Chủ Nhật, 22/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Chủ Nhật, 7/6/2009 10:3'(GMT+7)

“Luôn trên đường để khai mở sáng tạo”

"Trường ca Trần Anh Thái" cho thấy cái nhìn tổng quát hơn, sâu sắc về một chân dung văn học được coi là "hồi sinh thể loại trường ca đầu thế kỷ XXI". Có lẽ đây là nguyên cớ để Viện Văn học tổ chức cuộc tọa đàm về trường ca Trần Anh Thái và dường như muốn qua đó mà nhìn nhận về thể loại này trong đời sống văn học đương đại.

"Trên đường" là tên một trường ca của Trần Anh Thái, nó cũng thể hiện tâm thế người nghệ sĩ trong anh: "Luôn trên đường để thực hiện hành trình tìm kiếm và khai mở sáng tạo nghệ thuật".

Không phải ai cũng có thể đến với trường ca. Ngay cả Trần Anh Thái cũng đã mải miết băng qua mảnh đất tiểu thuyết, thơ (các bài thơ lẻ), truyện ký và ít nhiều ghi dấu ấn. Nhưng chỉ đến khi "Đổ bóng xuống mặt trời" ra đời (1999) và nhận giải thưởng văn học của Bộ Quốc phòng, giải nhất thi thơ báo Văn Nghệ, Trần Anh Thái và người đọc mới nhận ra sự gặp gỡ và đồng vọng giữa anh với thể loại kén người sáng tác là trường ca. Sau đó, 2 trường ca tiếp tục được ra đời: "Trên đường" (2004) và "Ngày đang mở sáng" (2007).

Th.s Đỗ Thu Thủy nhận xét: Trần Anh Thái kiên trì song hành với trường ca, âm thầm tự vắt kiệt mình cho việc lựa chọn một hướng đi, một lối viết khi mà lịch sử trường ca đã từng qua những chặng đường hoàng kim (với tên tuổi Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Trần Mạnh Hảo, Thi Hoàng, Hoàng Trần Cương…). Và "Mạch tư tưởng chủ đạo xuyên suốt chi phối hệ thống hình tượng, giọng điệu ngôn ngữ tác phẩm là nỗi ám ảnh về thân phận con người".

Tuy nhiên, điều đáng nói trong trường ca không chỉ là tự sự, người đọc muốn và cần thấy ở đó sự chiêm nghiệm phía sau tự sự, thể hiện nó qua những dòng thơ đẹp, giàu nghệ thuật. TS. Lưu Khánh Thơ cũng phân tích một số biểu trưng nghệ thuật trong trường ca Trần Anh Thái như "con đường", "ánh sáng"… Chợt nhớ đến tập thơ mới ra của Nguyễn Quang Thiều - "Cây ánh sáng" và một tập thơ ra trước đó của một tác giả trong sân thơ trẻ, Nguyễn Quang Hưng, mang tựa đề "Vườn ánh sáng".

Dường như trong mỗi nghệ sĩ luôn vận động một nỗi khát vọng làm mới, vươn tới, tự nhiên như đi về phía ánh sáng. Chỉ có điều, khi đến với trường ca, dường như nội lực của người viết phải rất lớn và phải "bao quát tâm thế đời sống" (TS.Văn Giá).

Trường ca Trần Anh Thái được các nhà phê bình đánh giá dưới nhiều góc độ: tư tưởng, ngôn ngữ, cấu trúc… Nhưng tựu trung là cái mới trong các trường ca của anh, đó là đã có sự "phá vỡ cấu trúc trường ca", "không phải kể về sự kiện mà là suy tư về sự kiện", "không gian thơ", "biến hóa trong chủ đề, thay đổi sắc thái giọng điệu để cùng người đọc đi qua vài nghìn câu thơ mà không nhàm chán"…

Tọa đàm về trường ca Trần Anh Thái cho thấy nhiều điều, đó là trường ca cũng như nhiều thể loại văn học khác, sẽ trở lại hoặc phát triển với những thành tựu mới khi người nghệ sĩ luôn "trên đường, hiện đại từ tâm thế sống, nói chân thật từ điều anh đang cảm nhận và suy ngẫm". Bên cạnh đó là trách nhiệm, vai trò của các nhà phê bình để đưa các tác phẩm văn học giá trị đến với công chúng.

Trường ca Trần Anh Thái cũng như nhiều tác phẩm văn học khác, tự nó hay thôi chưa đủ. Cảm xúc có thể dẫn dắt người đọc tìm hiểu tác phẩm, nhưng với sự hướng dẫn của các nhà phê bình, công chúng sẽ chạm đến những tầng vỉa độc đáo của tác phẩm.

Hà Dương-HaNoiMoi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất