Chủ Nhật, 22/9/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 31/10/2012 21:53'(GMT+7)

Tây Ninh: Xã hội hoá y tế góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân

Việc khám, chữa bệnh cho người nghèo và cơ chế huy động nguồn lực xã hội tham gia chăm sóc sức khoẻ, bảo trợ cho người nghèo ngày càng được quan tâm hơn. Một số cơ sở công lập tổ chức thực hiện khoa điều trị dịch vụ theo yêu cầu, vừa tạo sự đa dạng hoá phương thức phục vụ, vừa thu hút được nguồn lực từ một bộ phận không nhỏ người dân có điều kiện.

Nếu như năm 2006 chỉ có Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh triển khai dịch vụ phục vụ theo yêu cầu thì đến năm 2010, đã có 3 bệnh viện tổ chức thực hiện. Triển khai dịch vụ khám chữa bệnh ngoài giờ, Khoa điều trị theo yêu cầu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có 89 giường bệnh. Ngoài việc tổ chức khám bệnh cả vào ngày thứ bảy và chủ nhật, BV còn liên kết với các nhà đầu tư trang bị máy siêu âm 4D và máy xét nghiệm sinh hoá, máy CT scanner (nguồn đóng góp của cán bộ, công chức BV tỉnh với tổng chi phí 6,2 tỷ đồng), đồng thời lắp đặt thêm 10 máy chạy thận nhân tạo, nhằm giải quyết nhu cầu điều trị ngày càng lớn của bệnh nhân.

Tại Bệnh viện đa khoa Gò Dầu, đến nay đã tổ chức Khoa dịch vụ theo yêu cầu với 10 giường bệnh. Bằng nguồn vốn xã hội hoá với hình thức liên doanh liên kết, BV đã trang bị được máy X-quang kỹ thuật số, máy chụp cắt lớp. Sau khi chụp xong chuyển hình ảnh đến Trung tâm Hoà Hảo. Đây là cách làm mới, tạo cho bệnh nhân yên tâm trong kết quả chẩn đoán và giảm chi phí điều trị cho người bệnh. Trong khi đó, tại Bệnh viện đa khoa Trảng Bàng, hiện Khoa dịch vụ theo yêu cầu có 20 giường bệnh, hằng tuần mời bác sĩ từ TP. Hồ Chí Minh lên khám và điều trị bệnh. Bằng nguồn vốn xã hội hoá, BV cũng đã liên kết trang bị 1 máy chụp cắt lớp, máy X-quang kỹ thuật số với tổng chi phí 5,8 tỷ đồng.

Song song đó, công tác xã hội hoá Y tế cũng đã tạo điều kiện, thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, thành lập các cơ sở y tế tư nhân. Năm 2008, Bệnh viện đa khoa tư nhân Cao Văn Chí với quy mô 50 giường bệnh được đưa vào hoạt động với đầy đủ các chuyên khoa Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Mắt… với nhiều trang, thiết bị hiện đại như máy nội soi, máy tán sỏi, vốn đầu tư 60 tỷ đồng. Bệnh viện đa khoa Lê Ngọc Tùng với quy mô 35 giường bệnh, tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng, đang được xây dựng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm 2013. Ngoài ra, trên địa bàn Thị xã và hai huyện Gò Dầu, Bến Cầu còn có 3 phòng khám tư nhân với đủ các chuyên khoa, được trang bị tương đối hiện đại với các máy CT Scanner, siêu âm 3 chiều, nội soi với tổng mức đầu tư từ 5-10 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong khu vực…

Hình thức mua Bảo hiểm Y tế (BHYT) cũng là công tác xã hội hoá của ngành Y tế. Năm 2006, toàn tỉnh đã cấp 313.019 thẻ BHYT, đến năm 2010, cấp 384.172 thẻ - tăng 22,73%. Cũng từ năm 2006 đến nay, việc phục vụ khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT được đưa xuống 100% các trạm y tế xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn được cung cấp dịch vụ một cách thuận tiện, giảm chi phí cho người dân khi có nhu cầu khám, chữa bệnh.

Các hoạt động xã hội từ thiện trong khám chữa bệnh được các tổ chức, cá nhân đóng góp để mổ mắt cho 4.832 người mù nghèo, kinh phí trên 2,2 tỷ đồng, giúp cho Tây Ninh hoàn thành mục tiêu xoá mù. Mô hình hũ gạo tình thương và bữa ăn từ thiện được nhân rộng ở tất cả các BV trong toàn tỉnh, cung cấp bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Phong trào hiến máu nhân đạo trở thành hoạt động thường xuyên của đoàn viên, thanh niên, công nhân, viên chức. So với năm 2006, số đơn vị máu tăng mỗi năm trên 20 lần, tỷ trọng sử dụng máu nhân đạo trong BV tăng từ 30% lên đến 75%, giúp cho BV chủ động được nguồn máu an toàn, chất lượng cao và nhất là có điều kiện để hỗ trợ bệnh nhân nghèo.

Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng nhìn nhận, mạng lưới y tế ngoài công lập phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Việc phát triển xã hội hoá y tế trong thời gian qua hầu hết chỉ chú trọng đến việc kêu gọi đầu tư các nguồn lực xã hội vào phát triển mạng lưới ngoài công lập, chưa chú trọng chuyển các cơ sở công lập có loại hình hoạt động phù hợp sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ, giảm gánh nặng cho ngân sách. Một số chỉ tiêu y tế chưa đạt kế hoạch như thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân (kế hoạch 80% dân số, đạt 38%), tỷ trọng nguồn thu viện phí trong tổng chi ngân sách (kế hoạch 50%, đạt 47%), tỷ lệ giường bệnh dịch vụ điều trị theo yêu cầu (kế hoạch 20 – 40%, đạt 10%).

Nguồn: báo Tây Ninh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất