Thứ Hai, 14/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 24/9/2009 20:20'(GMT+7)

Tết trung thu - xin trả lại cho thiếu nhi

Đã hàng ngàn năm, cứ nói đến Tết Trung thu là ai cũng nghĩ đến trẻ thơ, hướng tới chúng, mong muốn làm mọi điều cho chúng hạnh phúc, tốt đẹp nhất. Thuở sinh thời, năm nào Bác Hồ kính yêu cuả chúng ta cũng đến tham dự Tết cùng với các cháu thiếu nhi ở đâu đó. Ngày đó, Người đã không thể yên lòng khi bên cạnh không có trẻ thơ. Ngay cả những năm chiến tranh ác liệt nhất, Người cũng nhắc nhở không quên tổ chức Tết Trung thu trong điều kiện có thể. Với trẻ em, ngày tết này thiêng liêng không kém ngày Tết nguyên đán cổ truyền cuả dân tộc.

Vậy mà… Nhiều năm gần đây, Tết Trung thu đã không còn nguyên vẹn ý nghĩa. Ngươì ta đã vô tình “cướp” đi ngày Tết cuả các em. Ở thành phố đã không còn những khoảng không gian rộng để chúng ra chơi các trò “Rồng rắn lên mây”, “Rước đèn ông sao” rồi phá cỗ và nhiều trò vui hồn nhiên khác, bởi đã phải nhường chỗ cho việc lấn chiếm buôn bán kinh doanh, trông giữ xe. Nếu có thừa chỗ nào thì người lớn đã “xí phần” để tập nhảy, thể dục nhịp điệu… Các em đã không thể gặp gỡ giao hoà tập thể, chỉ còn biết “ru rú” ở trong nhà, dỏng tai nghe tiếng trống múa lân múa rồng trên ti vi mà thèm muốn nuối tiếc.

Một hiện tượng thật đáng buồn là ngày nay, người ta đã lợi dụng Tết Trung thu để làm những việc xa lạ với thế giới tuổi thơ. Bánh Trung thu là của trẻ em, người lớn có ăn là để vui với chúng. Nhưng bây giờ đó là một thứ “lễ”, quà biếu để choóât nhiều người lớn sử dụng trong các mối quan hệ của họ. Một hộp bánh Truug thu có giá bạc triêụ đang trở nên rất bình thường, phổ biến. Loại đắt tiền nhất giá 2 triệu 8 trăm nghìn đồng (4 chiếc) đã xuất hiện trong những ngày qua, không phải không ít người mua. 7 trăm đồng một chiếc bánh! Không hiểu bánh được làm bằng những chất liệu gì, gói bọc sơn hào hải vị ra sao trong đó mà có giá… “khủng” như vậy? Và ai sử dụng đây? Chắc chắn không thể là các em thơ trong các gia đình bình thường. Hiển nhiên đó là một thứ quà biếu, một “phương tiện” để người ta tranh thủ lấy lòng nhau, dọn đường cho những mục đích nào đó. Cũng ít thấy có con cháu nào biếu ông bà cha mẹ hộp bánh như vậy. Và chắc hẳn cũng không có bậc sinh thành nào chấp nhận món quà xa xỉ đó.

Hãy làm một cuộc điều tra xem trẻ em ở nước ta hiện nay là bao nhiêu (từ tuổi vị thành niên trở xuống) - đối tượng cuả Tết Trung thu? Và trong số đó, tỷ lệ bao nhiêu là con em gia đình lao động bình dân, có cuộc sống trung bình và thấp? Chắc chắc chắn số này phải chiếm đại bộ phận. Thế mà tại các cửa hàng bán bánh Trung thu hiện nay, phổ biến là các loại bạc trăm (4 chiếc), rẻ nhất cũng là 15.000đ/ chiếc, nhưng không nhiều. Vậy là người kinh doanh không nhằm vào đối tượng chính là con nhà bình dân lao động, trẻ em đang sống trong các trại trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ, mà nhắm vào con nhà giàu, thậm chí là phục vụ cho người lớn mua để làm quà biếu xén như đã nói. Còn gì trớ trêu hơn khi đến Tết Trung Thu, nhiều bậc cha mẹ học sinh phải lo đi mua những hộp bánh đắt tiền để làm quà biếu thầy cô giáo - trong đó nhiều thầy cô chưa có con nhỏ - trong khi con em mình ở nhà thì không thể có. Một năm đã có rất nhiều dịp cha mẹ học sinh thể hiện sự quý trọng thầy cô bằng những biểu hiện quà cáp cụ thể rồi (20/11, ngày sinh nhật của thầy cô, rồi Tết dương Tết âm, Nô-en. Đối với cô giáo thì thêm 8/3, 20/10…) Chẳng lẽ chỉ có mỗi ngày Tết Trung thu, thầy cô không bíêt nghĩ ra việc chủ động tổ chức Tết cho các trò cuả mình? Dường như còn quá ít nơi biết làm việc này.

Tết Trung thu - ngày Tết của các em thơ, người lớn hãy làm tất cả cho chúng vui vẻ, tận hưởng một ngày của tuổi thơ Việt Nam với mọi ý nghĩa thiêng liêng tốt đẹp nhất. Những ai muốn "nhân dịp Trung thu" để làm điều trục lợi thiếu giá trị văn hoá nhân văn, xin vào dịp khác, chớ lợi dụng ngày Tết cuả các em! Đừng để con trẻ sớm nhận biết những điều không lợi cho sự phát triển tâm hồn nhân cách cuả các em./.

Quang Duy, Hà Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất