Tăng trưởng tín dụng vẫn đạt 11-12%
Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ sau Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đến
nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng
thận trọng, hiệu quả, chủ động dẫn dắt thị trường.
Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lượng tiền cung ứng một cách chủ động,
linh hoạt, phối hợp hài hòa giữa các kênh, mua được một lượng lớn dự trữ
ngoại hối Nhà nước nhưng đã linh hoạt hút tiền về để điều tiết tiền tệ,
phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, điều hành chính sách
tiền tệ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận
lợi cho các tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, tín phiếu
Kho bạc, giúp ngân sách nhà nước huy động vốn kịp thời đáp ứng yêu cầu
phát triển kinh tế, xã hội.
Đến 31/10/2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,6%, trong đó, huy
động vốn VND tăng 14,06% mặc dù trần lãi suất huy động vốn VND đã được
điều chỉnh giảm đáng kể, đây là nguồn vốn dồi dào và ổn định để các tổ
chức tín dụng có dư địa giảm lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng. Ước cả
năm 2013 tổng phương tiện thanh toán tăng 16% so với cuối năm 2012, góp
phần kiểm soát lạm phát dưới 7%, đảm bảo thanh khoản và thể hiện sự
thành công trong việc chuẩn bị nguồn lực tháo gỡ khó khăn về vốn cho
hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Trước những diễn biến tích cực của thị trường và sự ổn định của kinh tế
vĩ mô, từ sau Kỳ họp thứ 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều
chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành. Nhờ đó, 10 tháng qua lãi suất đã
giảm mạnh từ 8-10%/năm, lãi suất cho vay giảm từ 9-12%/năm. Trong đó,
lãi suất của các khoản cho vay mới đã giảm mạnh về mức lãi suất của giai
đoạn 2005-2006, lãi suất của các khoản cho vay cũ cũng giảm mạnh.
Kết quả này đã làm giảm áp lực chi phí vay vốn của doanh nghiệp, người dân, qua đó hỗ trợ tăng tổng cầu của nền kinh tế.
Năm 2013, trên cơ sở định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng 14-16%, tín dụng tăng 12%.
Tính đến 31/10/2013, dư nợ tín dụng tăng 7,18% so với cuối năm 2012, tuy
còn cách khá xa mục tiêu nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn nhận định đây là
mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2012 (3,54%). Cơ cấu
tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung tăng trưởng cao hơn
đối với lĩnh vực ưu tiên.
Ngày 14/11, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc khẩn với 14 ngân hàng thương
mại (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, ACB, Eximbank, Sacombank,
Techcombank, MB, Maritime Bank, VPBank, VIB, SeABank và SHB) để đánh giá
về tình hình tăng trưởng tín dụng hiện nay.
Một lãnh đạo ngân hàng tham gia cuộc họp trên cho biết, có nhiều ý kiến
phát biểu, thảo luận chỉ tập trung vào vấn đề tín dụng. Tuy nhiên, không
có ngân hàng nào trả lời được, liệu chỉ trong 45 ngày còn lại từ nay
đến cuối năm có tăng trưởng được khoảng 4% hay không?
Thành viên tham dự trên giải thích rằng, bởi suốt từ đầu năm đến nay
Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cũng đã làm hết mọi cách có
thể để thúc đẩy tín dụng.
Tuy nhiên, tại báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội và kết thúc buổi họp
khẩn, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng, thực tế những năm gần đây cho
thấy, tín dụng thường tăng trưởng mạnh trong quý IV. Trên cơ sở kết quả
đạt được trong những năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tin tưởng rằng,
tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống của cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 11-12%
như mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận trong
bối cảnh hiện nay, khả năng tiêu thụ hàng hóa kém, hàng tồn kho tăng
cao, năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút, nên việc đáp ứng đủ
các điều kiện vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp bị hạn chế... đã ảnh
hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vẫn còn khó khăn do các
mặt hàng nông sản luôn đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro thị
trường và tình trạng quy hoạch nuôi trồng thủy sản tràn lan, hoạt động
kém hiệu quả của các doanh nghiệp... làm ảnh hưởng đến chất lượng tín
dụng cho các mặt hàng trên.
Xử lý nợ xấu vẫn gặp khó khăn
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 9/2013, tổng số dư
nợ xấu toàn hệ thống là 142,33 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9 nghìn tỷ đồng
(tăng 20,2%) so với cuối năm 2012, tốc độ tăng bình quân 2,2%/tháng. Mặc
dù tốc độ tăng của nợ xấu đã được kiềm chế, song tỷ lệ nợ xấu trong
tổng dư nợ tín dụng liên tục tăng lên do dư nợ tín dụng tăng trưởng
chậm. Theo đó, đến cuối tháng 9/2013, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín
dụng là 4,62%, tăng so với mức 4,08% của cuối năm 2012 và 3,07% cuối năm
2011.
Ngân hàng Nhà nước cho biết phấn đấu đến cuối năm 2015 xử lý được cơ bản
số nợ xấu hiện nay, kiểm soát có hiệu quả và nâng cao chất lượng tín
dụng. Nguyên tắc xử lý nợ xấu là huy động mọi nguồn lực trong xã hội và
hạn chế sử dụng vốn ngân sách để xử lý nợ xấu.
Nhưng, Ngân hàng Nhà nước cũng lo ngại việc xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều
khó khăn do phụ thuộc nhiều vào các điều kiện kinh tế vĩ mô và thị
trường, trong khi tiêu thụ hàng hóa còn chậm, năng lực tài chính và khả
năng trả nợ của doanh nghiệp còn thấp.
Bên cạnh đó các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho
sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản cần phải có thời
gian phát huy tác dụng. Thị trường bất động sản chậm phục hồi, thị
trường tài chính trì trệ gây khó khăn cho việc bán, xử lý tài sản bảo
đảm tiền vay để thu hồi nợ.
Khó khăn nữa là các giải pháp xử lý nợ xấu vẫn chưa được triển khai đồng
bộ và phát huy tác dụng(biện pháp chủ yếu vẫn là tổ chức tín dụng tự xử
lý nợ xấu) đã làm giảm mức độ lành mạnh tài chính, hiệu quả kinh doanh
của tổ chức tín dụng trong ngắn hạn. Cơ chế, chính sách xử lý tài sản
bảo đảm tiền vay còn nhiều rất vướng mắc, phức tạp, chậm được khắc phục,
hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho xử lý nợ xấu.
Đáng lưu ý là báo cáo nhắc đến nguyên nhân thiếu sự hỗ trợ tài chính của
Chính phủ cho việc xử lý nợ xấu, trong khi môi trường kinh doanh không
thuận lợi khó thu hút các nguồn vốn đầu tư tài chính cho việc xử lý nợ
xấu và tài sản bảo đảm.
Cho dù không nằm trong danh sách chính thức trả lời chất vấn trực tiếp
trước Quốc hội tại kỳ họp này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn
Bình cùng nhiều vị tư lệnh khác vẫn sẽ có mặt tại các phiên chất vấn và
trả lời chất vấn, bắt đầu từ 19/11, ở vị trí sẵn sàng "chia lửa"./.
Minh Thúy (Vietnam+)