Thứ Hai, 14/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 19/9/2009 9:33'(GMT+7)

Không thể thờ ơ

 Mùa Trung thu đến, thị trường ngày càng sôi động với hàng loạt sản phẩm bánh Trung thu của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến thực phẩm cho đến những lò sản xuất bánh thủ công theo mùa. Người dân đã bắt đầu mua bánh Trung thu để biếu, thắp hương cúng ông bà tổ tiên từ rằm Tháng Bảy, cầu mong an lành, theo phong tục truyền thống. Tuy nhiên, một vụ việc khiến người tiêu dùng kinh hãi. Đó là vụ bắt giữ gần 3 tấn mỡ lợn ôi của một chủ hàng ở Đông Anh, Hà Nội, mà cơ quan chức năng cho là được tiêu thụ làm nhân bánh Trung Thu.

Tương tự là hàng trăm tấn mỡ nước được sản xuất ra từ gần 10 năm nay ở thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Các lò rán mỡ hoạt động liên tục, nhưng chính những người làm ra nó cũng chẳng biết thứ mỡ nước đó được dùng vào việc gì. Dư luận đang quan ngại, có thể thứ mỡ này được cung cấp cho các cơ sở chế biến thực phẩm, mỳ ăn liền, hoặc bán cho cư dân miền núi, chứ không phải dùng trong sản xuất công nghiệp. Sức khỏe cộng đồng bị đe dọa từ chính những hành vi sai phạm của những con người sống trong cộng đồng đó.

Vấn đề được đặt ra là nhiều hành vi vi phạm các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra công khai trong thời gian dài mà không bị phát hiện, xử lý. Các vụ vi phạm chỉ được phát hiện vào những lúc cao điểm thanh tra, các đợt ra quân của lực lượng chức năng. Đã hơn 10 năm qua, chẳng ai đặt câu hỏi mỡ rán từ các lò Đà Nẵng được dùng vào việc gì? Rồi trên thị trường hóa chất sôi động không ai kiểm soát, rất nhiều loại hóa chất phục vụ công nghiệp được bán để làm phụ gia thực  phẩm, cũng chẳng cơ quan nào hỏi tới.

Còn nhớ cách đây hai năm, người tiêu dùng khu vực phía Nam kinh hoàng vì biết thông tin hóa chất tẩy trắng trong công nghiệp dược dùng để tẩy bất kỳ thực phẩm nào cần trắng đẹp, như ngâm giá đỗ, ngó sen, chân gà… được bày bán công khai tại chợ Kim Biên, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Còn tại Hà Nội thì những hóa chất không rõ nguồn gốc làm phụ gia thực phẩm cũng rất dễ mua được tại nhiều cửa hàng ở phố Hàng Buồm hay chợ Đồng Xuân.

Trong việc kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta thường thấy các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau như có nhiều cơ quan cùng tham gia công tác này nhưng mỗi cơ quan “làm một đoạn” nên thiếu đồng bộ, dễ chồng chéo. Do vậy lúc cần kiểm tra, cứ phải liên ngành mới được. Rồi ta lại thường nghe thấy lời phàn nàn là lực lượng kiểm soát quá mỏng, không đủ người để làm nhiệm vụ.

Trong khi chờ đợi Quốc hội ban hành Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, với những chế tài đủ sức răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm thì với những quy định hiện có trong Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ quan quản lý lĩnh vực này như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, lực lượng quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương, Cảnh sát môi trường cần tăng cường phối hợp để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời chính quyền cơ sở cũng không thể đứng ngoài cuộc, thờ ơ như việc không phải của mình như cách ứng xử bấy lâu nay.

Chúng ta còn có một lực lượng hùng hậu nhưng chưa được quan tâm. Đó chính là người tiêu dùng, là nhân dân. Phát huy lời Bác dạy “Nhân dân là tai, là mắt…”, biết tiếp thu, lắng nghe những ý kiến, phát hiện của người dân, các cơ quan quản lý có thể xử lý được nhiều vụ việc ngay từ đầu, chứ không phải để chờ tới 10 năm mới được phát hiện, xử lý như việc sản xuất mỡ lợn ở Đà Nẵng!./.

Theo VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất