Chủ Nhật, 22/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 24/8/2017 9:25'(GMT+7)

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục

* Tại Cần Thơ, ngành Giáo dục sẽ đẩy mạnh mô hình phát triển năng lực cá nhân học sinh, với tiêu chí lấy học trò làm trung tâm của quá trình truyền đạt – lĩnh hội kiến thức. 


Ông Lê Thanh Phong, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cho biết: Cần Thơ đã chủ động xây dựng mô hình “Trường điển hình đổi mới” tại từng cấp học, trong đó chú trọng bậc Tiểu học. Đây là mô hình nhằm phát triển năng lực cá nhân học sinh theo lý thuyết đa năng lực (Multiple Intelligences) của Giáo sư Howard Earl Gardner. Theo đó, mọi học sinh đều thông minh, đều có khả năng học tập hiệu quả, mỗi em đều có thể hình thành và phát triển năng lực cá nhân riêng biệt, không em nào giống em nào. 

Theo quan niệm giáo dục truyền thống, học trò tiếp nhận kiến thức một cách thụ động và lệ thuộc nhiều vào giáo viên, phần nhiều nghiêng về lý thuyết, thì phương pháp mới trong mô hình “Trường điển hình tiên tiến” hướng tới người thầy chỉ nêu phương pháp nghiên cứu, còn học sinh tự tìm tòi và thảo luận. Đặc biệt, các em được gia tăng các kỹ năng sống, được đăng ký học môn mình thích, trên nền tảng chấp nhận lý thuyết con người có nhiều loại hình trí tuệ khác nhau như: ngôn ngữ, logic, âm nhạc, không gian, vận động, giao tiếp… 

Đại diện Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) cho biết: Là trường được chọn thí điểm mô hình Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, nhà trường đã ứng dụng các phương pháp dạy học tích cực, gia tăng tính tương tác cũng như tôn trọng sự khác biệt của từng cá nhân học sinh. Kết quả bước đầu cho thấy, học sinh được thúc đẩy sự phát triển, tính chủ động, khả năng tư duy, phản biện và giải quyết vấn đề. Bên cạnh các hoạt động giáo dục bắt buộc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh theo học mô hình mới này còn được đăng ký tham gia các hoạt động theo sở thích, sở trường, nhu cầu, năng lực cá nhân như: giao tiếp tiếng Anh với người bản xứ, bơi lội, STEM – Robotic, múa hát, nữ công, mỹ thuật… 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cho biết, mô hình “Trường điển hình tiên tiến” hiện nay được thí điểm ở một trường trong mỗi cấp học và được kiểm tra, đánh giá kết quả thường xuyên. Kết quả cho thấy, năm sau luôn tốt hơn năm trước. Tiêu biểu, năm học 2016-2017, lần đầu tiên Cần Thơ được xướng tên trên bảng vàng quốc tế khi có học sinh đạt Huy chương Bạc Olympic Tin học Châu Á. Đến năm học 2018-2019, dự kiến mỗi cấp học sẽ tăng lên 10 trường đổi mới giáo dục theo mô hình này. 




* Tại Vĩnh Phúc, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh và phổ cập giáo dục đúng độ tuổi. Vĩnh Phúc cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy-học và quản lý giáo dục. 

Cùng với đó, Vĩnh Phúc chú trọng củng cố mạng lưới trường lớp các cấp phù hợp với điều kiện địa lý và trình độ dân trí; khai thác mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học; thực hiện tốt công tác khảo thí và kiểm định chất lượng trong dạy và học; phát triển xã hội học tập. 

Năm học 2017-2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc chỉ đạo các trường tiếp tục tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh; coi trọng phương pháp, kĩ thuật đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì đối với học sinh tiểu học; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học tích cực. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đổi mới và thực hiện đồng bộ chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo phương thức lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm, gắn giáo dục hướng nghiệp với định hướng phân luồng học sinh phù hợp với định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng giao quyền chủ động cho các nhà trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản, gắn với đổi mới phương thức dạy học, kiểm tra, thi theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới. Các trường chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng. 

Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc cũng tăng cường các giải pháp định hướng phân luồng học sinh trung học phổ thông qua việc giao quyền cho các địa phương, nhà trường chủ động điều chỉnh nội dung và phương thức giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương; huy động sự tham gia của cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp trong công tác giáo dục hướng nghiệp. 

Tỉnh Vĩnh Phúc có 564 trường học và cơ sở giáo dục với hơn 322.700 học sinh, sinh viên. Năm học 2016 – 2017, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã đổi mới công tác quản lý, áp dụng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Cơ sở vật chất trường học và trang thiết bị giảng dạy được đầu tư theo chiều sâu, hiện đại, chuẩn quốc gia. Tỉ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 83% ở các cấp học; chất lượng dạy và học ở các cấp được nâng lên. Năm học 2016 – 2017, Vĩnh Phúc có 77 học sinh giỏi giành các giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 1 học sinh đoạt Huy chương Đồng tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế… 



* Tại Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Cửu đề nghị: Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi giáo viên, quan tâm và có chế độ chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn; rà soát lại các trường sau sáp nhập... Trong năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp chính, trong đó có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn. 

Ông Quản Văn Giang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện vùng cao Đà Bắc (Hòa Bình) cho biết: Đà Bắc có đến 17/20 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện mới chỉ đạt 28,3%. Trong năm 2017, huyện Đà Bắc tập trung xây dựng 2 trường đạt chuẩn quốc gia. Huyện cũng có kế hoạch đề nghị kiểm tra, thẩm định lại 4 trường gồm 3 trường Tiểu học và 1 trường liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở. Hiện, đã có 2 trường là trường Tiểu học Triệu Phúc Lịch và trường liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở Hào Lý được UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra, thẩm định và cấp Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia. 


Còn theo ông Bùi Văn Hồng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thủy: Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, huyện chỉ đạo các trường thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học trong các trường. Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, huyện Yên Thủy tập trung thực hiện công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, nhờ đó năm học vừa qua huyện có 432 em đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, trong đó có 106 em học tại các trường vùng đặc biệt khó khăn. 


Năm học 2016 - 2017, tỉnh Hòa Bình có 495 trường, 13 trung tâm, 1 trường Cao đẳng Sư phạm, 210 Trung tâm học tập cộng đồng. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình đã tăng cường việc thực hiện kỷ cương, nề nếp trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; rà soát quy hoạch lại mạng lưới giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cũng tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục từng bước được nâng cao qua việc bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Các cuộc vận động và phong trào thi đua ngày càng được nhân rộng và đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả thiết thực; công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông được tiếp tục quan tâm… Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường đạt 71,4%; tỷ lệ trẻ ăn tại trường đạt 98,6%. Kết quả học sinh đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt 97%; chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được duy trì và có bước tiến đáng kể với 36 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố trong cả nước./. 

TG tổng hợp

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất