Thứ Ba, 8/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 22/8/2015 9:19'(GMT+7)

Thanh Hóa: Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa

Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa (Ảnh: TA)

Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa (Ảnh: TA)

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn lịch sử để xứng đáng với truyền thống và bề dày lịch sử của nhân dân Thanh Hóa, cách đây vừa tròn 30 năm, ngày 1/1/1985, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 01 – QĐ/TC thành lập Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa.

Từ tháng 12/1984 trở về trước, tiền thân của Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử là Phòng nghiên cứu lịch sử thuộc Ty Văn hóa – Thông tin Thanh Hóa. Nhằm mục đích giáo dục, nâng cao sự hiểu biết của cán bộ và nhân dân về lịch sử của quê hương xứ Thanh trong quá trình dựng nước và giữ nước, đồng thời phát huy truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, ngày 01/01/1985, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Ban biên soạn cuốn sử Thanh Hóa, giao cho Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin thực hiện. Ngày 02/09/1985, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định số 142/QĐ- TƯ thành lập Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa, là cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy và Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Sự ra đời của Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa đánh dấu bước phát triển mới của công tác nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn lịch sử tỉnh Thanh Hóa.

 
 Nhiều lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo của Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử
qua các thời kỳ đã về dự (Ảnh: TA)

Trong những ngày đầu tiên sau khi được thành lập, việc đầu tiên Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử thực hiện trong công tác tổ chức là xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, xây dựng tổ chức bộ máy của Ban. Từ 1985 – 1990, Ban đã xây dựng được bộ máy tổ chức khá hoàn chỉnh gồm: Trưởng Ban và 02 phó trưởng Ban, tổ nghiệp vụ và tổ Hành chính. Từ ngày thành lập đến nay, cán bộ lãnh đạo Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa đã qua nhiều lần thay đổi, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ công tác.

Về chức năng, nhiệm vụ, Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa là đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thanh Hóa có nhiệm vụ biên soạn bộ Lịch sử Thanh Hóa và bộ Doanh nhân Thanh Hóa qua các thời kỳ lịch sử. Ngoài ra, Ban còn có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể ở Thanh Hóa (tới năm 2005 mới thôi đảm nhiệm nhiệm vụ này). Ban còn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị như: lưu trữ, sưu tầm và bảo quản tư liệu, tài liệu lịch sử văn hóa theo quy định của Đảng và Nhà nước phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, văn hóa ở các địa phương trong tỉnh; phối hợp chuyên môn nghiệp vụ, biên soạn nhiều cuốn sử cho các huyện, xã, phường, ở các cơ sở được các địa phương ghi nhận và đánh giá tốt về chuyên môn…

Để nâng cao công tác chuyên môn, Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa đã hợp tác với các Trường Đại học ở Trung ương và tỉnh như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Viện sử học, Hội Sử học Việt Nam, Hội Sử học Thanh Hóa trên lĩnh vực nghiên cứu tổ chức hội thảo theo yêu cầu công tác. Ban đã tổ chức thành công 19 cuộc hội thảo khoa học, thu hút đông đảo các chuyên gia đầu ngành ở Trung ương và đông đảo các nhà khoa học ở các địa phương trong cả nước như: Hội thảo “Khởi nghĩa Ba Đình và phong trào yêu nước kháng Pháp của nhân dân Thanh Hóa cuối thế kỷ XIX”; “Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn”; “Hồ Quý Ly”;  “Chúa Trịnh vị trí và vai trò lịch sử”; “Thanh Hóa thời Lê”; “Thanh Hóa thời kỳ 1802 - 1930”; “Thanh Hóa trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975”; “Đào Duy Từ thân thế và sự nghiệp”... nhất là việc ban đã tham mưu cho tỉnh kế hoạch tổ chức và viết tham luận Hội thảo khoa học “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX” (2008). Các cuộc hội thảo đã giải quyết nhiều vấn đề khoa học và thực tiễn, phục vụ công tác nghiên cứu, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa ở địa phương. Thông qua những cuộc hội thảo cũng là dịp để đội ngũ cán bộ nghiên cứu trong ban học hỏi, tiếp cận những quan điểm, phương pháp nghiên cứu, nhìn nhận, đánh giá các sự kiện, nhân vật lịch sử một cách khách quan. Mặt khác, ban đã xây dựng đội ngũ cộng tác viên bao gồm những nhà giáo, những người am hiểu về lịch sử văn hóa...

Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa tham gia đóng góp vào các công trình nghiên cứu khoa học cấp ngành, 05 công trình thuộc lĩnh vực văn hóa phi vật thể trong chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Văn hóa Thông tin như: lễ hội Pồn Pông, trò diễn Xuân Phả, lễ hội Căm Mương, nghề đục đá làng Nhồi…

Đến nay, Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa đã xuất bản được gần 60 công trình có giá trị khoa học và thực tiễn như: 05 tập lịch sử Thanh Hóa, 07 tập danh nhân Thanh Hóa, 04 tập nghề thủ công truyền thống, 02 tập tên làng xã Thanh Hóa, 02 tập niên biểu Thanh Hóa, 09 đề tài khoa học văn hóa phi vật thể cấp ngành trong mục tiêu quốc gia…

Ghi nhận những đóng góp cho sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch qua gần 30 năm phấn đấu, Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Chính phủ: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2001) do Chủ tịch nước trao tặng, 01 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 28 bằng khen của UBND tỉnh và Bộ Văn hóa – Thông tin, 03 bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh cùng nhiều giấy khen của ngành. Nhiều cá nhân được Bộ Văn hóa – Thông tin, các tổ chức đoàn thể tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa Thông tin”, “ Vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc”…

Từ những kết quả đạt được đó, Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa hiện nay tiếp tục xây dựng đội ngũ, đầu tư cơ sở, vật chất để trở thành cơ quan nghiên cứu hàng đầu về khoa học lịch sử, văn hóa của tỉnh, tiếp tục nghiên cứu, biên soạn hoàn thành trọn bộ Lịch sử, Danh nhân Thanh Hóa qua các thời kỳ (hiện nay đang in tập 6); tham gia tích cực góp ý kiến xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Tỉnh và ngành...

Chặng đường 30 năm phát triển của Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa tuy chưa dài song thực sự đã ghi nhận nhiều dấu ấn đậm nét trong lịch sử phát triển của tỉnh nhà. Nhiều cán bộ, công nhân viên của Ban từ những ngày đầu thành lập nay tuổi đã ngoài 80 như cụ Nguyễn Diên Niên – nguyên Phó Ban thường trực - song vẫn cố gắng về chung vui nhân lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập hôm nay là một điều rất đáng trân trọng./.

Nhật Minh 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất