Dù tăng thu trong mấy năm gần đây, nhưng ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu chi cần thiết tối thiểu. Mức bội chi này, nếu được Quốc hội thông qua, sẽ lần đầu tiên vượt qua số chi cho đầu tư phát triển ở mức 112,8 ngàn tỉ đồng trong năm nay.
Tuy vậy, mức bội chi lên đến 8% GDP đang mang lại những quan ngại sâu sắc về ổn định kinh tế vĩ mô trong trung hạn. Mức bội chi này sẽ tương đương với 144,8 ngàn tỉ đồng (khoảng 8,5 tỉ USD, với tỷ giá là 17.000 VND/USD), căn cứ trên mức bội chi đã được Quốc hội thông qua là 87,3 ngàn tỉ đồng (khoảng 5,1 tỉ USD) tương ứng với 4,82% GDP.
Như vậy, mức thâm hụt này là trầm trọng nhất trong vòng nhiều năm qua, so với các mức thâm hụt 66,2 ngàn tỉ đồng (năm 2008), 56,5 ngàn tỉ đồng (năm 2007), 48,5 ngàn tỉ đồng (năm 2006) và 40,7 ngàn tỉ đồng (năm 2005), theo các Bộ Tài chính và Kế hoạch và đầu tư (xem biểu đồ).
Những thống kê trên cho thấy, thâm hụt ngân sách của năm 2009 sẽ vượt quá mức thâm hụt trung bình 5% GDP hàng năm, từ đầu thời kỳ kế hoạch 5 năm đến nay. “Đây là một tỷ lệ quá cao, dẫn đến rủi ro lớn về khả năng trả nợ trong tương lai”, một quan chức của Bộ kế hoạch và đầu tư thừa nhận.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao phải đưa mức bội chi lên đến 8% GDP cho năm nay, và liệu nó có quá đi so với khả năng chịu đựng của nền kinh tế? “Chúng tôi thấy rằng, nếu trường hợp ta giảm chi, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của Nhà nước, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội”, thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp nói trên Thời báo Kinh tế Việt Nam.
Giải thích này xuất phát từ quan ngại nguồn thu ngân sách sẽ co lại do suy giảm từ các nguồn dầu thô (vốn chiếm tới 25% thu ngân sách), giãn thu thuế thu nhập cá nhân, giãn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế VAT…
Mức suy giảm của các nguồn này, theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh tại phiên họp giao ban của Chính phủ, sẽ vào khoảng 12.000 tỉ đồng. Điều này có nghĩa là, tổng thu cân đối ngân sách năm nay dự kiến sẽ còn 377,9 ngàn tỉ đồng, thay vì 389,9 ngàn tỉ đồng như cam kết với Quốc hội trước đây; và sẽ thấp hơn nhiều so với dự toán chi 491,3 ngàn tỉ đồng cho năm 2009.
Lý giải việc thâm hụt ngân sách luôn tăng cao, một quan chức của Bộ Kế hoạch và đầu tư nói, “dù tăng thu trong mấy năm gần đây, nhưng ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu chi cần thiết tối thiểu”.
Thông thường, thâm hụt ngân sách được tài trợ bởi các nguồn vay trong và ngoài nước dưới hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ. Trong động thái ủng hộ đề xuất tăng bội chi ngân sách của Chính phủ, Quốc hội dự kiến cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ năm nay lên đến 64 ngàn tỉ đồng trong kỳ họp tháng 5 tới, tăng gần gấp đôi so với kế hoạch 36 ngàn tỉ đồng thông qua cuối năm ngoái.
Những bước đi này khiến các nhà tài trợ chính của Việt Nam e ngại. “Bù đắp thâm hụt ngân sách bằng nguồn vốn trong nước sẽ làm tăng lượng cung tiền, hoặc hạn chế đầu tư tư nhân, hoặc cả hai điều này; và trong trung hạn, có thể làm tăng lạm phát và gây cản trở đối với tăng trưởng”, ông Konishi, giám đốc ADB tại Việt Nam nói.
ADB cho rằng, thâm hụt ngân sách của Việt Nam, thậm chí lên tới 9,8% GDP (gần 9,3 tỉ USD) trong năm 2009. Ông Konishi cảnh báo, chính sách tài khoá và tiền tệ mở rộng, và nợ công tăng thêm (dự kiến 45,8% GDP năm 2009),… có thể lại khiến tình hình kinh tế vĩ mô bất ổn trở lại.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới tỏ ra hoài nghi về chính sách tài khoá, vốn sẽ vẫn là công cụ chính sách vĩ mô quan trọng của Việt Nam. “Chính sách tài khoá hiệu quả đòi hỏi phải có nguồn thông tin đáng tin cậy về thu và chi của Chính phủ và kiểm soát tốt các dự án đầu tư công. Việt Nam còn nhiều thiếu sót về cả ba mặt này. Tính toán cân đối ngân sách của Việt Nam còn khác xa so với các chuẩn mực quốc tế”, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Thế giới Martin Rama nhận xét trong báo cáo phát triển Việt Nam năm 2009.
Ông viết tiếp: “Việc trả nợ, duy trì tài khoản ngoại bảng và xử lý các khoản thu kết chuyển làm sai lệch tình hình ngân sách của Chính phủ. Thông tin đặc biệt yếu về các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách… Chính phủ cần chấm dứt, hoặc tạm dừng một cách có hệ thống các dự án mục tiêu không rõ ràng, thiếu vốn, hay có kết quả hoạt động kém”.
(Theo Sài Gòn tiếp thị)