Với tác phẩm "Thầy tôi", Võ Tấn Cường (Công ty Truyền tải điện 4, quận Thủ Đức) đã làm người đọc vô cùng bất ngờ, bởi người thầy mà anh kính trọng và năm nào cũng về thăm vào ngày 20-11 lại chưa từng đứng trên bục giảng bao giờ. "Thầy" là anh thợ cả với hai bàn tay chai sần, từng chỉ dắt anh đào lỗ, trồng trụ phóng tuyến, kéo dây khi trời mưa… Hết bất ngờ, người đọc lại vô cùng xúc động trước tình cảm anh dành cho người thầy mà "Giờ đây giọng đã khàn vì những năm tháng… quát tháo lũ thợ trẻ"! Nhà văn, nhà báo Vu Gia, cũng là thành viên Ban giám khảo cuộc thi nhận xét: Nếu không phải người trong cuộc, không có tình yêu nghề nghiệp thì không thể nào có được bài viết xúc động tận đáy lòng người như vậy.
Với chất giọng dí dỏm, anh "Thợ leo" Lê Bình (Công ty Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh) kể về cái nghề làm đẹp thành phố. Đọc "Thợ leo", bật cười cho sự dí dỏm của anh nhưng sau đó là cả một sự xót xa: thợ leo phải leo lên những cây cao mà thang không với tới, tai nạn rập rình khi những cây to sừng sững lại bị mục ruỗng bên trong… Khổ là thế, nhưng anh vẫn yêu nghề và như anh kể, mỗi lần đi qua những con đường xanh ngát cây là những nhọc nhằn như tan biến, khi thấy công sức lao động của mình làm thành phố đẹp hơn. "Hình như máu "leo" đã ăn sâu vào tim não, tình yêu màu xanh tạo nên buồng phổi cho thành phố đã khắc vào tâm can nên anh em chúng tôi yêu cây xanh còn hơn ruột thịt".
"Màu áo công nhân" còn là tình cảm đầm ấm, đùm bọc nhau trong khó khăn. Lại Thị Ngọc Hiếu kể về "Tháng ngày không bao giờ quên" ở một xí nghiệp may giày da, khi cô vừa là công nhân vừa đi học bổ túc văn hóa, những công nhân cùng xưởng đã góp sức làm việc giúp để cô có thời gian đi học và những dĩa cơm san sẻ để "ăn nhiều lấy sức đi học". Ngày Hiếu đậu vào Trường Cao đẳng - Phát thanh truyền hình II, cả xưởng góp người 5.000 đồng, người 10.000 đồng phụ thêm tiền học phí. Đồng tiền nhỏ nhoi ngày chưa lĩnh lương ấy vừa là tình cảm đùm bọc, vừa gửi gắm ước vọng của những người công nhân chưa may mắn như Hiếu.
Khó khăn nhưng vẫn lạc quan. Đó là cách đi "du lịch nước ngoài" độc nhất vô nhị của công nhân: lén lấy bút chì ký tên dưới đế lót chiếc giày làm ra với ý nghĩ chữ ký của mình sẽ được chu du khắp châu Âu, châu Mỹ… Với tâm niệm "Hôm nay phải tốt hơn hôm qua, ngày mai phải tốt hơn hôm nay", Nguyễn Thị Hồng Hoa, Công ty May Huy Hoàng (quận Gò Vấp) luôn nhủ mình "Hãy tự vươn lên", bởi "Mình phụ nghề chứ nghề có phụ mình bao giờ".
Yêu nghề và tin tưởng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn, họ những hạt vàng lấp lánh, lặng thầm làm đẹp cho đời.
Đặng Loan-HNM