Thứ Tư, 27/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 22/2/2011 17:5'(GMT+7)

Tham nhũng và quan liêu

Các cơ quan tự phát hiện các vụ tham nhũng còn quá ít. Số vụ tham nhũng được xử lý còn thấp chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang xảy ra, đặc biệt các vụ xử lý tham nhũng hầu như không có liên quan đến người đứng đầu cơ quan đã để xảy ra tham nhũng trầm trọng. Từ rất lâu, đông đảo nhân dân vẫn có nhận xét, năm này qua năm khác, tham nhũng vẫn không sao chặn đứng được. Nguyên nhân hàng đầu chính vì những người đứng đầu các cơ quan đã để xảy ra tham nhũng trầm trọng vẫn đứng ngoài, đứng trên kỷ luật và pháp luật. Dư luận gần đây tỏ ra hài lòng khi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chia sẻ nỗi lo lắng này với nhân dân và đã nhắc đến hàng trăm vụ xử lý tham nhũng nhưng những người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng lớn vẫn an toàn tại chức, làm như họ chẳng có trách nhiệm gì đến tham nhũng xảy ra trong cơ quan họ.

Ngày 15-2-2011 vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chống tham nhũng năm 2010 và triển khai công tác chống tham nhũng năm 2011. Thành phố đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi trên 155 tỷ đồng, 19.580 USD, gần 100.000m2 đất, cơ quan điều tra hai cấp cũng đã khởi tố 19 vụ án tham nhũng. Đánh giá kết quả chống tham nhũng của TP. Hồ Chí Minh, ông Phan Bá, Vụ trưởng Vụ công tác phía Nam của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề nghị TP. Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí vì qua kiểm tra một số cơ quan cho thấy còn những bất cập, những quy định của Nhà nước về các giải pháp phòng ngừa được thực hiện chưa đủ, chưa nghiêm. Ông Phan Bá đặt vấn đề về xử lý trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan để xảy ra tham nhũng. Báo cáo của TP. Hồ Chí Minh năm 2010, toà xử 19 vụ với 47 bị cáo về tội tham nhũng nhưng báo cáo không đề cập đến xử lý bao nhiêu người đứng đầu nơi xảy ra các vụ tham nhũng. Chỉ riêng quận 1 đã có 17 toà nhà xây dựng vượt nhiều tầng so với giấy phép, thấp nhất là vượt một tầng và cao nhất là vượt bẩy tầng. Lãnh đạo quận lại cho là một số chủ đầu tư có các hình thức đối phó tinh vi, dùng phương pháp hiện đại trong xây dựng nên khó phát hiện sai lầm. Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh không đồng tình với việc coi sai phạm do khó khăn khách quan gây ra là chủ yếu; ông nói ngay:

“Bộ máy quản lý của quận, của phường ở đâu, xây toà nhà chứ đâu phải là xây chuồng gà, lý giải như thế nghe sao được”.

Mặc dù thành phố đã xử lý kỷ luật một số cán bộ nhưng dư luận vẫn cho là một quận để xảy ra 17 toà nhà xây trái phép, đáng lẽ lãnh đạo quận có người phải từ chức.

Những người đứng đầu các cơ quan để xảy ra tham nhũng lớn thường chỉ nhận là quan liêu, đã không hoặc thiếu sâu sát cơ sở để xảy ra tham nhũng mà không biết. Đã thành nếp quen và là nếp quen rất nguy hiểm, người ta nhận là “quan liêu” một cách dễ dàng vì chỉ như thế đều “tai qua nạn khỏi” như vẫn diễn ra từ hàng chục năm qua. Những người chịu trách nhiệm thực thi kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước chưa có những biện pháp nghiêm minh với những người đứng đầu để xảy ra tham nhũng vì chưa nắm vững bài học Bác Hồ để lại khi Bác chỉ đích danh tham nhũng và quan liêu đều là nội xâm.

Lần đầu tiên Bác nói đến nội xâm tại Hội nghị chính quyền toàn quốc họp ở Việt Bắc ngày 17-4-1952 bàn về sản xuất và tiết kiệm. Trong các thói hư tật xấu của cán bộ, tham nhũng, lãng phí và quan liêu được coi là nội xâm vì nguy hiểm như ngoại xâm, có thể mất nước vì nội xâm. Trong ba nội xâm, nguy hiểm nhất là quan liêu. Tại Hội nghị, Bác Hồ đã nói: “Có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu. Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy muốn trùi sạch tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu” (Hồ Chí Minh toàn tập – Tập 6 – trang 492).

Để thấy tham nhũng gây khó khăn cho đất nước như thế nào, Bác Hồ đã nói với các đại biểu dự Hội nghị nói trên về tình hình Liên Xô dù đã xây dựng chủ nghĩa xã hội 35 năm nhưng vẫn đang phải đối phó rất gian nan với tham nhũng. Tham nhũng trầm trọng đến mức được coi là “trộm cắp đường hoàng”, biết là tham nhũng nhưng không ai dám tố cáo mà lại còn nể nang, sợ sệt. Nhiều đại biểu tỏ ra ngạc nhiên việc Liên Xô do chính quyền vô sản lãnh đạo lại vẫn có tham nhũng mà là tham nhũng nghiêm trọng. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, tham nhũng ở Liên Xô vẫn không sao ngăn chặn được. Bác Hồ đã giải thích, bọn tham nhũng có thể lộng quyền, bất chấp dư luận vì kỷ cương phép nước không nghiêm, rất ít khi xét xử tham nhũng, nếu có cũng rất nhẹ. Bác Hồ còn kể cho Hội nghị nghe thái độ của Lênin đối với tham nhũng. Khi biết Toà án nhân dân Matxcơva xử nhẹ một vụ ăn hối lộ, Lênin không bằng lòng. Cách vài ngày sau, Lênin viết thư cho cán bộ tư pháp: “Phải lập tức đề nghị một đạo luật để trừng trị những vụ hối lộ (ăn hối lộ, tặng hối lộ và những cách hối lộ khác). Ít nhất cũng phải phạt 10 năm giam cầm và 10 năm khổ sai”. (Hồ Chí Minh toàn tập – Tập 6 – trang 496).

Lênin đã để lại cho những người cộng sản cầm quyền lời căn dặn cho đến nay vẫn mang tính thời sự nóng bỏng: “Nguy cơ lớn nhất của Đảng cầm quyền là bệnh quan liêu. Nếu có gì dẫn đến đổ vỡ chính là tại cái đó”.

Trên cả tham nhũng, với Lênin, quan liêu mới đáng sợ vì toàn bộ sự nghiệp cách mạng sẽ không còn nữa trước hết vì nó, có nó mới có tham nhũng. Chúng ta chống tham nhũng suốt mấy chục năm, từ Nghị quyết của Chính phủ đến Nghị quyết của Quốc hội rồi Pháp lệnh Chống tham nhũng và hiện nay là Luật Chống tham nhũng nhưng vẫn chưa đẩy lùi được tham nhũng vì chúng ta mới ra sức chống tham nhũng trên ngọn và rất coi nhẹ chống quan liêu, chống tận gốc, không xử lý người đứng đầu cơ quan xảy ra tham nhũng tương xứng với trách nhiệm được giao đã không bảo vệ được tiền của, tài sản do mình quản lý, kể cả không bảo vệ được cán bộ, để cán bộ hư hỏng, phạm tội tham nhũng.

Nếu thực sự thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ: “Muốn tẩy sạch tham nhũng, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”, đã đến lúc cần đặt thành nguyên tắc hẳn hoi: Xử lý tham nhũng bất cứ ở cơ quan nào, bộ, ngành nào cũng phải công khai, minh bạch đánh giá trách nhiệm người đứng đầu đến đâu. Cần thấy rằng, bệnh quan liêu mới là cái gốc của tham nhũng. Chừng nào còn không dám “đụng chạm” đến cái gốc này thì tham nhũng vẫn có đầy đủ các lô cốt cố thủ.

Theo Thái Duy/ĐĐk
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất