Chủ Nhật, 22/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Sáu, 19/6/2009 17:13'(GMT+7)

"Người bình thường" - Anh hùng lao động Hồ Giáo

Anh hùng Hồ Giáo

Anh hùng Hồ Giáo

Bộ phim tài liệu "Người bình thường" của nhóm tác giả Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh Phong và Lê Phương Trung (Đài PT-TH Quảng Ngãi) là một trong số ít tác phẩm về đề tài người tốt, việc tốt đoạt giải cao trong Giải báo chí quốc gia năm 2008.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn- tác giả kịch bản, đạo diễn và viết lời bình cho phim "Người bình thường" cho biết anh đặt tên phim như vậy là vì Hồ Giáo luôn luôn chọn cho mình một lối sống của con người bình thường -  ngay cả khi danh hiệu Anh hùng đến với ông hai lần vào các năm 1966 và năm 1986. Hai lần danh hiệu anh hùng, cách nhau tròn 20 năm, nhưng Hồ Giáo vẫn như xưa, không có chút gì khác. Sáng sáng, ông vẫn bắt đầu từ 6 giờ sáng, vượt qua hành trình 7 km từ căn nhà cấp 4 ở thành phố Quảng Ngãi lên trại trâu Hành Thuận. Hồ Giáo là người bình thường, nhưng ông có những phẩm cách vượt ra tầm mức của người bình thường.

Khác với hàng chục bộ phim tài liệu và phim truyền hình, cùng hàng trăm tác phẩm báo chí khác, bộ phim tập trung khắc học về sự Chí, Công, Vô tư, về người không ham danh và hám lợi riêng cho mình của ông. Ông nhiều lần được tổ chức đề bạt chức vụ Phó Giám đốc và Giám đốc nông trường ở Sông Bé. Nhưng ông luôn từ chối vì: "Thà để anh em còn trẻ trình độ cao hơn mình người ta làm thì có lợi cho dân và có lợi cho tập thể hơn chứ mình ham chi chức vụ đó. Nếu nhận nhiệm vụ mình không có khả năng thì chẳng khác gì một cục đá lăn giữa đường cản trở sự phát triển". Câu nói này của ông đã được tác giả sử dụng như một điểm nhấn trong phim tài liệu "Người bình thường".

Hồ Giáo vinh dự được 5 lần gặp Hồ Chủ tịch. Tháng 3 năm 1968 Bác Hồ đã gửi thư cho ông chia buồn khi biết tin lính Mỹ gây ra vụ thảm sát hơn 500 người dân vô tội ở Sơn Mỹ. Hồ Giáo cũng là người bạn thân của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhưng ông hầu như rất kiệm lời về những điều này.

80 tuổi, nhưng Hồ Giáo vẫn chưa chịu từ giã nghề chăn nuôi. Không phải ông nuôi 4 con trâu mu-ra này để kiếm tiền. Không phải ông cố sức già để kiếm thêm 700 nghìn đồng, ngoài tiền lương và tiền phụ cấp Anh hùng lao động. Không ai dám tưởng tượng, nếu Hồ Giáo không được làm nghề, bị dứt nghiệp chăn nuôi. (Trích lời bình trong phim Người bình thường)

Hồ Giáo dường như sinh ra để gắn với nghiệp chăn nuôi và ở tuổi 80, mỗi ngày ông vẫn cắt 64 kg cỏ voi để nuôi 4 con trâu mu-ra mà ông trìu mến đặt tên theo những địa danh nổi tiếng ở Quảng Ngãi.

Người xem ấn tượng với những chi tiết mới trong bộ phim tài liệu "Người bình thường", trong đó khẳng định: Anh hùng Hồ Giáo không phải là nguyên mẫu nhân vật Nhẫn trong truyện ngắn Cỏ non của nhà văn Hồ Phương. Trong quá trình làm phim, tác giả tìm hiểu lại và thấy rằng: truyện ngắn Cỏ non nhà văn Hồ Phương viết năm 1959 và năm 1960 thì Hồ Giáo mới về Ba Vì tiếp cận với nghề chăn nuôi. Nghĩa là tác phẩm Cỏ non ra đời trước khi Hồ Giáo về Ba Vì. Anh hùng Hồ Giáo nói ông chưa gặp nhà văn Hồ Phương bao giờ. Tháng 6/2008, trong bài phỏng vấn về Nhà văn Hồ Phương xuất hiện trên báo Thể thao- Văn hoá (TTX), nhà văn Hồ Phương cũng nói ông không lấy nguyên mẫu là Hồ Giáo cho nhân vật Nhẫn của mình. "Đó là cơ sở để tôi củng cố cách suy nghĩ của mình, lấy chất liệu này đưa vào phim. Và tôi dám khẳng định một điều nhân vật Nhẫn ở trong Cỏ non và nhân vật Hồ Giáo dù không dính dáng gì với nhau, nhưng Anh hùng Hồ Giáo trong thực tế còn đẹp hơn cả nhân vật Nhẫn trong Cỏ non"- Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn nói.

Để có thể tạo nên sức thuyết phục cho phim, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn đã chọn lối kể khá giản dị về vẻ đẹp của một anh hùng với vẻ đẹp thuần khiết cả một đời suốt đời gắn bó với nghề chăn bò. Lối kể chuyện dung dị này rất hợp với tên phim "Người bình thường".

Bộ phim tài liệu Người bình thường thuyết phục người xem ở sự dung dị và để tự mỗi người chiêm nghiệm về một nhân cách sống tốt đẹp trong cuộc đời.

Hồ Giáo, ông là ai và ông mang cho chúng tôi điều gì trong cuộc sống này? Trong một thời gian quá dài từ thuở đôi mươi đến bây giờ, ông vẫn mải miết đi với đàn bò qua những cánh đồng, những thảo nguyên mà không hay biết quanh ông bao vô cảm, bao tranh giành, bao đố kị, bao ích kỷ, bao trục lợi, bao ngạo mạn…

“Con đường mà Hồ Giáo đã đi là con đường của một vẻ đẹp tinh khiết và dâng hiến”. Ông đang đi đến gần cuối cuộc đời mình với một lối đi duy nhất, đi cùng chiều với đoàn tàu đạo đức duy nhất, sự cống hiến duy nhất.

Những cái duy nhất đó thật là bình thường. Hồ Giáo đã bình thường như những người bình thường mà lại vĩ đại trên cuộc đời này.

(Những lời cuối trong phim Người bình thường)

Mai Hồng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất