Chủ Nhật, 13/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 10/1/2014 10:0'(GMT+7)

Tăng cường vai trò của cơ quan chủ quản đối với hoạt động xuất bản

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TH)

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TH)

Ngày 9/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014. Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đảng ta luôn xác định công tác xuất bản có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc nâng cao dân trí, xây dựng nền tảng tri thức quốc gia. Những năm qua, công tác xuất bản đã góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tại Đại hội XI, Đảng ta đã chỉ rõ: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước; khắc phục xu hướng thương mại hoá, xa rời tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí, xuất bản. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ hoạt động báo chí, xuất bản vững vàng về chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ và có năng lực đáp ứng tốt yêu cầu của thời kỳ mới. Rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới báo chí, xuất bản trong cả nước theo hướng tăng cường hiệu quả hoạt động, đồng thời đổi mới mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất - kỹ thuật theo hướng hiện đại”.

Về hoạt động xuất bản trong năm 2013, các nhà xuất bản trong cả nước đã đăng ký 52.325 cuốn. Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã xác nhận 51.318 cuốn. Tổng số xuất bản phẩm toàn ngành nộp lưu chiểu là 26.933 cuốn với 279.720 triệu bản. Nội dung các xuất bản phẩm phong phú, đa dạng với nhiều thể loại, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Báo cáo đánh giá khái quát công tác chủ quản năm 2013 tại hội nghị nêu rõ trước những khó khăn của đất nước và của ngành xuất bản, nhằm tạo điều kiện cho các nhà xuất bản trực thuộc vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều cơ quan chủ quản đã nỗ lực triển khai các nhóm nội dung quan trọng của công tác chỉ đạo thực hiện tôn chỉ, mục đích với một số kết quả nổi bật. Đó là:

Thứ nhất, công tác định hướng, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị: Cơ quan chủ quản đã nghiêm túc thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo, định hướng thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với hoạt động của nhà xuất bản; kịp thời xét duyệt các đề tài xuất bản và chỉ đạo nhà xuất bản thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ. Một vài cơ quan chủ quản đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, biên tập viên nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với anh em công tác trong lĩnh vực “đặc thù” này hết sức thỏa đáng (Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch, Trung ương Đoàn TNCSHCM, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam…).

Thứ hai, đầu tư cơ sở vật chất: Các cơ quan chủ quản đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà xuất bản trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật; định hướng sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, đặc biệt, có cơ chế hỗ trợ đối với nguồn sách đặt hàng. Từ nguồn đầu tư này, nhiều bộ sách có giá trị đã được xuất bản như: sách phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; sách về phát triển văn hóa, KHKT, VH-NT; sách về nhiệm vụ quản lý an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; sách phục vụ cơ sở xã, phường, thị trấn; sách phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại; sách cho giới trẻ…

Thứ ba, nhiều cơ quan chủ quản đã quan tâm đến việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ làm xuất bản, nhất là cán bộ lãnh đạo các Nhà xuất bản thông qua việc cử cán bộ đi tập huấn về nghiệp vụ xuất bản, biên tập xuất bản phẩm; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nguồn, kế cận, có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Nhiều cơ quan chủ quản chủ động phối hợp thực hiện các quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo nhà xuất bản với cơ quan chỉ đạo, quản lý theo Quyết định 282-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Thứ tư, việc phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Hội Xuất bản Việt Nam với các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tỉnh, thành về công tác xuất bản (các nội dung, vấn đề phức tạp, nhạy cảm) đã được phối hợp xử lý theo các các Quyết định 281, 283-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương.

Cùng với các kết quả đã đạt được, nhiều cơ quan chủ quản vẫn chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhiệm vụ chỉ đạo, định hướng đối với nhà xuất bản. Bên cạnh một số cơ quan chủ quản chủ động điều chỉnh mô hình hoạt động cho đơn vị xuất bản của mình theo tinh thần Kết luận 289-TB/TW ngày 4-12-2009 của Ban Bí thư (khóa X), còn không ít cơ quan chủ quản lúng túng, bị động, chưa tạo điều kiện cho nhà xuất bản xây dựng và phát triển theo mô hình phù hợp với chức năng và nhiệm vụ. Việc chỉ đạo phối hợp giữa nhà xuất bản và các đơn vị trong ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn là hạn chế, phổ biến ở các nhà xuất bản. Nhiều cơ quan chủ quản chưa quan tâm tạo dựng vị thế tương xứng cho nhà xuất bản trong mối quan hệ với các đơn vị chức năng khác, đặc biệt là ở các nhà xuất bản thuộc mô hình doanh nghiệp.

 
Ban Chủ trì hội nghị (Ảnh: TH)

Tại hội thảo, các đại biểu đã phát biểu ý kiến, tham luận tập trung vào những vấn đề về thực trạng công tác xuất bản và công tác chủ quản Nhà xuất bản 2013 như vấn đề bản quyền; tình trạng xuống cấp nghiêm trọng về cơ sở vật chất, kỹ thuật,  thiếu sự đầu tư về trang thiết bị kỹ thuật công nghệ; tình trạng đói vốn hoạt động do những khó khăn về tài chính và bản thảo; tình trạng một số đơn vị đang phải đi thuê trụ sở, trang thiết bị kỹ thuật với chi phí cao hơn kết quả sản xuất, kinh doanh, sự bất cập về mô hình hoạt động của một số Nhà xuất bản… Các đại biểu cũng cho rằng những khó khăn, thách thức trên đây cũng được coi như là cú hích để ngành xuất bản vươn lên tự khẳng định vị trí của mình. 

Để triển khai tốt nhiệm vụ năm 2014, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất, đề nghị các cơ quan chỉ đạo, quản lý công tác xuất bản, các cơ quan chủ quản xuất bản quan tâm đến một số vấn đề sau:

Một là, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với các ban, bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ban Bí thư Trung ương, với Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách cho ngành xuất bản: Quỹ hỗ trợ xuất bản; chính sách tài trợ, đặt hàng của Nhà nước, ưu đãi về vốn vay, đặc biệt là xác định loại hình, mô hình hoạt động.

Hai là, phát huy vai trò của cơ quan chủ quản, tăng tính chủ động, kịp thời trong công tác chỉ đạo, định hướng nội dung xuất bản phẩm cho đơn vị Nhà xuất bản thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm các sai phạm về nội dung xuất bản phẩm, nhất là kiểm soát việc liên doanh, liên kết, khắc phục tình trạng một số xuất bản phẩm xa rời tôn chỉ, mục đích; quan tâm, chăm lo hơn nữa đến đến đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, vững về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; xem xét, xác định mô hình hoạt động Nhà xuất bản của đơn vị cho phù hợp (đối với một số Nhà xuất bản chuyên ngành và Nhà xuất bản địa phương, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chính trị-xã hội của ngành và địa có nên chuyển đổi về mô hình đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần kinh phí, và được cơ quan chủ quản quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vốn, nhân lực tương xứng với nhiệm vụ, chức năng của Nhà xuất bản chuyên ngành và địa phương).

Ba là, các Nhà xuất bản cần tăng cường tính năng động, sáng tạo, vượt khó, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xây dựng các đề tài trung và dài hạn; thực hiện nghiêm chỉnh các khâu biên tập, thẩm định nội dung xuất bản phẩm, giảm thiểu những sai phạm trong năm 2014.  

Bốn là, cơ quan quản lý cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát chống in lậu nhằm hạn chế tối đa nạn “ăn cắp bản quyền” và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xuất bản. Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam định kỳ mở các lớp tập huấn, đào tạo và đào tạo lại biên tập viên, tổ chức thi nâng ngạch biên tập viên chính, chuyên viên chính nhằm nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn và bản lĩnh chính trị cho biên tập viên.

Thứ năm, kiến nghị với Chính phủ nhanh chóng công nhận Hội Xuất bản Việt nam là Hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp, làm sao để Hội Xuất bản Việt Nam là nơi đoàn kết, phát huy trí tuệ của toàn ngành xuất bản, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ sáu, công tác tuyên truyền của ngành xuất bản năm 2014, 2015 tập trung tuyên truyền phổ biến pháp luật: Hiến pháp nước CHXHCNVN, các bộ luật để thực thi Hiến pháp, pháp luật; sách, ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, thông tin đối ngoại; phục vụ các sự kiện trọng đại năm 2014 và 2015: 70 năm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945 - 2015); 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2014); 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh (1915 - 2015); 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944 - 2014). Đồng thời, chuẩn bị các công việc tiến hành đánh giá, báo cáo cho Tổng kết 10 năm thực hiện hai Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X): Chỉ thị 20-CT/TW  về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới” và Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”.  


 
Biểu dương các đồng chí lãnh đạo nhà xuất bản đã có cống hiến với ngành xuất bản (Ảnh: TH)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ biểu dương những thành tích nổi bật đối với công tác chủ quản Nhà xuất bản năm qua. Những thành tích nêu trên là những nỗ lực phấn đấu của toàn ngành xuất bản, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của công tác chủ quản đối với hoạt động xuất bản. Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ cũng lưu ý cần nghiêm túc nhận rõ một số hạn chế, thiếu sót trong công tác chủ quản.  

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cơ quan chủ quản Nhà xuất bản năm 2014, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ đề nghị các cơ quan liên quan quan tâm, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị vừa thống nhất.

Bảo Châu


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất