Thứ Năm, 3/10/2024
Thế giới
Thứ Tư, 11/7/2012 21:45'(GMT+7)

Tham nhũng đe dọa phát triển bền vững và phá hoại đạo đức xã hội

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) kêu gọi các nước tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác để chống tham nhũng, vì tham nhũng phá hoại sự thịnh vượng và phát triển của của mọi quốc gia. Không có hòa bình và phát triển cũng như không có nhân quyền trong một xã hội tham nhũng. Ông nhấn mạnh những tổn thất khổng lồ mà tham nhũng gây ra cho các xã hội. Năm 2011, tham nhũng đã ngăn chặn 30% tổng viện trợ quốc tế đến được địa chỉ cuối cùng, đồng nghĩa với nhiều cầu cống, bệnh viện, trường học không được xây dựng và người nghèo không được hưởng các dịch vụ lẽ ra họ được hưởng từ sự giúp đỡ quốc tế. Đây là thất bại của tinh thần trách nhiệm và sự minh bạch. Thế giới không thể để tham nhũng tồn tại dai dẳng.

Phó Tổng Thư ký thường trực của LHQ, Gian Êliátsơn (Jan Eliasson), nhấn mạnh chống tham nhũng đặc biệt quan trọng ở các nước yếu kém và dễ đổ vỡ, đặc biệt là các nước vừa ra khỏi xung đột, do các thể chế pháp trị còn dễ bị tổn thương. Các chính phủ trên thế giới cần đưa các biện pháp chống tham nhũng vào tất cả các chương trình phát triển quốc gia.

Chủ tịch ECOSOC, Milốt Côtêrếch (Miloš Koterec), nêu rõ rằng cuộc thảo luận tại Ủy ban cấp cao của ECOSOC đã soi sáng vai trò sống còn của trách nhiệm và sự minh bạch cũng như tác động của 2 nhân tố này đối với phát triển bền vững. Các nước cần tăng cường đường lối đa ngành để thúc đẩy thành công trách nhiệm và sự minh bạch. Ông kêu gọi các nước ký kết và phê chuẩn Công ước LHQ về chống tham nhũng để cùng cất cao tiếng nói toàn cầu thúc đẩy ý thức trách nhiệm và sự minh bạch chống tham nhũng.

Ủy ban cấp cao của ECOSOC về trách nhiệm, sự minh bạch và phát triển bền vững kêu gọi các nước nỗ lực biến thách thức chống tham nhũng thành các cơ hội để loại trừ các hậu quả tiêu cực mà tham nhũng và sự thiếu minh bạch có thể gây ra cho phát triển bền vững. Cuộc thảo luận tại Ủy ban cấp cao này cũng là cơ hội để các nước trao đổi quan điểm về các đường lối đổi mới, quan hệ đối tác và hợp tác chống tham nhũng trên toàn cầu. Ủy ban cấp cao cũng thúc đẩy các cam kết mới của các nước trong cuộc chiến chống tham nhũng toàn cầu trong đó Công ước LHQ chống tham nhũng là công cụ pháp lý quốc tế đầu tiên mang tính ràng buộc pháp lý để chống tham nhũng toàn cầu. Các nước tham gia Công ước có nghĩa vụ ngăn chặn và xử lý hình sự tội tham nhũng, thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hồi các tài sản bị tham nhũng đồng thời tăng cường trợ giúp kỹ thuật và trao đổi thông tin./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất