Thứ Tư, 2/10/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 23/11/2009 13:54'(GMT+7)

An toàn vệ sinh thực phẩm: Ưu tiên hàng đầu ở nhiều quốc gia

Cà tomate nhiễm Salmonella được phát hiện từ giữa tháng 4 năm 2008 ở Mỹ

Cà tomate nhiễm Salmonella được phát hiện từ giữa tháng 4 năm 2008 ở Mỹ

Những ví dụ từ Trung Quốc và Mỹ

Là quốc gia đông dân nhất thế giới, thời gian gần đây Trung Quốc liên tục phải đối mặt với vấn đề ATVSTP. Nổi bật là vụ “sữa bẩn” của tập đoàn Tam Lộc và một số nhà sản xuất sữa khác trong năm 2008, khiến hàng trăm ngàn trẻ em Trung Quốc bị sạn thận, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Đây là một trong những lý do khiến Trung Quốc ban hành Luật an toàn thực phẩm. Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.6 vừa qua, Luật đề ra những hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với những đối tượng vi phạm, đề ra một khuôn khổ pháp lý mới chặt chẽ hơn nhằm tăng cường giám sát chất lượng thực phẩm. Rút kinh nghiệm từ những vụ bê bối gần đây như vụ “sữa bẩn” nhiễm melamine gây chấn động thế giới, luật mới cấm toàn bộ các hóa chất và phụ gia thực phẩm thiếu an toàn. Các nhà sản xuất sẽ phải ghi đầy đủ các chất phụ gia đã sử dụng trên nhãn mác sản phẩm. Ngoài ra, các nhà sản xuất thực phẩm chức năng bị cấm quảng cáo hiệu quả chữa bệnh của sản phẩm.

Cũng theo luật mới, người tiêu dùng được nhận bồi thường gấp 10 lần số tiền họ bỏ ra khi mua phải thực phẩm kém chất lượng. Hệ thống giám sát mới cũng được áp dụng mà theo đó, cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm quốc gia sẽ thay thế cơ quan y tế trong việc giám sát các nhà hàng, tiệm ăn. Giấy phép cấp cho các nhà hàng, tiệm ăn mới mở sẽ chặt chẽ hơn giấy phép vệ sinh thực phẩm hiện nay.

Mỹ cũng mạnh tay không kém với vấn nạn này. Nhằm ngăn chặn tình trạng nhiễm khuẩn E.coli và salmonella trong thực phẩm, chính quyền sẽ giám sát khâu chế biến thực phẩm, áp dụng thêm các tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt đối với một số loại thực phẩm như trứng, thịt gia cầm, thịt bò, đồng thời kiểm tra mức độ đảm bảo vệ sinh tại các cơ sở chế biến. Ngoài ra, để tăng cường khâu giám sát sẽ có thêm một chức danh “Phó ủy viên” trong Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc (FDA) chuyên trách về an toàn thực phẩm.

LHQ và nhiều quốc gia khác cũng đã vào cuộc. Cách đây 3 tháng, LHQ đã ban hành các quy định mới về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong số hơn 30 quy định mới về vệ sinh an toàn thực phẩm, có quy định ngăn ngừa ô nhiễm nấm Ochratoxin A ở cà-phê, một loại nấm có nguy cơ gây ung thư; quy định về phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ hình thành acrylamide trong quá trình chế biến khoai tây. Một số quy định khác bao gồm hướng dẫn việc giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella và một số khuẩn khác trong đồ ăn sẵn cho trẻ nhỏ; quy định về thử khuẩn và giám sát môi trường đối với thực phẩm ăn liền; quy định về hàm lượng tối đa melanine có trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi…

Thách thức vẫn còn đó

Tại Indonesia, bất chấp những nỗ lực của chính phủ, Hội người tiêu dùng nước này công bố kết quả đợt kiểm tra mới đây cho biết, có tới 30% trong số 28 mẫu thực phẩm chế biến được đem đi kiểm nghiệm có chứa các thành phần gây hại cho sức khỏe con người như chất Melamin.

Bất chấp những nỗ lực của chính quyền, các cơ quan giám sát ATVSTP của Mỹ nhận định tình hình an toàn thực phẩm của Mỹ ít có tiến bộ. Theo Tiến sĩ Robert Tauxe thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch của Mỹ (CDC), vấn đề an toàn thực phẩm của Mỹ đang “giậm chân tại chỗ” và cần có thêm những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng thực phẩm bị nhiễm khuẩn ở Mỹ.

CDC cho biết năm ngoái có 18.499 vụ nhiễm độc thực phẩm được xác nhận tại 10 bang ở Mỹ, ảnh hưởng đến 46 triệu người tức là tương đương 15% dân số Mỹ. Đối chiếu với các số liệu của ba năm trước đó, từ 2005 đến 2007, các chuyên gia y tế nhận thấy không có sự thay đổi đáng kể nào về tỷ lệ dân chúng Mỹ bị ngộ độc thực phẩm trong những năm qua.

Cũng phải nói thêm rằng nước Mỹ cũng đã từng hứng chịu những hệ quả từ sự mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2006, Mỹ đã thu hồi hàng tấn rau bi-na từ các cửa hàng và siêu thị sau khi các mẫu thử cho thấy loại rau này có chứa vi khuẩn gây chết người. Sau đó, năm 2008, Chính phủ Mỹ cũng buộc phải thu hồi hạt tiêu và cà chua trên thị trường do lo ngại nhiễm khuẩn salmonella. Trong 2 tháng đầu năm 2009, bơ lạc bị nhiễm khuẩn salmonella đã khiến hàng trăm người bị ngộ độc và 9 trường hợp tử vong.

Chính vì vậy, chính quyền tính toán việc áp dụng các quy định mới về an toàn thực phẩm sẽ làm giảm 60% số ca ngộ độc và tiết kiệm cho ngành y tế khoảng 1 tỷ USD.

Vì sao không thể ngăn chặn ?

Đây là điều không dễ lý giải. Cho dù cuộc chiến vệ sinh ATTP thường diễn ra ở những quốc gia tiên tiến nhất. Theo ông John Spink thuộc Trung tâm chính sách an toàn thực phẩm của Trường đại học bang Michigan, hàng giả, hàng rởm, hàng không đảm bảo ATVSTP là một vấn đề nhức nhối trong ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu, với giá trị thực phẩm “rởm” ước chừng khoảng 50 tỷ USD mỗi năm. Nhưng con số này cũng chỉ chiếm 10% trong tổng số trị giá giao dịch hàng rởm và sẽ còn tiếp tục tăng cao do giá lương thực có xu hướng leo thang.

Trong khi cần thắt chặt các quy định và hệ thống thanh tra ở nhiều nước, vụ đậu phộng có chứa độc tố do một công ty của Mỹ phân phối thời gian qua cho thấy ngay cả những hệ thống an toàn thực phẩm bậc nhất cũng không thể kiểm soát hoàn toàn tình hình. Mấu chốt nằm ở lợi nhuận. Một vấn đề nữa cần quan tâm, là tăng cường hệ thống giám sát. Theo đánh giá, hệ thống giám sát hiện nay quá dàn trải, nên các cơ quan chức năng khó có thể trao đổi thông tin và cùng phối hợp giải quyết các khó khăn.

Trong khi chờ các giải pháp, các chuyên  gia cảnh báo các vụ việc vi phạm ATVSTP sẽ lại tái diễn, thậm chí có nguy cơ bùng phát mạnh hơn  khi thế giới chưa có nhiều các quy định nghiêm ngặt để xử lý tình trạng này.

Hiện Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đang phát triển một hệ thống dò tìm các kiện hàng thực phẩm “có nguy cơ nhất” và bắt đầu cử thanh tra viên giám sát các cơ sở sản xuất. Cơ quan này cũng thành lập các văn phòng ở Trung Quốc, ấn Độ, Trung Đông và châu âu nhằm thiết lập các chuẩn mực tốt hơn và phát triển hệ thống cảnh báo nhanh toàn cầu trong trường hợp tái diễn tình trạng mất an toàn thực phẩm.

Theo Người đại biểu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất