Thứ Năm, 28/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Ba, 28/7/2015 21:4'(GMT+7)

Tăng cường y tế cơ sở, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Theo Bộ Y tế, năm 1954, mạng lưới y tế cơ sở miền bắc chỉ có 2.000 trạm y tế trên tổng số 6.000 xã với 258 y, bác sỹ; 78 dược sỹ đại học và trung học; 5.000 y tá và 1.800 nữ hộ sinh; 30.000 vệ sinh viên thôn xóm.

Đến nay, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở còn bao gồm cả cô đỡ thôn bản và cộng tác viên y tế, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện nước ta đã có gần 11.000 trạm y tế xã với hàng trăm ngàn cán bộ y tế công tác.Những năm qua, nhờ có mạng lưới y tế cơ sở, hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung và chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng đã được triển khai thường xuyên, rộng khắp. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được cung cấp đến tất cả mọi người dân, kể cả khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, biên giới, hải đảo. Chăm sóc sức khỏe ban đầu bao gồm các hoạt động chủ yếu như dịch vụ phòng bệnh, khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng, y học cổ truyền…

Nhờ hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế như: tuổi thọ trung bình, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, giảm tỉ lệ tử vong mẹ… Việt Nam cũng là 1 trong 10 quốc gia được quốc tế đánh giá có tốc độ giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh nhanh nhất. Bên cạnh đó, hoạt động khám chữa bệnh chiến tới 70% tổng số khám, chữa bệnh BHYT.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên, hiện nay còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức như: Mô hình bệnh tật thay đổi theo hướng gia tăng nhanh chóng gánh nặng các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích, đan xen với bệnh nhiễm trùng; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mang tính toàn cầu; vấn đề kiểm soát yếu tố nguy ảnh hưởng đến sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn (như ngộ độc thực phẩm, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội), trong khi khả năng đáp ứng về dịch vụ y tế còn hạn chế, đặc biệt là ở y tế cơ sở. Chênh lệch về chỉ số sức khỏe giữa các vùng ngày càng cao.

Tình trạng sức khoẻ của nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa tuy đã có cải thiện, nhưng tiến bộ chậm hơn so với mức chung của cả nước. Hệ thống y tế cơ sở vẫn bộc lộ nhiều điểm bất cập.

Việc thu hút các cán bộ y tế có trình độ chuyên môn giỏi về công tác tại Y tế cơ sở còn gặp khó khăn do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng. Chất lượng dịch vụ Y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của người dân, dẫn đến tình trạng vượt lên tuyến trên gây quá tải các bệnh viện tuyến cuối. Các mô hình quản lý bệnh tật, chăm sóc bệnh tật tại cộng đồng, gia đình chưa được đầu tư trong khi xu hướng già hóa dân số...ngày càng gia tăng.

Vì vậy, các giải pháp đột phá, khả thi và hiệu quả cho việc xây dựng Y tế cơ sở về các mặt: nhân lực, cơ sở hạ tầng, cơ chế tài chính, chính sách thu hút và đãi ngộ cán bộ nhằm đẩy mạnh việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân, tiến tới xây dựng một nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.

Theo các chuyên gia, để có một hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu hiện đại, Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho hệ thống cơ sở làm cho mục tiêu bao phủ Bảo hiểm y tế toàn dân bền vững. Đồng thời, cần tiếp tục chú trọng nâng cao nguồn nhân lực y tế, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, trang thiết bị y tế, đồng thời với sự cam kết cao về mặt chính trị và nỗ lực của toàn hệ thống y tế sẽ đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Theo đó, Bộ Y tế cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đề án quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở Việt Nam, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: Xác định vai trò, phạm vi của mạng lưới y tế cơ sở và mối quan hệ giữa y tế cơ sở và hệ thống bác sĩ gia đình; xác định những dịch vụ kỹ thuật được cung cấp tại tuyến y tế cơ sở đồng thời chuẩn hóa và có hệ thống đánh giá nghiêm ngặt các dịch vụ kỹ thuật này; đào tạo, chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở làm việc tại cộng đồng; nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế cơ sở trên toàn quốc; đề xuất cơ chế tài chính cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho tuyến y tế cơ sở. Thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, đảm bảo cho người bệnh được chữa trị, chăm sóc bằng những nguồn lực tốt nhất nhưng với mức chi phí người bệnh phải chi trả thấp nhất; tăng cường đầu tư toàn diện cho y tế cơ sở; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong chăm sóc sức khỏe tại tuyến y tế cơ sở như: ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển giao kỹ thuật  cho hệ thống bệnh viện vệ tinh, nâng cao năng lưc bác sĩ gia đình; tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân để chủ động tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng.../.

Đặc biệt, các bộ, ngành  và chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở, đồng thời tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế như là một phương thức tốt nhất cho chăm sóc sức khỏe ban đầu./.

Minh Hoàng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất