàn thiện quản lý đầu tư công, nhất là trong phân cấp quản lý và xác định trách nhiệm người quyết định đầu tư, đồng thời có định hướng rõ đối với đầu tư từ các nguồn lực khác. Ưu tiên nguồn vốn xử lý nợ xây dựng cơ bản; rà soát, phân loại toàn bộ danh mục công trình, dự án đang thi công dở dang, tập trung đầu tư hoàn thành, xử lý cơ bản dứt điểm từ nay đến hết năm 2015. Kiểm tra, rà soát lại thiết kế, dự toán các dự án, công trình, loại bỏ các hạng mục không cần thiết, sử dụng vật liệu, thiết bị đắt tiền, lãng phí làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý. Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế việc xây dựng trụ sở cơ quan hành chính, xem xét tiếp tục xây dựng trụ sở cấp xã thật sự cần thiết.
Ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trên nguyên tắc công khai, minh bạch và gắn với trách nhiệm cá nhân. Tập trung cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thực hiện công khai, minh bạch toàn bộ hoạt động doanh nghiệp trước xã hội. Nâng dần tỷ trọng nguồn vốn huy động đầu tư của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và có lộ trình giảm tỷ lệ vay vốn đầu tư phát triển doanh nghiệp từ hệ thống ngân hàng thương mại.
Hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính lành mạnh, an toàn góp phần lấy lại đà tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
NL (Bộ Tài chính)