Thứ Hai, 14/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 2/4/2010 9:52'(GMT+7)

Thông qua nghị quyết về kiềm chế lạm phát

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc (đứng) và Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc (đứng) và Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn.

Chính phủ nhận định kinh tế quí I phục hồi tích cực, tăng 5,85% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp tăng 13,6%. Tuy nhiên, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ do kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, lành mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng quý I ở mức 4,12% là khá cao. Cùng đó, thị trường tài chính chưa ổn định, nhập siêu lớn.

Thủ tướng kết luận cần tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, đồng thời cần thực hiện tốt một số giải pháp: Ổn định thị trường tài chính - tiền tệ, áp dụng lãi suất thỏa thuận và Ngân hàng Nhà nước phải tìm cách kéo lãi suất xuống để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm giữ bình ổn giá xăng dầu, như giảm thuế, sử dụng quỹ bình ổn giá, kiểm soát các tập đoàn trong việc tăng giá, siết chặt đầu tư công, hạn chế nhập các mặt hàng xa xỉ như điện thoại… Phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, bộ này đang cho 3 đoàn công tác kiểm tra việc lợi dụng tăng giá điện để đẩy giá thép lên cao. Bộ cũng kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp giữ giá xăng ổn định, nếu giá thế giới giảm thì phải giảm tương xứng, phải báo cáo liên Bộ nếu tăng giá.

“Giá xăng ở Việt Nam không phải cao nhất mà thấp nhất thế giới, thấp hơn cả nước bạn láng giềng là Lào. Các nước đánh thuế sử dụng xăng dầu rất cao, trong khi chúng ta mới chỉ thu một phần phí rất nhỏ”- Thứ trưởng Trần Văn Hiếu nói.

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo huy động thêm nguồn vốn cung ứng cho doanh nghiệp, đồng thời kéo lãi suất xuống thấp, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo lãi thực dương, tức là lãi suất phải trên mức lạm phát trung bình (tính trong một thời kỳ).

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong xung quanh vấn đề dự kiến chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên khu vực Ba Vì - trong Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời sẽ chọn phương án tối ưu.

Bộ trưởng Phúc nói, Chính phủ hoan nghênh các ý kiến đóng góp, góp ý cho Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Về ý kiến của Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam (xem Tiền Phong ngày 1-4) ông Phúc nói: “Đây là một ý kiến tốt, Chính phủ cũng như các bộ ngành liên quan sẽ lắng nghe, tiếp thu chọn lọc những ý kiến xác đáng, hợp lý. Chúng ta có hai tư vấn nước ngoài và cả trong nước, cho nên sẽ có nhiều phương án lựa chọn và sẽ  chọn phương án tối ưu”.

Phạt vi phạm giao thông ở Hà Nội, TPHCM: Tăng đến 200%

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nhất trí thông qua Nghị định mới về áp dụng cơ chế đặc thù trong xử phạt vi phạm đối với người và phương tiện tham gia giao thông tại hai địa phương lớn Hà Nội, TPHCM.

Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Nghị định này quy định tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm an toàn giao thông lên từ 40 % đến 200 %”. Cụ thể, các hành vi bị tăng mức xử phạt nặng bao gồm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, lỗi vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ quy định…

Việc áp dụng thí điểm sẽ được thực hiện trong 36 tháng. Sau đó, Chính phủ sẽ xem xét quyết định có tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù nữa hay không. 

* Trả lời PV Tiền Phong về quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đối với vấn đề quản lý kinh tế yếu kém, thua lỗ và nợ chồng chất tại Tập đoàn Vinashin, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc để làm rõ các vấn đề của Vinashin. Sau khi có kết luận chính thức, Chính phủ sẽ công khai việc xử lý đối với tập đoàn này.

* Về việc Cơ quan Công an tỉnh Lạng Sơn không khởi tố vụ hành hung nhà báo Thế Dũng (Báo Người lao động), Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết, ngày 1-4, ông đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn, đề nghị Tỉnh chỉ đạo cơ quan công an điều tra lại để làm sáng tỏ vụ việc.

 Nguyễn Minh Tuấn - TiềnPhong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất