Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Hai, 29/6/2009 22:22'(GMT+7)

“Tây Nguyên - Miền mơ tưởng”?

Tổng đạo diễn Đoàn Huy Giao phỏng vấn dân làng về lễ cầu mưa của Vua Lửa. (Ảnh do DVTV cung cấp).

Tổng đạo diễn Đoàn Huy Giao phỏng vấn dân làng về lễ cầu mưa của Vua Lửa. (Ảnh do DVTV cung cấp).

Sau 2 năm thực hiện, ngày 25-6, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (DVTV) chính thức giới thiệu bộ phim tài liệu “Tây Nguyên - Miền mơ tưởng” (Chỉ đạo sản xuất: Nguyễn Trung Thiện; Tổng biên tập: Huỳnh Hùng; Tổng đạo diễn: Đoàn Huy Giao) gồm 36 tập, mỗi tập dài 20 phút. Đây cũng là lần đầu tiên DVTV thực hiện một dự án phim tài liệu có quy mô lớn về một vùng đất đang thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng xem truyền hình.

Theo dõi bộ phim, khán giả sẽ được nhìn ngắm một Tây Nguyên hiển hiện trong những con người kiêu dũng như anh hùng Núp, Nơ Trang Long; nghe lại những câu chuyện huyền thoại Đam San; khám phá những vùng đất đỏ ba-zan trù phú, sương khói và đầy huyền tích như cao nguyên Măng Đen, Đà Lạt cùng những đặc sản đã làm nên thương hiệu Tây Nguyên là cafe, hồ tiêu, chè, rau, hoa Đà Lạt...

Một Tây Nguyên đang thay da đổi thịt từng ngày với những luồng di dân lớn đem đến một nhịp sống mới, sự chuyển hóa đất rừng thành đất trồng cây công nghiệp như một tiềm năng mới của vùng động lực kinh tế Tây Nguyên cũng được đoàn làm phim ghi lại một cách sống động, chân thực.

Nhân dịp “Tây Nguyên - Miền mơ tưởng” sắp được khởi chiếu trên VTV 1 kể từ ngày 10-7 (kéo dài trong khoảng một tháng rưỡi, liên tục 6 tối trong tuần (trừ tối chủ nhật) vào lúc 23h30), Báo Đà Nẵng điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Hùng về bộ phim này:

Thưa ông, cái khó nhất và quan trọng nhất đặt ra cho đoàn làm phim khi thực hiện bộ phim này là gì?

Với vốn kiến thức và điền dã tích luỹ được trong nhiều năm về Tây Nguyên, cùng với nhiều chuyến khảo sát, sưu tầm tư liệu, tham khảo ý kiến của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, lãnh đạo các tỉnh trong vùng cũng như trao đổi với nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau về vùng đất đặc biệt này, chúng tôi cho rằng bộ phim cần phải chọn hình thức thể hiện sao cho bao quát được tương đối các mặt lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Tây Nguyên như nó đã và hiện có, trong khả năng tác nghiệp của mình.

Không gian Tây Nguyên là một không gian rộng (54.538km2), bao gồm 5 tỉnh: KonTum, Gia Lai, ĐăkLăk, ĐăkNông và Lâm Đồng. Đó là chưa kể các vùng giáp ranh có tầm ảnh hưởng địa văn hóa, xã hội kéo dài xuống phía Tây các tỉnh Nam Trung bộ từ Quảng Nam đến Bình Thuận và vùng kề cận Đông Nam bộ với Tây Nguyên.

Đoàn làm phim tác nghiệp khi thực hiện tập phim “Lỗ đất mới của người Chu ru”. (Ảnh do DVTV cung cấp).
Trừ tầm nhìn bằng vệ tinh thì khó có cách quan sát nào khác ngoài tấm bản đồ địa lý về khu vực Tây Nguyên để dò theo những chuyến đi trên bộ trước chân trời cao rộng vùng sơn nguyên và trùng trùng núi đồi, thảo nguyên, làng buôn và các đô thị có dấu ấn khác nhau với nhiều tộc người khác nhau cùng cư trú. Đó là chưa kể những diễn biến về lịch sử, sinh thái, kinh tế, xã hội và văn hóa rất sôi động và đa dạng trong vùng.

Vậy đoàn làm phim đã chọn hình thức thể hiện như thế nào để có thể đem đến cho người xem cái nhìn bao quát về một Tây Nguyên rộng lớn nhưng vẫn rất chân thực về nét độc đáo riêng của từng vùng sinh thái, từng tộc người khác nhau?

Trước yêu cầu từ một khối lượng nội dung khá đồ sộ như vậy, ngoài phần tổng quan (tập đầu tiên), chúng tôi chọn hình thức “khoanh vùng không gian đặc trưng cho từng tập phim”, thứ tự nối đuôi nhau theo địa lý từ hướng Bắc vào (trên Quốc lộ 14), từ phía biển lên theo đường xương cá để tiếp cận với Tây Nguyên.

Mỗi tập đều có các yếu tố nội dung đậm nhạt khác nhau theo biên niên sử. Đặc biệt, trong mỗi không gian đặc trưng có nhấn mạnh các sự kiện nổi trội, những nhân vật nổi trội. Mỗi tập đều có một đến hai chuyên gia hoặc là người trong cuộc, dẫn dắt, liên kết nội dung biểu hiện. Việc liên kết (xâu chuỗi) giữa tập phim trước với tập phim sau thông qua “điểm báo” ở cuối phim bằng hình ảnh đi kèm với lời bình.

Thực tế cho thấy, ở Tây Nguyên, ngoài cái nhìn tổng quan chung, vẫn có những nét độc đáo riêng của từng vùng sinh thái, từng tộc người khác nhau, nhất là các tộc người bản địa. Cho dù tộc người đó có số dân ít như người Châu ở sườn núi Ngọc Linh hay người Brâu ở ngã ba Đông Dương; người Xê Đăng ở vùng cao khối núi Kontum hay người Mạ ở Vườn quốc gia Cát Tiên.

Cả sinh thái, khí hậu cũng vậy, có sự khác nhau giữa cao nguyên KonTum (trừ khu vực Mang Đen) ở phía cực Bắc với cao nguyên Lâm Viên, Di Linh ở phía cực Nam. Hoặc không gian sinh thái rừng Kon Ka Kinh, Chư Mon Ray khác với rừng Lâm Đồng, Cát Tiên…

Đoàn làm phim cảm nhận được rất rõ điều đó khi luồn sâu vào thung lũng Mường Hoong – Đăk Chưng, Tumơroong mịt mù mây khói quanh chân núi Ngọc Linh vời vợi để tham dự một đêm lửa rừng với người Xơ-teng hay lang thang trên những đồi cỏ đuôi chồn, những thác nước cao ngất trời đổ xuống dòng Sê San trước khi nó nhập vào sông Mê kông… Tất cả đều cho thấy sự đa dạng và độc đáo khác nhau của Tây Nguyên.

Trong cái “đa dạng và độc đáo” đó, đoàn làm phim quan tâm nhất đến vấn đề gì?

Chúng tôi đặc biệt chú ý đến văn hóa bản địa. Trong thế giới huyền ảo của người ở rừng, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vẫn còn đặc tính truyền thống trong cách ứng xử của con người với thiên nhiên, trong cách họ kiếm miếng ăn hàng ngày, trong cách họ dựa vào sự ban tặng hào phóng của thế giới đầy bí ẩn của tự nhiên.

Còn với các vùng khác thì sao? Đặc biệt ở những nơi có đất ba-zan màu mỡ thì sự thể đã hoàn toàn khác. Những thay đổi dữ dội của Tây Nguyên sau chiến tranh do sự có mặt của trên 80% dân số thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau từ mọi miền đất nước đến khai phá lập nghiệp. Cùng với những luồng di dân bất tận thì café, cao su, hồ tiêu cũng nhanh chóng thay thế những cánh rừng đại thụ. Đất rừng chuyển hóa thành đất cây công nghiệp như một thứ tiềm năng mới của vùng động lực kinh tế Tây Nguyên.

Ghi hình bộ linga – yoni lớn nhất Đông Nam Á. (Ảnh do DVTV cung cấp).
Bên cạnh đó là các đô thị phát triển. Những luồng hàng hóa nông sản dồi dào. Sự hối hả tấp nập làm ăn của các tộc người nơi khác đến bên cạnh các tộc người bản địa. Một thực thể Tây Nguyên nhộn nhịp mà không lâu trước đây vốn vẫn còn rất yên ả. Bằng chứng là vào đầu thế kỷ 20, Tây Nguyên vẫn còn là vùng đất hoang sơ, thưa dấu chân người trước khi có sự biến động thực sự đầu tiên do thực dân Pháp đến cai trị. Nhiều tài liệu nghiên cứu mà các nhà dân tộc học người Pháp để lại cho biết miền đất huyền ảo này vẫn còn chìm trong sự bí ẩn đối với thế giới bên ngoài.

Được biết, trong thời gian thực hiện bộ phim “Tây Nguyên - Miền mơ tưởng”, đoàn làm phim đã có dịp gặp được nhà dân tộc học Condominas?

Thật may mắn cho một chuyến khởi đầu bộ phim dài tập về Tây Nguyên là chúng tôi đã được cùng lang thang với nhà dân tộc học lừng danh Condominas. Đó là khi “Condo”, theo cách gọi thân mật của bạn bè, trở lại miền núi Trà My (Quảng Nam) giáp ranh với cùng cực Bắc Tây Nguyên để tìm hiểu thêm về cha ông, một đồn trưởng kiêm nhà dân tộc học tài tử, từng đồn trú ở đây trước Cách mạng Tháng Tám 1945.

“Condo” tỏ lòng hiếu với cha mình, người đã hướng cuộc đời ông gắn bó với miền mơ tưởng Tây Nguyên, cụ thể là ở làng Sa Luk của người Mơ Nông gar trên cao nguyên ĐăkLăk mà ông coi là quê hương thứ hai của mình.

“Condo” bộc bạch rằng, để hiểu được miền cao nguyên này thì không chỉ quan sát như một khách du lịch mà phải sống cùng với họ một cách chân thành, “như một thành viên của cộng đồng làng”, thì mới tìm ra được nhiều giá trị độc đáo, thậm chí nhiều giá trị minh triết trong các quan niệm về nhân sinh và vũ trụ. Một vài tư liệu phim gần như cùng thời "già Condo" ở Sa luk đủ để cho thấy sự thay đổi của nó quá xa so với ngày nay. Một miền mơ tưởng đã nhanh chóng chìm vào thời gian bất tận của quá khứ.

Lời khuyên của một nhà khoa học lớn trong cuộc hội ngộ cuối cùng ở Tây Nguyên đã đánh thức trong chúng tôi khả năng khiêm tốn có thể làm được một phần gì đó cho bộ phim mà về mặt địa lý và rất nhiều khía cạnh khác của đời sống con người, thiên nhiên trên miền sơn nguyên này tuy vô cùng phong phú nhưng cũng đã thay đổi quá nhanh.

Điều còn lại mà ông và đoàn làm phim muốn chia sẻ với khán giả qua seri phim này là gì? 

Cuộc hành trình vừa qua có thể “quá” với khả năng của một nhóm người vốn chỉ có thời gian rất hữu hạn và chiếc camera không có nhiều kinh nghiệm biểu đạt những gì cần thấy, cần biết về một sơn nguyên mênh mông và sâu thẳm.

Trong một không gian rộng lớn, đa dạng, đa sắc như Tây Nguyên thì chúng tôi chỉ có thể ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, kết hợp với những tư liệu phim sưu tầm được vốn không nhiều ở từng không gian riêng biệt nhưng lại có sự liên kết nhiều chiều khác nhau giữa địa văn hóa, lịch sử, xã hội chung của Tây Nguyên mà người xem sẽ lần lượt chia sẻ với chúng tôi trong 36 tập của bộ phim.

Một miền đất, như cách nói của nhà văn Nguyên Ngọc: “Ai đến Tây Nguyên mà không bị mê hoặc thì mới lạ!”. Hoặc như câu ca của người Ba Na mà chúng tôi đã sử dụng làm logo cho bộ phim này:

“Chán kẻ khác xin hãy đến với ta

Cho bữa ăn chẳng bao giờ hụt hẫng

Cho ghè rượu chăng bao giờ vơi…”

CTV Cẩm An,Da Nang
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất