Ai ngờ "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" lại mở ra sự nghiệp hơn sáu chục năm làm báo, viết văn không ngừng nghỉ của Phan Quang dù là lúc ông đảm đương trọng trách ở Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội hay Bộ Thông tin, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Năm 1999, NXB Văn học cho ra mắt Tuyển tập Phan Quang, gồm ba cuốn dày dặn với 1.675 trang. Lúc ấy, Phan Quang đã lên lão. Đọc những gì có trong Tuyển tập ấy, nhiều người đã vội nghĩ đến một sự tổng kết cuộc đời làm báo của Phan Quang, đến lúc đó đã là tròn nửa thế kỷ kể từ lúc chàng trai ở tuổi đôi mươi "ngụp lặn, chới với" trong bể báo chí mênh mang và lạ lẫm.
Ấy vậy mà sau cái tuổi 70, ông vẫn viết đều, thậm chí viết khỏe. Phan Quang vẫn ra sách đều đặn, những tác phẩm mà người trong giới văn chương nhận xét rằng "cuốn nào cũng đáng đọc". Đến 2006 là Thương nhớ vẫn còn viết về 36 nhân vật đương đại, từ nhà báo, văn nghệ sĩ đến chính khách lẫy lừng của Việt Nam, những người mà ông đã gặp, đã hình thành mối kết giao gắn bó.
Và rồi, đầu xuân 2009, bước vào tuổi 81, Phan Quang lại tập hợp những gì ông đã viết trong 10 năm qua, quãng 1998-2008, gói chúng lại trong một bộ tuyển tập nữa.
"Tuyển tập mười năm" - ga xép nhỏ trong hành trình phía trước
Hơn 800 trang viết của Phan Quang được chia làm 5 phần: Đất nước phương trời, Thương nhớ vẫn còn, Trên đường tìm học và suy ngẫm, Dịch và giới thiệu, Quê hương và thời cuộc. Dưới tiêu đề của mỗi phần, ông đưa vào đó câu châm ngôn, hoặc đơn giản là suy nghĩ của riêng mình và nếu đọc kỹ những bài viết trong từng phần ấy, ta có thể liên hệ đến tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt những gì ông triển khai - một tập hợp bài viết tưởng chừng đơn lẻ.
Phan Quang có lối viết ký giản dị. Nhiều câu ngắn, ngữ nghĩa trong sáng lạ. Ông dùng lối diễn đạt không rườm rà để mô tả Pa-ri, chốn phồn hoa đô hội trong phần đầu của Tuyển tập mười năm - Đất nước phương trời với lời đầu "Bước chân đi qua, còn lại đôi điều cảm nhận". "Đôi điều" ấy, của Phan Quang, dễ làm nhiều nhà báo phải ghen tị, bởi chỉ một Pa-ri thôi mà ông "nhặt" được bao chi tiết, sắp xếp chúng vào những "Paris đời thường", "Cà phê Paris", "Quán nghệ sĩ ở Paris"... được ông viết rải rác từ năm 2001 đến 2007.
Phan Quang đi nhiều. Một lần, theo chuyến bay từ Pa-ri sang Maroc, bằng cảm quan, sự mẫn cảm của người yêu nghề, thế nào mà ông chộp ngay được bao chi tiết thú vị để viết nên một "Marrakech: chợ đêm và nhạc Trịnh". Marrakech, kinh đô của Maroc từ thế kỷ XI, nghĩa là một di sản có độ tuổi gần như Thăng Long - Hà Nội, cũng có một khu phố cũ tạo sự khác biệt so với những dãy phố tân kỳ như Hà Nội mình, lại có Chợ đêm Marrakech - một trong số 19 di sản văn hóa phi vật thể của loài người được UNESCO công nhận ngay từ đợt đầu. Ở chính nơi gợi sự tương đồng về chiều dài lịch sử và không gian văn hóa cổ kính, Phan Quang tìm ra tiếng nhạc Trịnh văng vẳng da diết trong quán ăn châu Á có tên Kim Sơn, nơi có treo tranh Thê Húc, Thiên Mụ. Ông đưa tiếng nhạc nền nhẹ nhàng ấy vào từng trang viết, nói hộ nỗi nhớ quê hương da diết của triệu người Việt xa quê...
Phan Quang từng nói rằng: "Làm sao đọc mà không suy nghĩ. Thấy mà không có thái độ. Thế là thỉnh thoảng vẫn phải viết. Tính tôi cẩn thận nên viết rất vất vả". Ông nói thế, nhưng cái sự "thỉnh thoảng" ấy lại là khối việc đồ sộ theo dòng thời sự. Ông viết "Vàng của lặng im", "Thông tin hai chiều và sức ép thời gian" (2004 và 2005), đẩy những gì diễn ra quanh màn hình ti vi lên tầm khái quát về truyền thông hiện đại trong thời buổi "khán giả can dự vào truyền hình, thính giả đối thoại với phát thanh, độc giả đòi luận bàn cùng tác giả". Ông tóm "vấn nạn" giao thông vào cái tựa đề tám chữ "Thời gian quý lắm, mạng người quý hơn" và câu mở đầu không thể trực tiếp hơn: "Ngành giao thông - vận tải nước ta đến là lắm nghịch lý". Lúc ở tuổi gần tám mươi, Phan Quang vẫn đủ sức "theo" vụ PMU 18, vụ Nguyễn Lâm Thái... Ông không sa vào chi tiết mà dùng sự kiện chuyên chở câu hỏi mang tính thời cuộc trong một bài viết vài trăm chữ "Tham nhũng đỉnh cao và tham nhũng đời thường".
Tuổi tám mốt vẫn đứng ngồi không yên
Người ta biết Phan Quang dành "một góc" cho văn chương, dù ông là tác giả của loạt tác phẩm được nhiều người đọc: Đất rừng (truyện), Đồng bằng sông Cửu Long (bút ký); Chinh phục Hymalaya, Một mình giữa đại dương (truyện thiếu nhi), Theo dòng thời cuộc (tiểu luận), Bên mộ vua Tần, Thơ thẩn Paris (tập ký)... Phan Quang bảo với bạn bè "mình là dịch giả nghiệp dư”, dù ông là tác giả chuyển ngữ một loạt tác phẩm văn học nổi tiếng, trong đó có Nghìn lẻ một đêm nay đã tái bản tới lần thứ 26, và Nghìn lẻ một ngày. "Ông là nhà báo hay nhà văn?" - đôi khi có người tự hỏi khi nghĩ về ông, về một cây bút khỏe khoắn và đa dạng. Còn ông? "Tôi là một nhà báo, vì yêu văn chương mà đôi khi vui bước lạc sang vườn nhà khác".
Năm ngoái, vào mùa xuân thứ tám mươi của cuộc đời, Phan Quang vẫn tràn trề cảm hứng với "Tản mạn vào xuân". Một chút xốn xang trước ý niệm mùa xuân gợi gì đó từ sâu thẳm "giống như hò hẹn tuổi hoa niên, vẫn biết người hẹn đến giờ khắc đến, vậy mà trong khi chờ thời điểm ấy vẫn cứ đứng ngồi không yên". Tinh thần ấy, không khác gì mươi năm trước, khi ông nói với nhà văn Ngô Thảo: "Ông xem, bất chấp cánh ta về già, đến mùa hoa nhà tôi vẫn một màu vàng tươi như cuộc sống".
Vậy thì ta sẽ còn được đọc Phan Quang. Vẫn còn đấy một bút lực dồi dào, một trái tim mẫn cảm và sự chân thành với bạn đọc mà Tuyển tập mười năm chỉ là ga xép nhỏ trong hành trình luôn hướng về phía trước, sống và viết không ngơi nghỉ của ông.
Quế Trinh-HaNoiMoi