Virus Zika không chỉ gây ra bệnh đầu nhỏ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến
sự phát triển não bộ của thai nhi, mà còn có thể tấn công các tế bào não
ở người lớn.
Đây là kết luận của các nhà khoa học Mỹ đưa ra trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Cell Stem Cell ngày 18/8.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học thuộc Đại học Rockefeller đã
tiêm trực tiếp vào mạch máu của chuột thí nghiệm một chủng virus Zika
theo cách mà Zika lây nhiễm vào cơ thể người. Kết quả cho thấy các tế
bào thần kinh gốc của chuột trưởng thành có thể bị virus Zika tấn công.
Theo nghiên cứu trên, ở não bộ người lớn, có hai quần thể tế bào là đặc
trưng đối với các tế bào gốc bị virus tấn công, và do đó rất dễ bị tổn
thương trước các lây nhiễm.
Các nhà khoa học cảnh báo về lý thuyết, trong nhiều trường hợp, virus
Zika có thể ảnh hưởng lâu dài tới trí nhớ của người trưởng thành hoặc
gây ra bệnh trầm cảm.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng đây mới chỉ là thí nghiệm
trên chuột và cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để đánh giá những
tác động của virus Zika với hệ thần kinh ở người lớn.
Hồi tháng Ba vừa qua, các nhà khoa học Pháp cũng công bố một nghiên cứu
cảnh báo rằng virus Zika có thể tấn công hệ thần kinh trung ương của
người lớn dẫn tới viêm não và viêm màng não nghiêm trọng. Các nghiên cứu
từ trước đến nay chủ yếu chỉ phát hiện mối liên quan giữa virus Zika và
bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Virus Zika lây truyền qua muỗi Aedes aegypti, quan hệ tình dục và truyền
máu, với các triệu chứng phổ biến nhất khi bị nhiễm là sốt, viêm kết
mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Đây là loại virus nguy hiểm,
nhất là với phụ nữ mang thai vì có khả năng gây ra dị tật đầu nhỏ ở thai
nhi, cũng như gây ra nhiều hội chứng rối loạn như Guillain-Barre ở
người lớn.
Virus Zika đã xuất hiện tại hơn 50 quốc gia trên thế giới song chưa có vắcxin hay thuốc đặc trị./.
TTXVN