Theo đó, để chủ động kiểm soát tình hình, tiếp tục giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn các lễ hội, sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa dịp cuối năm 2023 và tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, ngày 1/12/2023, Công an Thành phố đã triển khai Kế hoạch số 4203/KH- CATP về mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn Thành phố từ ngày 15/12/2023 đến ngày 29/2/2024.
Ban Chỉ đạo 138 Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các lực lượng liên quan phối hợp với lực lượng Công an thực hiện tốt đợt cao điểm, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự.
Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an bảo đảm an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng của đất nước và thành phố. Bộ đội Biên phòng Thành phố phối hợp lực lượng công an và các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống các loại tội phạm. Cùng đó, tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm và hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép.
Cục Hải quan Thành phố phối hợp Cục Thuế Thành phố, Công an Thành phố và các đơn vị có liên quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, nhất là đối với các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2024…
Trong báo cáo kết quả lãnh đạo công tác trong 6 tháng đầu năm 2023 của Đảng ủy Công an Thành phố, thực hiện Nghị quyết năm 2023, trong 6 tháng đầu năm 2023, Đảng ủy Công an Thành phố đã chủ động tham mưu Thành ủy, UBND Thành phố các sở ban ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả từ “trong trứng nước” các dấu hiệu phạm tội xâm phạm an ninh Quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ tích cực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ổn định xã hội của Thành phố.
Về công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội: Đã điều tra, khám phá 1.000/1.359 vụ phạm tội về trật tự xã hội (đạt 73,58%), tỷ lệ khám phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%.
Trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT; tập trung đấu tranh, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm, CATP đã triệt phá 888 vụ, bắt giữ 1.895 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (tăng 414 vụ, tương ứng 87,34%); thu giữ: 473,541kg ma túy các loại, 10 khẩu súng, 114 viên đạn các loại, cùng nhiều công cụ, phương tiện liên quan. Đã khởi tố 745 vụ, 1.121 bị can; xử lý hành chính 133 vụ với 748 đối tượng; chuyển đơn vị khác điều tra 10 vụ/26 đối tượng. Đặc biệt, với những nỗ lực và bề dày thành tích trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Thành phố đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Công tác đấu tranh phòng, chống với tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng và chức vụ, đã phát hiện, đấu tranh 530 vụ, 548 đối tượng (tăng 203 vụ, tương ứng 62,1%); khởi tố 176 vụ án, 146 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 350 vụ, 289 cá nhân, 63 tổ chức với số tiền trên 7,8 tỷ đồng; tiếp tục điều tra 4 vụ, 50 đối tượng.
|
Ban Chỉ đạo 138 quận, huyện và Thành phố Thủ Đức có trách nhiệm chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, xã, phường, thị trấn phối hợp lực lượng công an thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Trong đó, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở. Thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với số người thất nghiệp, mất việc làm; phát hiện, giải quyết từ sớm, ngay từ đầu các mâu thuẫn, xung đột xã hội, không để phát sinh vụ việc phức tạp, hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự…
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp xử lý hành chính, nhất là giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn; quản lý đối tượng tâm thần, “ngáo đá”, người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Quản lý, cảm hóa giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá, tù tha trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm tội.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 138 các địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt các phương án, kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội phù hợp với đặc điểm tình hình, địa bàn. Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Cùng với đó, tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn (nồng độ cồn, ma túy, quá tốc độ, phương tiện vận chuyển quá tải...); triển khai thực hiện các phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông, không để xảy ra đua xe trái phép, tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng.
CHỦ ĐỘNG PHÒNG NGỪA PHÁT HIỆN XỬ LÝ NGHIÊM CÁC HÀNH VI VI PHẠM
UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ban Chỉ đạo 138 Thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, UBND các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân tham gia phòng chống tội phạm. Trong đó, lực lượng Công an Thành phố đóng vai trò nòng cốt; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa và tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ với những hành vi vi phạm.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cùng các đồng chí trong Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP và đại biểu tham quan trưng bày sách "Bác Hồ - Niềm tin yêu qua từng trang sách" bên hành lang hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện "Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XII”.
Đồng thời chủ động phòng ngừa phát hiện xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, tiêu cực và bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm “nêu gương” của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên trách trong phòng chống tội phạm; đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công tác đảm bảo an ninh, trật tự của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp, nội dung công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về phòng chống tội phạm nhằm nâng cao ý thức của nhân dân trong phòng ngừa và phát hiện tố giác tội phạm. Trong đó, chú trọng ứng dụng, phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông, các tiện ích mạng xã hội để tuyên truyền đến người dân nắm bắt, hiểu biết về các quy định pháp luật, lan tỏa thông tin tích cực; phản ánh khách quan, toàn diện công tác phòng chống tội phạm, đấu tranh mạnh mẽ, phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, luận điệu xuyên tạc, thông tin không đúng sự thật về chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong phòng, chống tội phạm.
Công an Thành phố, các sở, ban, ngành phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp trong phòng, chống tội phạm, nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phối hợp xây dựng, củng cố, phát huy, nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả về tự phòng, tự quản, tự hòa giải về an ninh, trật tự, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình theo hướng xã hội hóa. Quan tâm xây dựng, phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt ở cơ sở làm hạt nhân, chỗ dựa cho lực lượng Công an trong phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Ngoài ra, tăng cường khai thác, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, chuyển trạng thái các mặt công tác từ “truyền thống” sang “hiện đại”, ứng dụng công nghệ sinh trắc học, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo vào công tác phòng, chống tội phạm. Nghiên cứu, khai thác sách, kinh phí, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất đối với các cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội theo quy định, trong đó ưu tiên đầu tư cho các lực lượng Công an cấp huyện, cấp xã để kịp thời giải quyết ngay từ đầu, từ sớm các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự tại cơ sở. Đồng thời huy động các nguồn lực xã hội góp phần hỗ trợ hoạt động phòng chống tội phạm trên cơ sở nhu cầu thực tế khi ngân sách chưa đảm bảo.
Thuỳ Dương