Hôm chúng tôi đến Hội Âm nhạc Thành phố, hỏi nhạc sỹ Hồ Bông về những Album Hội nhạc sỹ TP mới làm về những ca khúc nổi tiếng về mùa xuân của Xuân Hồng, nhạc sỹ Hồ Bông vui vẻ: nói Xuân mà không có bóng dáng của Xuân Hồng thì thiếu cả xuân, nhất là trong dịp tết đối với giới nhạc sỹ Tp HCM.
Nhạc sĩ Xuân Hồng tên thật là Nguyễn Hồng Xuân, quê ở Tây Ninh, vùng đất kháng chiến kiên cường, nên ông cũng đi theo cách mạng từ rất sớm. Cả vùng quê ông và ngoại thành Sài Gòn, những năm tháng kháng chiến trường kỳ, là những kỷ niệm đẹp trong đời ngươì cầm súng, cầm đàn hát cho anh em đơn vị nghe.
Cái tên Xuân Hồng và Hồng Xuân có nhiều kỷ niệm mà trước đây ông hay tâm sự với anh em nhạc sỹ tại “Nhà văn nghệ 81” đến cười ra nước mắt. Đó là trên quê hương ông, tuổi học trò, Hồng Xuân thường bị các bạn trai giễu gọi là “cô”. Ai ngờ, lớn lên đi theo kháng chiến, không ít người chưa một lần được gặp gỡ cũng ngỡ Nguyễn Hồng Xuân là người của “phái đẹp”. Nhiều lần ông nhận được thư, ngoài bì thư ghi “Kính gửi chị... Hồng Xuân”. Có thư lại ghi “Đến với cô... Hồng Xuân”. Thậm chí có bì còn “Mến gửi... Hồng Xuân” “thương gửi Hồng Xuân”.
Thế rồi không hiểu sợ nhầm hay muốn tránh bị nhầm là phái đẹp, nên từ Hồng Xuân ông bắt đầu đổi thành bút danh Xuân Hồng khi những bài ca mới sang tác trong chiến khu: “Xuân chiến khu” (1963), “Gương mặt mùa xuân” (1965), và sau ngày đất nước thống nhất là: “Mùa xuân bên cửa sổ” (1985), “Bức ảnh mùa xuân” (1988), “Thành phố vườn hoa bốn mùa”, “Nắng Sài Gòn”... hầu như bài ca nào về Xuân của Sài Gòn của miền Nam, Nhạc sĩ Xuân Hồng cũng sáng tác vào mùa xuân, về mùa xuân của đất nước.
Riêng bài hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” ra đời trong hoàn cảnh khi 5 cánh quân đang tiến nhanh về Sài Gòn từ đầu mùa Xuân 1975, và ông cũng hoà mình vào trong những đoàn quân đó. Ông từng kể lại là, trong khí thế “kỳ lạ” của những đoàn quân đi, ông vừa đi cùng các chiến sỹ vừa hát, có lúc hát nhẩm, có lúc hát thật to, cùng nhịp tiến quân, và ca khúc “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” ra đời trong không khí hào hùng ấy. Và hình ảnh chiếc lá trung quân gắn bó với chiến khu đã đi vào nhiều bài ca nổi tiếng của nhạc sỹ Xuân Hồng từ trong chiến khu gian nan và anh dũng là thế.
Cả cuộc đời cầm súng, cầm đàn đi cùng những đoàn quân chiến thắng, có biết bao sự kiện xảy ra dồn dập trên đường “Thần tốc-Thần tốc hơn nữa. Táo bạo-táo bạo hơn nữa” tiến công vào giải phóng Sài Gòn. Xuân Hồng là nhạc sĩ thuộc rất nhiều làn điệu dân ca Nam Bộ nên ông thường sáng tác trên nền làn điệu dân ca cho dễ nhớ. Và để khỏi quên, ông đã lấy một loại lá rừng để ghi lời bài hát lên đó. Đó là lá cây “trung quân”. Đây là một loại lá phổ biến ở rừng miền Đông Nam Bộ, nhất là tại Căn cứ TW Cục miền Nam ở Tây Ninh. Đây là loại lá cây rừng, có đặc tính không cháy, rất bền, giữ được lâu, và có rất nhiều kỷ niệm với những nhạc sỹ, chiến sỹ ở rừng miền Đông Nam Bộ.
Khi Sài Gòn được giải phóng hoàn toàn, dù công việc bộn bề, nhạc sĩ Xuân Hồng cũng đã có được những phút bình tâm và điều kiện chỉnh sửa hoàn thiện bài hát Mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh: “Mùa xuân này về trên quê ta... Đã viết nên thiên anh hùng ca, thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói... Lưu danh đến muôn đời”. Ấy thế mà mấy ai có biết, bài hát là bước đi của anh giải phóng quân từ chiến khu miền Đông Nam Bộ về với Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh và phải ròng rã gần 10 năm trời gắn bó với núi rừng miền Đông, để Xuân Hồng cho ra bao ca khúc về muà Xuân bất tử. Để rồi mỗi khi người dân Nam Bộ đón tết, đón Xuân về cũng không thể quên “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh - Là muà Xuân đẹp nhất trên đời”./.
Phạm Bá Nhiễu
Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP Hồ Chí Minh