Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 4/11/2008 20:54'(GMT+7)

Thận trọng khi triển khai đề án không tổ chức HĐND huyện, quận, phường

Các đại biểu thảo luận ở tổ

Các đại biểu thảo luận ở tổ

  Sáng nay (4/11), Quốc hội thảo luận ở Tổ về Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã.

Tại tổ thảo luận của các đoàn thành phố Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hoà Bình, các đại biểu cơ bản đồng tình với đề án của Chính phủ. Theo các đại biểu, những vấn đề quan trọng chi phối sự phát triển của tỉnh do HĐND tỉnh quyết định, những vấn đề cụ thể ở cơ sở, gắn liền với người dân, cộng đồng dân cư do HĐND xã quyết định. Việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường không chỉ tinh gọn được bộ máy chính quyền địa phương mà còn góp phần làm rõ vị trí, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong hệ thống cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất quan trọng, cần phải thận trọng và chuẩn bị thật kỹ đề án khi triển khai thực hiện.

Các đại biểu cũng cho rằng, diện thí điểm ở cả 2 mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã không như trong đề án là khá rộng, như thế sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện, bởi liên quan đến những nội dung này có rất nhiều vấn đề cần phải suy xét một cách đa chiều, phải tiên lượng được kết quả cũng như hạn chế.

Về việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, các đại biểu Vũ Hồng Anh (đoàn Hà Nội), Đặng Văn Khanh (đoàn Hà Nội), Đinh Thế Huynh (đoàn Tuyên Quang), Nguyễn Thanh Tân (đoàn Hà Tĩnh) đều cho rằng, việc thực hiện trên 10 đơn vị tỉnh, thành với 101 quận, huyện và 483/1300 phường là rất rộng, nhưng mà lại thiếu. Vì đã thí điểm là phải tất cả các mô hình, nhưng đề án lại bỏ qua việc thí điểm ở thị xã và thành phố thuộc tỉnh. Các đại biểu đề nghị, nên thu bớt diện rộng và bổ sung thêm đối tượng là thị xã và thành phố thuộc tỉnh để rút kinh nghiệm tốt hơn cho việc thực hiện tiếp theo.

Đại biểu Nguyễn Thanh Tân, Đặng Văn Khanh cũng cho rằng, việc có nơi thí điểm, nơi không cũng cần phải chú ý bởi đây là vấn đề phức tạp. Bộ máy sẽ hoạt động thế nào khi nơi thì đầy đủ, nơi thì “khuyết” HĐND ở quận, huyện, phường. Mặt khác, trong đề án lại quy định, những nơi thực hiện thí điểm thì trách nhiệm của HĐND được chuyển giao cho UBND, như vậy không hợp lý. Vì thực tế, chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan này không giống nhau. HĐND là nơi ra quyết sách, còn việc điều hành chung là do UBND, có những nhiệm vụ UBND không thể làm thay HĐND được. “Đây là một sự chuyển đổi rất cơ học. Mục đích của việc bỏ HĐND quận, huyện, phường là tinh gọn bộ máy. Vì thế đã bỏ HĐND thì những nhiệm vụ, quyền hạn không cần thiết cũng không nên giữ lại. Chính phủ nên nghiên cứu kỹ mô hình này để hạn chế bớt khó khăn khi chuyển đổi”- Đại biểu Vũ Hồng Anh đề nghị.

Cơ quan nào sẽ bầu Phó Chủ tịch UBND xã

Nội dung “nhân dân bầu Chủ tịch UBND xã” cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Các đại biểu cho rằng, ở các xã nhân dân bầu HĐND, đồng thời bầu trực tiếp Chủ tịch UBND. Cả hai cơ chế này đều do dân bầu. Cơ chế này đang khác với cơ chế đang thực hiện là nhân dân bầu ra HĐND, sau đó HĐND mới bầu Chủ tịch UBND. “Vậy có tính đến quyền hành của Chủ tịch UBND sẽ có quan hệ về mặt pháp lý như thế nào với HĐND trong điều hành, giải quyết công việc’- Đại biểu Nguyễn Thanh Tân (đoàn Hà Tĩnh) băn khoăn.

Đại biểu Đinh Thế Huynh (đoàn Tuyên Quang), Nguyễn Thị Kim Tiến (đoàn Hà Tĩnh) cũng băn khoăn cho rằng, nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND nhưng cơ quan nào sẽ bầu phó Chủ tịch UBND. Việc nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND cũng dễ nảy sinh ra vấn đề tiêu cực, nhân dân bầu theo “cảm tính”, theo dòng họ... bởi trình độ dân trí nhiều nơi còn hạn chế, còn mang nặng tư tưởng phong kiến...

 Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Gia Khiêm trình bày Tờ trình dự án Luật cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và Báo cáo thẩm tra dự án luật này của Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội do Chủ nhiệm Nguyễn Văn Son trình bày. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp.

Cần có quy trình thống nhất, hợp lý trong việc thành lập cơ quan đại diện

Dự án Luật Cơ quan đại diện được Quốc hội đưa vào chương trình dự bị năm 2007, được Quốc hội chính thức đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XII (2007 - 2011) và năm 2008. Dự thảo Luật gồm 7 chương và 39 điều, góp phần khắc phục những tồn tại, bất cập về pháp lý, cũng như về thực tiễn hoạt động của Cơ quan đại diện trong thời gian qua: Một số quy định trong hai Pháp lệnh (Pháp lệnh Lãnh sự (năm 1990) và Pháp lệnh về Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (năm 1993) thiếu nhất quán, thậm chí các quy định trong một số chương của cùng một Pháp lệnh cũng không phù hợp với nhau, tạo nên kẽ hở, thiếu tính chính xác về mặt pháp lý; Một số quy định của văn bản hướng dẫn thi hành hai Pháp lệnh không thống nhất với nội dung của hai Pháp lệnh đó; Một số quy định trong hai Pháp lệnh không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động của Cơ quan đại diện.

Về thực tiễn hoạt động, một số nhiệm vụ và chức năng mới của Cơ quan đại diện chưa được pháp điển hóa trong hai Pháp lệnh như: nhiệm vụ ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, nhiệm vụ ngoại giao văn hoá, công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài… Hơn nữa, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước được mở rộng sang một số lĩnh vực mới như xuất khẩu lao động, hợp tác về an ninh và trong tương lai sẽ còn được mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như đầu tư, du lịch, cũng chưa được cụ thể hóa trong hai Pháp lệnh nêu trên. Việc thực hiện thẩm quyền của người đứng đầu Cơ quan đại diện còn tồn tại một số khó khăn, do chưa có cơ chế cụ thể để thực hiện tốt chế độ thủ trưởng. Hơn nữa, cũng thiếu cơ chế phối hợp giữa Cơ quan đại diện với các cơ quan có cán bộ, công chức được cử đi công tác biệt phái tại Cơ quan đại diện. Công tác tổ chức, biên chế và cán bộ của Cơ quan đại diện trong thời gian qua cũng gặp một số khó khăn nhất định. Về kinh phí hoạt động cũng chưa có một cơ chế thống nhất hoặc phân về một đầu mối do Cơ quan đại diện quản lý, hoặc trực tiếp giao cho các bộ phận trực thuộc Cơ quan đại diện.

Trong xu hướng mở rộng quan hệ ngoại giao của Nhà nước ta hiện nay, số lượng cơ quan đại diện đã tăng đáng kể, từ 55 cơ quan đại diện năm 1993, hiện nay chúng ta đã có 84 cơ quan và dự kiến sẽ mở thêm một số cơ quan mới trong thời gian tới. Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện, tránh việc thành lập cơ quan đại diện vượt quá khả năng, điều kiện cho phép, trong nội dung của dự thảo Luật cần có các quy định về nguyên tắc, yêu cầu, điều kiện thành lập cơ quan đại diện, chế độ kiêm nhiệm chức vụ ngoại giao… để từ đó có một quy trình thống nhất, hợp lý, thiết thực trong việc thành lập cơ quan đại diện, tránh tình trạng dàn trải, lãng phí.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã dành một phần lớn thời gian để thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật quản lý nợ công: Phạm vi điều chỉnh, tên gọi của luật; Trách nhiệm của các chủ thể ở tất cả các khâu; Việc phân định đầu mối và phân công phối hợp trong quản lý Nhà nước về nợ công; Vấn đề bảo lãnh vay của Chính phủ và trách nhiệm của các đơn vị sử dụng vốn bảo lãnh; Thẩm quyền quyết định các công cụ quản lý nợ, chiến lược vay nợ, chương trình vay nợ trung hạn, kế hoạch vay và trả nợ hàng năm…

Mặc dù là lần đầu tiên được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội, tuy nhiên những góp ý, thảo luận của đại biểu Quốc hội với dự thảo luật này được xem là rất quan trọng, tạo cơ sở chủ yếu và căn bản để các cơ quan chức năng hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật một cách có chất lượng tại kỳ họp thứ 5.

Nợ của doanh nghiệp Nhà nước cũng cần phải kiểm soát

Thảo luận về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luận, đa số ý kiến đại biểu không tán thành với quy định của Dự thảo luật và đề nghị bổ sung nợ của khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vào phạm vi điều chỉnh của luật với lý do: nợ của DNNN là nợ khu vực công, DNNN đi vay nợ, nhất là vay nợ trực tiếp nước ngoài xét cho cùng thì vẫn là Nhà nước nợ. Vì vậy, nếu Dự thảo luật không điều chỉnh việc quản lý nợ của DNNN thì sẽ tạo “khoảng trống” pháp lý đối với quản lý nợ khu vực DNNN, tất yếu dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý, gây hậu quả cho nền kinh tế, tác động xấu đến ổn định NSNN. Thực tế cho thấy, Nhà nước đã phải chi trả, xử lý tài chính đối với nhiều DNNN khi giải thể, phá sản. Các ý kiến đại biểu cũng cho rằng, để phản ánh chính xác thực trạng nợ của khu vực công, của an ninh tài chính quốc gia, nhất là nghĩa vụ báo cáo, cung cấp thông tin, điều kiện vay, trả nợ..., mọi khoản vay nợ của DNNN đều phải được điều chỉnh trong luật này.

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (đoàn Hà Nội) phân tích thêm, DNNN hoạt động kinh doanh với vốn đầu tư ban đầu từ ngân sách Nhà nước, phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp, khi DNNN vay vốn để kinh doanh thì phải tự trả nợ nhưng không phải vì thế mà không cần có những quy định đối với đối tượng này. Doanh nghiệp Nhà nước nào không có khả năng thanh toán, tuyên bố phá sản, đối với những doanh nghiệp đó Nhà nước lại phải đứng ra để giải quyết hậu quả. Hiện nay tình trạng vay nợ của các doanh nghiệp Nhà nước khó kiểm soát, nhiều doanh nghiệp vay số nợ rất lớn, vì vậy cần thiết phải có sự quản lý bằng những quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo việc sử dụng vốn vay có hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí tài sản và khắc phục tình trạng nợ không được quản lý.

Quy về một đầu mối trong vay vốn nước ngoài

Về nội dung vay nợ của chính quyền địa phương, Dự thảo luật quy định, đối với vốn vay ngoài nước, Bộ Tài chính là cơ quan đại diện trong việc ký kết các văn bản vay nợ; UBND cấp tỉnh có quyền xây dựng phương án, chủ động tìm nguồn vốn vay, phối hợp với các cơ quan liên quan đàm phán vay và trình Thủ tướng Chính phủ ký kết thỏa thuận vay theo phương thức vay về cho vay lại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu không tán thành với việc cho phép các địa phương chủ động đàm phán, ký kết vay nợ nước ngoài vì: Thứ nhất, trên thực tế, năng lực, kỹ năng đàm phán vay nợ của mỗi địa phương là rất khác nhau. Thứ hai, việc vay vốn phải bảo đảm nguyên tắc quản lý thống nhất theo đầu mối, có hệ thống, bảo đảm phù hợp với chính sách tài chính và chiến lược vay nợ đã được phê duyệt.

Các đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (đoàn Hà Nội), Nguyễn Thị Mỹ Hương (đoàn Đà Nẵng), Nguyễn Hữu Nhơn (đoàn Đồng Tháp) và nhiều ý kiến đại biểu khác đề nghị chỉ nên có một cơ quan duy nhất đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong việc ký kết vay vốn nước ngoài. Các địa phương chủ động trong việc huy động vốn trong nước, còn việc vay vốn nước ngoài sẽ do Bộ Tài chính làm đầu mối đàm phán, ký kết theo quy trình, thủ tục luật định, khi cần thiết thì cho địa phương vay lại. Đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương (đoàn Đà Nẵng) cho rằng việc giao Bộ Tài chính là cơ quan duy nhất đại diện của Việt Nam khi ký kết vay vốn nước ngoài thể hiện sự thống nhất về mặt quản lý, tập trung vào một đầu mối, hạn chế sự phân tán, không đảm bảo hiệu quả trong việc quản lý nợ công. Đại biểu cũng đề nghị, Dự thảo luật cần có quy định cụ thể về tính minh bạch và chịu trách nhiệm trong hoạt động quản lý nợ công.

Ngày mai (5/11), Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến 2007 và Báo cáo giám sát của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về báo cáo này. Các đại biểu cũng sẽ đóng góp ý kiến về vấn đề này./.

(VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất