Thứ Bảy, 21/9/2024
Chính sách
Thứ Bảy, 8/6/2013 11:3'(GMT+7)

"Tạo đổi mới và đột phá trong cải cách hành chính"


Thứ trưởng khẳng định “Nếu được thực hiện thành công, Đề án sẽ tạo ra những đổi mới cơ bản và đột phá trong cải cách hành chính và giảm được nhiều chi phí cho xã hội”.
 
- Đề án hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể hơn về mục tiêu này và những lợi ích mà người dân sẽ được hưởng?
 
Thứ trưởng Lê Hồng Sơn: Trước hết đó là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân cho công dân, qua đó tiết kiệm cho cả xã hội và tạo thuận lợi cho người dân như giảm kinh phí thực hiện các cuộc điều tra xã hội liên quan đến công tác quản lý dân cư, giảm chi phí đầu tư cho việc duy trì các thông tin trùng lặp tại các cơ sở dữ liệu, giảm tối đa việc nhập các trường thông tin trùng lặp về công dân, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước khi xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
 
Mỗi người dân sẽ có một số định danh cá nhân; khi thực hiện thủ tục hành chính, người dân không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện thủ tục hành chính chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân. Theo đánh giá sơ bộ, việc thực hiện giúp đơn giản hóa tối thiểu 1.300 thủ tục hành chính có yêu cầu khai thông tin công dân hoặc xuất trình/nộp bản sao/nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân sẽ giúp tiết kiệm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.
 
- Xin Thứ trưởng cho biết những khó khăn khi triển khai thực hiện Đề án?
 
Thứ trưởng Lê Hồng Sơn: Đây là đề án lớn, có qui mô và phạm vi trải rộng trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội và có ảnh hưởng đến đời sống của gần 90 triệu dân, trong điều kiện thông tin cơ bản của công dân đang phân tán trong nhiều cơ sở dữ liệu, do nhiều cơ quan quản lý nên việc thu thập, nhập thông tin của công dân (khoảng 20-25 thông tin/công dân) để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia là vấn đề không thể giải quyết trong một thời gian ngắn; đồng thời đòi hỏi sự phối kết hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân trong việc thu thập, xác minh các thông tin trước khi nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
 
Tiếp đó là nguồn lực cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia theo Đề án này không nhỏ. Ngoài ra, theo tính toán của Bộ Tư pháp, để phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân đi vào cuộc sống cần thực hiện sửa đổi, bổ sung tối thiểu 178 văn bản qui phạm pháp luật. Những thách thức này sẽ khó có thể vượt qua nếu không có sự nỗ lực, quyết tâm và phối hợp của toàn xã hội.
 
- Thưa Thứ trưởng, thực hiện đề án này có chồng chéo với Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được Bộ Công an chủ trì xây dựng (theo Nghị định 90/2010/NĐ-CP) và dẫn tới nguy cơ lãng phí hay không?
 
Thứ trưởng Lê Hồng Sơn: Không có sự chồng chéo vì Đề án của Bộ Công an về dân cư là một phần của Đề án tổng thể này. Nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong Đề án này chính là nhiệm vụ mà Chính phủ đang giao cho Bộ Công an thực hiện, nhưng với yêu cầu không chỉ dừng lại ở mục tiêu quản lý nhà nước về dân cư mà phải đặt ưu tiên là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính, giảm giấy tờ cho công dân. 
 
Dự kiến, Đề án do Bộ Công an xây dựng sẽ được trình Chính phủ vào tháng 7 và được phê duyệt vào tháng 9 để bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong Đề án tổng thể vừa được ban hành hôm nay.
 
- Vậy có thể khẳng định, việc Thủ tướng phê duyệt Đề án là “bước đột phá trong cải cách hành chính” hay không, thưa Thứ trưởng?
 
Thứ trưởng Lê Hồng Sơn: Chắc chắn là như vậy vì Đề án được phê duyệt thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ, Thủ tướng về xây dựng một Chính phủ “gần dân, phục vụ nhân dân.” Đến nay, chúng ta đã đơn giản hóa được hơn 5.700 thủ tục hành chính. Bộ Tư pháp đang cùng các bộ, ngành triển khai các Nghị quyết của Chính phủ thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính. 
 
Nối tiếp thành công đó, nếu thực hiện thành công Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, sẽ tạo ra những đổi mới cơ bản và đột phá trong công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam thời gian tới, đặt nền móng cho việc việc phát triển Chính phủ điện tử nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 cho công dân.

TTX
 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất