"Một trong những cú sốc lớn nhất lịch sử Confederations Cup" là cụm từ có lẽ xuất hiện nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông, khi đánh giá về kết quả của trận bán kết giữa Tây Ban Nha và Mỹ hôm qua. Không sốc sao được khi hai đội vốn ở hai thái cực hoàn toàn khác nhau, về mọi phương diện, mà đơn cử là câu chuyện tại vòng bảng. Đại diện Bắc Mỹ thua hai trận và vô cùng chật vật mới lách được qua khe cửa hẹp để có mặt ở vòng bốn đội. Trong khi đó, Tây Ban Nha trình diễn bộ mặt hoàn toàn khác là ba trận toàn thắng, ghi tám bàn và chỉ để thủng lưới một lần. Họ nhờ đó lập kỷ lục 15 trận thắng liên tiếp, và tràn trề hy vọng vượt qua cột mốc chuỗi 35 trận bất bại đang chia sẻ cùng Brazil.
Ngoài ra, Tây Ban Nha còn nhận được sự hậu thuẫn lớn từ lịch sử khi trong cả ba cuộc đối đầu giữa hai đội trước đây, họ toàn thắng. Đầu tiên là ở vòng bảng World Cup 1950, sau đó là hai trận giao hữu vào các năm 1992 và 2008.
Bán kết Confederations Cup 2009 |
Ngày 24/6 Tây Ban Nha 0-2 Mỹ (Altidore 27', Dempsey 74')
20h30 ngày 25/6 (giờ Nam Phi; + 5 = giờ Hà Nội) Brazil - Nam Phi |
Sau khi để một số cầu thủ được nghỉ ngơi trong trận đấu cuối cùng ở vòng bảng thắng chủ nhà Nam Phi 2-0, Tây Ban Nha hôm qua có đủ mặt anh tài với sự trở lại của Iker Casillas, Sergio Ramos, Joan Capdevila hay Xabi Alonso.
Trước trận đấu, bất chấp việc được đánh giá là cửa trên, thầy trò Vicente del Bosque vẫn tỏ ra thận trọng. Nhà cầm quân người Tây Ban Nha công khai thừa nhận sự quan ngại khi thấy "Mỹ chơi ngày một tiến bộ", trong khi Xavi nhận thấy rằng đối thủ "rất nguy hiểm vì đang ở vào thế chẳng còn gì để mất" (Mỹ tưởng như bị loại từ vòng bảng sau khi để thua hai trận đầu, nhưng may mắn giành quyền đi tiếp nhờ hơn Italy chỉ số phụ).
Và sự thận trọng đó là không thừa, thể hiện ngay từ trong cách tiếp cận trận đấu của hai đội. Trong khi Tây Ban Nha thể hiện sự cẩn trọng bằng sơ đồ 4-2-3-1, với Fernando Torres chơi hỗ trợ ngay sau mũi công duy nhất David Villa, thì ở bên kia chiến tuyến, Mỹ mạnh dạn sử dụng 4-4-2 giàu ý đồ tấn công hơn. Hai hướng giáp công do Charlie Davies và Jozy Altidore đảm trách.
|
Chiến thắng của Mỹ sẽ còn được nhắc đến nhiều. |
Ngay sau tiếng còi khai cuộc, những cái bóng áo trắng bất ngờ ào lên như thác lũ hòng đánh phủ đầu đại diện của châu Âu. Khung thành của Casillas liên tục phải hứng chịu những đợt sóng dữ. Chỉ trong vòng ba phút, từ phút thứ 7 đến 10, đội bóng của HLV Bradley có đến ba cơ hội ngon. Nếu tìm được sự chuẩn xác, cú dứt điểm kiểu "xe đạp chổng ngược" của Davies hay pha kết thúc tầm thấp từ ngoài cấm địa của Dempsey rất có thể đã khiến mành lưới của Tây Ban Nha sớm phải tung lên.
Tây Ban Nha tất nhiên không chịu nhún nhiều. Họ lập tức có câu trả lời xứng đáng. Phút 11, Cesc Fabregas chuyền vào ngang mặt khung thành cho Fernando Torres bắt vô-lê, nhưng hỏng ăn. Tình huống này như mồi lửa giúp đội Đương kim vô địch châu Âu tìm lại được cảm hứng, sau đó. Họ tái diễn lối đá giàu cảm hứng, nhuần nhuyễn từng làm nên danh tiếng thời gian qua. Torres lại có cơ hội hay nhưng không đánh bại được thủ thành Tim Howard.
Khi mọi việc đang xuôi theo chiều có lợi cho Tây Ban Nha thì bất ngờ giáng xuống, phút 27. Tận dụng thoáng chểnh mảng của hàng thủ áo đỏ, Altidore mạnh mẽ vượt qua Capdevila rồi dứt điểm quyết đoán ngay ngoài cấm địa khiến Casillas nỗ lực mấy cũng chẳng thể cứu thua. 1-0 bất ngờ cho tuyển Mỹ. Còn Tây Ban Nha, đây mới chỉ là bàn thua thứ ba trong 16 trận gần đây của họ.
Diễn biến này mang đến cho Mỹ sự tự tin cần thiết để tạo lập thế trận an toàn hợp lý. Ở phía đối diện, không có thói quen bị dẫn bàn, nhưng đại diện của châu Âu không vì vậy mà mất chất. Họ vẫn điềm tĩnh triển khai lối chơi đan phối, liên tục vây đánh ở phần sân bên kia. Tuy nhiên, cơ hội thực sự thì không có nhiều. Đáng kể nhất chỉ là nỗ lực từ Torres, khi dùng kỹ thuật vượt qua chốt chặn Bocanegra rồi dứt điểm ở khoảng cách gần, nhưng vẫn không đánh bại được Howard.
Sau giờ nghỉ, Tây Ban Nha tiếp tục dâng cao gây áp lực, nhưng các cơ hội thì cứ lạnh lùng trôi qua mũi giày Villa và đồng đội. Phút 48, tiền đạo của Valencia tung ra cú dứt điểm uy lực trong thế đối diện, nhưng bị Howard xuất thần từ chối. Phút 61, anh tìm vận may từ khoảng 30 mét song vẫn bất thành. Chừng hai phút sau, cơ hội thuộc về Riera khi ở trong cấm địa nhưng bị một cái bóng áo trắng chặn lại. Phút 66, nếu Ramos không quá chần chừ, khung thành của Mỹ có thể gặp nhiều nguy hiểm hơn thực tế.
|
Tây Ban Nha tưởng như sẽ làm nên trận chung kết trong mơ với Brazil. |
Sốt ruột khi học trò mãi không tìm được lối vào khung thành đối phương, phút 68, HLV Vicente del Bosque rút Fabregas ra để tăng cường cho hàng công bằng cái tên Santi Cazorla - một cầu thủ chạy cánh phải đích thực. Ngay lập tức, Mỹ đưa Feilhaber vào thay Davies để làm giàu thêm cho sức mạnh ở tuyến giữa.
Điều chỉnh của đội bóng đến từ Bắc Mỹ tỏ ra hiệu quả hơn cho lối đá phòng ngự phản công, vốn được họ triển khai hợp lý từ trước. Phút 74, điều đó được chứng mình một cách hoàn hảo bằng bàn nâng tỷ số lên 2-0 của Dempsey sau khi tận dụng triệt để sự thiếu quyết đoán của hàng thủ Tây Ban Nha. Lỗi cá nhân nặng nhất thuộc về Ramos khi không phá lên mà giữ bóng lại thiếu chắc chắn trước mặt khung thành, dâng cơ hội ngon cho đối phương.
Những phút còn lại, Tây Ban Nha dồn dập tấn công nhưng trong tâm lý vội vàng, lại vấp phải hàng thủ chơi chắc chắn và hợp lý ở phía đối diện, họ không thể làm nên điều đáng kể nào dù chỉ là một bàn thắng danh dự. Tình huống gây chú ý nhất cho đến cuối trận là chiếc thẻ đỏ của Michael Bradley sau pha vào bóng ác ý với Xavi.
Đội hình thi đấu
Tây Ban Nha: Casillas, Ramos, Pique, Puyol, Capdevila, Fabregas (Cazorla 68), Alonso, Xavi, Riera (Mata 77), Villa, Torres.
Mỹ: Howard; Spector, DeMerit, Onyewu, Bocanegra (Bornstein 89), Dempsey, Bradley, Clark, Donovan, Davies (Feilhaber 69), Altidore (Casey 84).
Bàn thắng: Jozy Altidore 27, Clint Dempsey 74
Thẻ đỏ: Michael Bradley 87.
(Theo VnExpess)