Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều thành phần giai cấp, đối tượng, hiện tượng xã hội, tâm lý tình cảm, ý thức chính trị, tôn giáo khác nhau; đang trong quá trình phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế, chịu sự tác động thường xuyên, liên tục từ các sự kiện trong nước và quốc tế. Vì vậy, công tác nắm bắt dư luận xã hội luôn là một thách thức khó khăn, phức tạp; nghiên cứu dư luận xã hội là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng không chỉ trong công tác tư tưởng của Đảng, mà còn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền.
Bám sát chỉ đạo của Trung ương
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới với những diễn biến phức tạp trong và ngoài nước, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đã ra Thông tri số 70/TT-TU, ngày 29/3/1995 về việc đổi mới, cải tiến và nâng cao chất lượng nằm bắt dư luận xã hội; tiếp theo là Thông báo số 274-TB/TW ngày 29/9/2009 của Ban Chấp hành Trung ương thông báo kết luận của Ban Bí thư về Đề án tăng cường năng lực điều tra xã hội học, nắm bắt dư luận xã hội; Kết luận số 100-KL/TW ngày 18/8/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội, tiếp tục khẳng định “công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội là công việc quan trọng và rất cần thiết nhằm nắm bắt, tập hợp kịp thời, sát thực tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân về những vấn đề, sự kiện có tính thời sự trong nước và thế giới, đặc biệt là đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý có thêm thông tin tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; là một khâu quan trọng, cần thiết trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”.
Trong Thông tri 70/TT- TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã xác định để thực hiện Nghị quvết 09 của Bộ Chính trị về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về cải cách một bước nền hành chính, trong đó có nhấn mạnh cần “kết hợp sức mạnh của pháp luật với sức mạnh dư luận xã hội”, tổ chức điều tra dư luận xã hội về những vấn đề cần thiết cho công tác lãnh đạo và quản lý Nhà nước; Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các quận, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở cần tăng cường lãnh đạo và quản lý công tác nghiên cứu dư luận xã hội, coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong lãnh đạo của cấp ủy và công tác tư tưởng của đảng bộ mình. Ban Thường vụ Thành ủy cũng đặt ra yêu cầu cải tiến và nâng cao chất lượng nắm bắt dư luận xã hội, tổ chức các cuộc điều tra phân tích tình hình tư tưởng trong cán bộ đảng viên và các đối tượng quần chúng để tham mưu giúp công tác chỉ đạo của cấp ủy và công tác tư tưởng của đảng bộ kịp thời, chính xác; thành lập tổ nghiên cứu dư luận xã hội kiêm chức, xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tổ chức tập huấn về chính trị, nghiệp vụ, thực hiện giao ban định kỳ, tổng hợp báo cáo và phân công đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo các cấp phụ trách trực tiếp.
Đổi mới, cải tiến và nâng cao chất lượng nắm bắt dư luận xã hội
Từ năm 2012 đến nay, TPHCM đã có gần 600 cộng tác viên dư luận xã hội nòng cốt cấp thành phố, quận, huvện, đảng ủy cấp trên cơ sở và đoàn thể với thành phần khá phong phú, đa dạng, có đồng chí đương chức, có đồng chí đã nghỉ hưu... rải đều trên tất cả các địa bàn, đơn vị, ngành nghề, độ tuổi, giới tính... đảm bảo các thông tin dư luận xã hội được phản ánh về có đủ các luồng ý kiến từ các ngành, các giới, các địa bàn, khu vực dân cư.
Ban Tuvên giáo Thành ủy TPHCM xây dựng quy chế hoạt động, trong đó xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của từng đồng chí cộng tác viên dư luận xã hội. Quy định chế độ báo cáo 2 kỳ/một tháng; có sự phân chia từng nhóm địa bàn, gửi báo cáo xen kẽ tuần 1, tuần 3; có đơn vị gửi tuần 2, tuần 4. Ngoài ra, khi có tình hình, vụ việc đột xuất, cần báo cáo nhanh, Ban Tuyên giáo Thành ủy yêu cầu các cộng tác viên đơn tuyến báo cáo nhanh, phản ánh kịp thời, chính xác cho lãnh đạo.
Chất lượng hoạt động của hệ thống cộng tác viên nghiên cứu dư luận xã hội từng bước đi vào nền nếp và được nâng lên. Nhiều mô hình giao ban dư luận xã hội hướng về cơ sở được các đơn vị, địa phương thực hiện, nhân rộng như mô hình giao ban luân phiên giữa các phường, các cụm tại quận 5, 8, 12, Bình Tân... Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức giao ban mỗi tháng 2 lần, tạo điều kiện để nắm thông tin dư luận xã hội phản ánh, cập nhật thường xuyên, liên tục. Ngoài giao ban định kỳ về phản ánh dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Thành ủy còn thực hiện các giao ban chuyên đề, trong đó mời cụ thể một số nhóm đối tượng cùng trao đổi về một chuyên đề nhất định đang được dư luận quan tâm, theo dõi.
Việc cải tiến nâng cao chất lượng nắm bắt dư luận xã hội đã được các cấp ủy đảng, ban tuyên giáo các quận, huyện, các ban ngành đoàn thể, các đảng ủy cấp trên cơ sở hết sức chú ý; thường xuyên quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên. Các lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ công tác tuvên giáo, công tác nghiên cứu dư luận xã hội liên tục được mở ra ở các quận, huyện, các đoàn thể và một số đảng ủy cấp trên cơ sở của ban ngành thành phố. Nhờ đó, hầu hết cán bộ nghiên cứu dư luận xã hội và cộng tác viên đều nắm được những phương pháp cơ bản để nắm bắt dư luận xã hội, phân biệt dư luận xã hội với tin đồn; áp dụng nhiều hình thức: tiếp xúc trực tiếp, các cuộc họp tổ dân phố, khu phố, các đoàn thể, các cuộc thăm viếng, tọa đàm trao đổi… qua đó, nắm bắt tâm tư tình cảm, nhận định, đánh giá, phán xét của quần chúng theo những xu hướng chính trị, tâm lý xã hội khác nhau và thông qua tích luỹ kinh nghiệm trong công tác mà việc nắm bắt dư luận xã hội trong toàn thành phố ngày càng đi vào thực chất, toàn diện, đầy đủ, có tính khoa học và có chiều sâu hơn.
Điều tra dư luận xã hội bằng phiếu thăm dò, cũng được các cấp ủy đảng, ban tuyên giáo các quận, huyện, các ban ngành đoàn thể, các đảng ủy cấp trên cơ sở áp dụng. Điều tra dư luận xã hội bằng phiếu thăm dò, thường cho kết quả đầy đủ, toàn diện và chính xác hơn so với các hình thức nắm bắt dư luận xã hội khác. Từ những cuộc điều tra này, các cấp ủy đảng nắm được ngày càng chắc hơn những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ đảng viên và nhân dân trong phạm vi mình lãnh đạo và quản lý. Nhiều quận, huyện như Bình Thạnh, quận 1, quận 5, Bình Tân, Tân Bình, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn... thường xuyên thực hiện khảo sát, thăm dò dư luận xã hội với các chủ đề như: về tay nghề, nguyện vọng của thanh niên, về đời sống văn hóa khu dân cư, về ý kiến đóng góp xây dựng chính quyền, về đời sống, thu nhập của người dân, về thực trạng đòi sống nhân dân, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... qua đó, các cấp ủy có sự lãnh đạo tư tưởng cán bộ và nhân dân ngày càng sát hợp hơn.
Hàng năm, TPHCM có trung bình từ 10 đến 12 cuộc điều tra thăm dò dư luận xã hội. Công tác điều tra bằng phiếu ngày càng được cải tiến, nâng cao chất lượng, các câu hỏi đưa ra ngày càng khoa học hơn, phát huy hiệu quả trong công tác nắm bắt và giải quyết tình hình dư luận xã hội.
Kịp thời giải quyết những bức xúc xã hội ngay từ cơ sở
Trong những năm qua, rất nhiều bức xúc của người dân thành phố đã được hệ thống mạng lưới dư luận xã hội nắm bắt phản ánh như công tác giải tỏa đền bù, tái định cư, trật tự xã hội, an toàn giao thông, vấn đề tham nhũng, tiêu cực, tình hình biển Đông, việc ban hành, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật... công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội phát hiện, đề xuất với cấp ủy đảng và chính quyền xử lý các “điểm nóng” (thường xảy ra do những bức xúc liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân và dễ nảy sinh những vấn đề tư tưởng phức tạp) kịp thời nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Điển hình như tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam hoặc vụ việc công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam tại quận Bình Tân ngừng việc tập thể phản đối Luật Bảo hiểm xã hội 2014 vào tháng 3/2015, lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội tại các địa phương và Thành phố đã nỗ lực bằng nhiều biện pháp kịp thời có những phản ánh, nhận định, đề xuất giải pháp thường xuyên, liên tục.
Ở quận 1, quận 3 là những quận trung tâm, tập trung nhiều cơ quan đại diện Trung ương khu vực phía Nam, các lãnh sự quán nước ngoài trú đóng, các công viên có vị trí quan trọng, nhiều cơ sở tôn giáo, nhiều dự án được triển khai thực hiện, là địa bàn mà các thế lực thù địch thường xuyên hướng đến để tổ chức các hoạt động. Ban Thường vụ Quận ủy Quận 1, 3 đã quán triệt trong toàn hệ thống chính trị của quận cùng với lực lượng chức năng luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng tâm thế ứng phó với những tình huống phức tạp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh lực lượng công an, quân sự, quận còn thường xuyên trang bị kỹ năng xử lý tình huống cho lực lượng chính trị nòng cốt, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, báo cáo viên của các ban, ngành, đoàn thể bởi đây là một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong tham gia xử lý các “điểm nóng”; từ đó, đã góp phần không nhỏ trong việc phát hiện, nắm bắt, can thiệp ngay từ đầu các nhóm nhỏ trước khi tập trung thành số lượng lớn.
Sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng các cấp, sự cố gắng nỗ lực của cán bộ tuyên giáo các cấp, của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội từ thành phố đến cơ sở đã góp phần không nhỏ trong bám sát địa bàn, nắm bắt những diễn biến, xu hướng tư tưởng của cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong lãnh đạo, quản lý. Từ đó, lãnh, chỉ đạo của đảng ủy các cấp ngày càng tốt hơn, chính xác hơn, khoa học hơn, tạo được sự đồng thuận cao, niềm tin trong đảng viên, quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Làm tốt công tác nghiên cứu, nắm bắt và giải quyết tình hình dư luận xã hội đã giúp TPHCM giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển bền vững./.
Lê Thị Cẩm Tú – Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh