Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 24/1/2009 21:20'(GMT+7)

Người Mông vui tết hoa đào

Thiếu nữ người Mông

Thiếu nữ người Mông

 Giờ đây, lễ Nào Sồng được địa phương gắn với những quy ước rất thời sự, cùng nhau cam kết: Không buôn bán ma túy, giữ vệ sinh, an toàn thực phẩm hay sinh đẻ kế hoạch… nhưng bản sắc linh thiêng và huyền bí của một nghi lễ kết nối thần linh và con người này vẫn không mất đi, mà phần nào lại thêm gắn chặt với đời sống của họ.

Tết của người Mông ở Mộc Châu bắt đầu từ khoảng trung tuần tháng 1 dương lịch và kéo dài đến hàng chục ngày. Đó là thời gian hoa đào bắt đầu khai nhụy lốm đốm nở trên những thân cành chưa thôi băng giá; những nương ngô vừa được dọn quang chờ một vụ gieo trồng mới; khi người đàn bà Mông có thể nhàn tản ngồi bên thềm nhà thêu những chiếc váy thổ cẩm cho mùa lễ hội năm sau.

Ngày Tết, các gia đình tổ chức tiệc mời khách đến nhà ăn uống. Vợ chồng chở nhau đi thăm thú họ hàng, láng giềng trong khi trai gái Mông diện áo mới phóng xe máy lên những triền đồi ném pao trò chuyện. Những nơi bằng phẳng, đám thanh niên tổ chức các trò chơi đặc sắc như ném gụ, thi giã bánh giầy, kéo co, đá bóng và tổ chức múa hát tập thể . Người Mông ở Mộc Châu những năm gần đây đã trở nên khá giả nhờ các vụ ngô bội thu, chè shan tuyết được giá nên họ tổ chức ăn tết rất linh đình và vui vẻ.

Đến Mộc Châu vào dịp này, sẽ thấy những thôn bản đẹp như tranh vẽ e ấp dưới um tùm xanh của mận mơ. Nhà nhà treo cờ đỏ sao vàng, chăng đèn kết hoa trước ngõ để trong cái tiết trời rét ngọt đầu xuân, du khách sẽ cảm thấy ấm lòng khi ngồi uống chén trà shan dưới bóng hoa đào.

Dưới hoa đào.


Du xuân - mẹ mắng vẫn đi…


Chủ lễ đang chuẩn bị cho lễ cúng thần linh và xin phép được tổ chức lễ hội Nào Sồng.


Đời sống của người Mông ở Mộc Châu đã sung túc và tiện nghi.


Đánh gụ và đá bóng là những trò chơi ưa thích của thanh niên Mông.


Các chàng trai Mông thể hiện sự dẻo dai và khéo léo trong cuộc thi giã bánh giầy tại lễ hội Nào Sồng.
 

Người Mông có một hệ lịch riêng, theo nhận định của các nhà nghiên cứu, có lẽ họ tiếp thu cách tính lịch của dân tộc Di (Trung Quốc). Theo đó, Tết của họ vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch của âm dương hợp lịch mà ngày nay chúng ta sử dụng. Tuy nhiên, ngày nay đa số các vùng người Mông đã ăn Tết Nguyên đán như người Kinh, chỉ trừ một bộ phận nhỏ, chẳng hạn người Mông ở Mộc Châu vẫn duy trì song song Tết theo hệ lịch riêng của họ.



(Theo Lao động điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất