Thứ Ba, 26/11/2024
Y tế - Dân số
Chủ Nhật, 21/8/2016 15:5'(GMT+7)

Thanh Hóa tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu du lịch

Trong mùa du lịch biển, lượng khách đến với Sầm Sơn tăng cao, trong 7 tháng đầu năm 2016 Sầm Sơn đón gần 3 triệu lượt khách. Trên địa bàn thị xã biển Sầm Sơn có khoảng 450 khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống và hàng trăm cơ sở kinh doanh thủy hải sản, kinh doanh thức ăn đường phố từ quy mô hộ gia đình cho đến công ty. Lượng khách đông, tăng đột biến trong những tháng cao điểm hè đồng nghĩa với nhu cầu mua bán và sử dụng thực phẩm cũng tăng theo.

Chính vì thế, ngay từ đầu mùa du lịch công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các cấp chính quyền thị xã Sầm Sơn quan tâm thực hiện nghiêm túc. Sầm Sơn đặt ra mục tiêu 90% người quản lý nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, lãnh đạo đơn vị kinh doanh thực phẩm hiểu biết và thực hành đúng về vệ sinh an toàn thực phẩm; trên 90% cơ sở thực phẩm được kiểm tra định kỳ; trên 90% cơ sở thực phẩm được khám sức khỏe định kỳ và được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm...

Trong các tháng cao điểm, lực lượng chức năng thị xã Sầm Sơn đã tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhà hàng, khách sạn phục vụ ăn uống, các quán ăn đường phố, các cơ sở sản xuất và kinh doanh hàng thủy, hải sản; sử dụng test nhanh để phát hiện tồn dư hóa chất độc hại trong thực phẩm; kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm theo phân cấp quản lý...

Đặc biệt, khoảng 5 năm trở lại đây, chính quyền và nhân dân Sầm Sơn đã tích cực chấn chỉnh kỷ cương, nề nếp, thực hiện văn minh du lịch. Năm 2016 được đánh gia là năm Sầm Sơn được đầu tư xây dựng nhiều nhất từ trước tới nay. Ngân sách tỉnh Thanh Hóa đã chi hàng trăm tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng; ngoài ra nhiều doanh nghiệp, tư nhân cũng đẩy mạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới nhà nghỉ, khách sạn. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã có ý thức tốt hơn để nâng cao chất lượng phục vụ và bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở mình.

Do làm tốt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên các mùa du lịch gần đây, trên địa bàn thị xã Sầm Sơn không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra, ngay cả ở tháng cao điểm diễn ra các sự kiện, các lễ hội... Sầm Sơn đặt ra mục tiêu năm 2016 phấn đấu đón được 3,7 triệu lượt khách, phục vụ ăn nghỉ hơn 7,2 triệu ngày khách, doanh thu 2.300 tỷ đồng.

Cũng là một điểm du lịch hút khách, khu du lịch biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) hè đến cũng thu hút khá đông khách đến du lịch, nghỉ dưỡng. Xác định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những tiêu chí kinh doanh để giữ chân du khách, trước khi mùa du lịch bắt đầu, huyện Hoằng Hóa chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm; tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các đối tượng kinh doanh dịch vụ du lịch, các hộ sản xuất, chế biến thực phẩm để họ hiểu và thực hiện tốt; khám sức khỏe cho người trực tiếp chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, huyện Hoằng Hóa cũng phát động “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, bảo đảm sản xuất sạch, đúng quy trình và kinh doanh đúng luật.

Ông Lê Xuân Thảo, Giám đốc Khách sạn Ánh Phương, Khu du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), cho biết: "Ngay từ đầu mùa du lịch, hệ thống khách sạn, nhà hàng Ánh Phương đã ký hợp đồng dài hạn với các đại lý cung cấp hải sản, thực phẩm tươi sống trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Đây những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, được mua bán, chế biến trong ngày. Khách sạn Ánh Phương luôn nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc để đảm bảo an toàn sức khỏe cho du khách, tạo uy tín, sự tin tưởng cho khách để từ đó thu hút khách đến với khách sạn ngày càng đông...".

Ông Đỗ Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa khẳng định: "Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được tỉnh Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo thông qua việc ban hành các quy định, cơ chế, chính sách mới, trong đó tập trung vào các địa phương diễn ra hoạt động du lịch biển. Nhằm chủ động phát hiện sớm các mối nguy cơ trong thực phẩm tại các khu du lịch, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch lấy mẫu thức ăn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể) tại các khu du lịch bằng phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên, quy trình lấy mẫu theo quy định. Tất cả hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm cho du khách khi đến với Thanh Hóa."

Cũng theo ông Hòa, qua các cuộc kiểm tra, phần lớn các cơ sở ở các khu du lịch trong tỉnh thực hiện khá tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được các điều kiện về trang thiết bị, lao động tham gia chế biến thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người...

Trong 7 tháng đầu năm 2016, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa đã thực hiện kiểm nghiệm hóa, lý 208 chỉ tiêu gồm: Hóa chất bảo vệ thực vật và phát hiện 3/164 chỉ tiêu không đạt, chiếm tỷ lệ 1,82%; Foocmon, ure trong cá biển và tôm cấp đông, phẩm màu, hàn the, hypochlorid, salycilic đạt yêu cầu; kiểm nghiệm 660 chỉ tiêu vi sinh vật, có 04/660 chỉ tiêu không đạt, chiếm tỷ lệ 0,6%... Nguyên nhân các mối nguy ô nhiễm là do vệ sinh dụng cụ ăn uống, vệ sinh bàn tay chưa sạch hoặc ô nhiễm do trong quá trình tham gia chế biến chưa thực hiện đúng quy trình về vệ sinh bàn tay, dụng cụ…

Trên cơ sở đó, Chi Cục đã có công văn chỉ đạo tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; cơ sở có mẫu thức ăn không đạt phải gửi kết quả kiểm nghiệm, tìm ra nguyên nhân mất an toàn vệ sinh để khắc phục và báo cáo kết quả về Chi cục. Đối với những cơ sở chưa và không bảo đảm, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh nhắc nhở, xử phạt và tiêu hủy những loại thực phẩm không bảo đảm chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân và du khách, không để các vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thanh Hóa đang đẩy mạnh việc bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt tại các nhà hàng, khách sạn. Qua đó du khách khi đến Thanh Hóa sẽ được ăn thức ăn sạch, không sử dụng chất cấm. Đây cũng là cách tạo thương hiệu du lịch xứ Thanh ngày càng gần gũi, thân thiện với du khách. Hy vọng, với những nỗ lực, cố gắng trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Thanh Hóa sẽ luôn là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho các du khách trong và ngoài nước./.
Bảo Châu


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất