(TG)- 50 năm trôi qua, thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề “đầu tên là công việc đối với con người” theo Di chúc, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực không ngừng, khắc phục hậu quả nặng nề của hơn 30 năm chiến tranh, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp vì hạnh phúc của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa 50 năm, nhưng bản Di chúc Người gửi lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại. Kết tinh tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một lãnh tụ trọn một đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân dân, Di chúc là những lời dặn lại, là sự chăm lo của Người đối với sự phát triển bền vững “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” của nước non để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
XÂY DỰNG VÀ CHỈNH ĐỐN ĐẢNG, XỨNG ĐÁNG VỚI SỰ TIN YÊU, KÍNH TRỌNG CỦA NHÂN DÂN
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng phải chăm lo phát triển kinh tế, cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, phải ra sức đấu tranh để giải phóng nhân dân thoát khỏi cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu. Trong sự nghiệp cách mạng to lớn đó, Đảng là người lãnh đạo cũng đồng thời là người đày tớ trung thành của nhân dân. Theo đó, muốn hoàn thành trọng trách lớn lao đó, Đảng phải chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng thật sự trong sạch, thật sự là tấm gương cho toàn dân, toàn quân học tập và làm theo.
Người cũng khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”[1] và “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”[2], vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên phải phấn đấu với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”[3], nhất là “phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[4]. Thực tế cho thấy rằng, Đảng cũng là một thực thể xã hội, cũng là những con người cụ thể nên khó tránh khỏi những thói hư tật xấu, những tàn dư của chế độ cũ và cả những ảnh hưởng từ mặt trái, hệ lụy của cơ chế thị trường. Do đó, để “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, xóa bỏ tàn dư chế độ cũ, xây dựng xã hội mới thì trong Đảng phải tiến hành một cuộc đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng, nhằm “làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”[5].
Trên tinh thần thấm nhuần lời Người dặn: "Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng", “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” và “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”[6], Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã luôn nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình với Đảng, với Tổ quốc, thực hiện nghiêm túc công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Trong bất cứ thời điểm nào, các tổ chức cơ sở Đảng trong toàn Đảng bộ thành phố cũng luôn thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, tự phê bình và phê bình nghiêm túc trên tinh thần dân chủ, giúp nhau cùng tiến bộ. Đồng thời, vì thấu hiểu sâu sắc lời Người dặn: “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”[7], cho nên, mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên cũng luôn hướng về cơ sở, dựa vào nhân dân, lắng nghe sự phê bình, góp ý của nhân dân, tạo sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động, nâng cao chất lượng trong mọi mặt công tác. Mỗi cán bộ trong tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú đã xây dựng tinh thần trách nhiệm, tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phát huy vai trò nêu gương, nói đi đôi với làm, từng bước đấu tranh có hiệu quả với các hiện tượng quan liêu, tiêu cực, tham ô, tham nhũng, phòng và chống những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ, CHĂM LO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN
Thấm nhuần lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”[8], Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kiên cường “đi trước, về sau” trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc; ngày nay đã và đang phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, với mục tiêu xây dựng thành phố “có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
Hội nghị Hiệp thương chính trị tại Hội trường Thống nhất (11/1975). Ảnh Tư liệu
Thấu hiểu sâu sắc rằng, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa là một sự nghiệp chưa từng có tiền lệ ở một nước mới thoát ra từ chế độ thực dân, phong kiến, kinh tế nghèo nàn lạc hậu và xóa bỏ tàn tích của chế độ cũ, xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp là công việc khó khăn, phức tạp nhưng cũng chính là để cho nhân dân, vì nhân dân, thành phố đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Từ đó, từng bước khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của một trung tâm kinh tế, khắc phục những trì trệ trong sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn tháo gỡ, đổi mới, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế.
Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, thành phố đã bắt đầu bằng mở điểm đột phá để sản xuất bung ra trong buổi đầu của thời kỳ “cởi trói”, “tháo gỡ”, tiếp đến là tiến hành hàng loạt các cải cách kinh tế, tạo được sự ổn định dần kinh tế - xã hội và từng bước ổn định đời sống nhân dân, thiết thực làm cho lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc “không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”[9] trở thành hiện thực sinh động trên địa bàn thành phố.
Những con số: “Năm 1976, GDP trên đầu người chỉ có 215 USD thì năm 1980 đã tăng lên 290 USD, năm 1985: 395 USD, năm 1994: 777 USD, năm 1999: 1.230 USD”[10]; tiếp đó, năm 2005 là 2.213 USD, năm 2010 là 3.895 USD và năm 2018 tăng lên đến 6.298 USD đã cho thấy một sự vươn mình mạnh mẽ. Để đạt được mức thu nhập đó, kinh tế thành phố mang tên Bác luôn ở mức tăng trưởng cao và năng suất lao động của thành phố cũng đạt cao nhất cả nước. Năm 2018, năng suất lao động thành phố gấp 2,9 lần cả nước và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất cho cả nước, chiếm 27%. Kinh tế phát triển, thu nhập của nhân dân tăng lên, chất lượng cuộc sống nhân dân thành phố cũng được cải thiện rõ rệt.
Thành phố đã phát động và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để ngày càng nâng cao đời sống cho nhân dân. Cuối năm 2015, thành phố đã ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016 - 2020 với tiêu chí thu nhập cao gấp 1,95 lần chuẩn nghèo quốc gia và tiêu chí đa chiều phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đặc điểm dân cư thành phố, đưa công tác giảm nghèo của thành phố bước sang một chặng đường mới, với mục tiêu cao hơn, thể hiện rõ việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân thành phố. Năm 2018, thành phố đã hoàn thành trước 2 năm mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016 - 2020.
Năm 2019, ngay từ tháng đầu, quý đầu, các sở, ban, ngành, các quận, huyện, các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố đã đẩy mạnh phong trào thi đua sáng tạo, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ theo kế hoạch; đồng thời, tổ chức chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đảm bảo Tết đến với mọi người, mọi nhà. Bên cạnh đó, tăng cường xã hội hóa tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ Tết; tổ chức chu đáo, an toàn các lễ hội Xuân, các hoạt động thể thao, các hoạt động vui chơi, giải trí gắn với tuyên truyền chính trị…
Cùng với đó, thành phố đã thực hiện tốt phong trào “Xóa đói, giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”, “Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương”, chương trình “Bảo trợ bệnh nhân nghèo”, chăm lo cho công nhân, người lao động... Đồng thời, đạt nhiều kết quả trong các lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội. Việc thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân được mở rộng; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy trong xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân.
Tiếp tục thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, Nghị quyết số 54/2017/QH14 về "Quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh", Đảng bộ và nhân dân thành phố đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước để xây dựng và phát triển thành phố trở thành một đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; là đầu tàu, là động lực không chỉ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn của cả nước.
Thực tế là, thành phố không chỉ đi đầu cả nước trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế tri thức; trong đó, khu công nghệ cao của thành phố có quy mô đầu tư lớn nhất, với giá trị xuất khẩu cao nhất cả nước mà còn là địa phương triển khai sớm nhất phương thức quản lý đô thị thông minh và đang xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố.
Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai quy trình giải quyết thông tin phản ánh theo Quy định số 1374-QĐ/TU
Nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm lớn lao là thành phố được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy những thành tựu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân thành phố luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn, cùng cả nước, vì cả nước và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người, vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... cần phải được tiếp tục khắc phục. Dù vẫn còn những hạn chế, song có thể khẳng định rằng, sự phát triển kinh tế của thành phố, việc chăm lo đời sống nhân dân ngày một tốt hơn là minh chứng cho ý chí, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị toàn thành phố trong thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
GẮN HỌC VÀ LÀM THEO BÁC VỚI THỰC HIỆN DI CHÚC VỀ CHĂM LO CHO NHÂN DÂN
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc Di chúc của Người, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Vì thế, việc học tập và làm theo những chỉ dẫn của Người, tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng của Người đã trở thành động lực và chuẩn mực ứng xử hằng ngày trong mọi mặt công tác, thể hiện rõ trong mối quan hệ với nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân của các tổ chức đảng, chính quyền các cấp.
Cụ thể, việc đẩy mạnh học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” theo Di chúc, đã góp phần hạn chế các vi phạm pháp luật, ngăn ngừa những hành vi tham ô, tham nhũng, nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, nhất là ở tại địa bàn cơ sở.
Năm 2019, để tập trung thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với chủ đề năm 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và chủ đề năm của thành phố “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”, các cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn thành phố cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau:
Một là, chú trọng đẩy mạnh thực hiện chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với xây dựng kế hoạch, chương trình hành động; tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương và thành phố. Nâng cao trách nhiệm, tinh thần phụng sự nhân dân trong cải cách thủ tục hành chính, đề ra nhiều giải pháp thiết thực để phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu của nhân dân.
Hai là, lựa chọn những vấn đề có liên quan tới 3 nội dung của chủ đề năm 2019 (xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân; phát huy dân chủ; chăm lo đời sống Nhân dân) trong lĩnh vực công tác của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để tập trung giải quyết gắn với các phong trào thi đua của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Cụ thể, gắn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới”, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, Quy định 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”…
Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên, đội ngũ cán bộ chủ chốt cần tăng cường hướng về cơ sở, gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân; không chỉ sẻ chia và đồng cam, cộng khổ với nhân dân mà còn phải thực hiện đúng quy chế dân chủ cơ sở, công khai minh bạch, tiếp công dân đúng quy định để tập hợp và phát huy sức mạnh của nhân dân, tổ chức, động viên, lãnh đạo nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, người đứng đầu nói riêng cần phải nêu cao ý thức phục vụ nhân dân; làm việc với thái độ khách quan, công tâm, tập trung sức giải quyết những lợi ích chính đáng của nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và chủ động đối thoại với nhân dân để kịp thời có những giải pháp hỗ trợ đến từng trường hợp cụ thể, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Bốn là, nâng cao tinh thần và ý thức tôn trọng nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ cương của xã hội; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân. Song, mọi biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ quá trớn, lợi dụng dân chủ để kéo bè, kéo cánh, làm rối loạn “kỷ cương, phép nước” để cầu danh, trục lợi hoặc chuyên quyền, độc đoán, đứng trên pháp luật làm cho nhân dân bất bình, đều phải bị lên án và đấu tranh loại bỏ.
Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nhân dân, nâng cao dân trí; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong việc kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; coi đây là giải pháp vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài của công tác xây dựng Đảng cũng như trong công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác.
50 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vẫn đang tiếp tục thực hiện Di chúc của Người, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đất nước đã và đang trong quá trình đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Năm 1957, nói chuyện tại trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Người đã nhấn mạnh: Đi lên chủ nghĩa xã hội là cả một quá trình lâu dài, khó khăn, vì “chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta”[11] và "chủ nghĩa xã hội là mọi người cùng ra sức lao động sản xuất để được ăn no, mặc ấm, và có nhà ở sạch sẽ"[12].
Vì thế, dù chúng ta đang trong chặng đường đầu tiên của chủ nghĩa xã hội, song những thành tựu về mọi mặt của Việt Nam, nhất là trong xóa đói, giảm nghèo bền vững cũng cho thấy, Đảng đã, đang mang lại cho nhân dân ta một cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn và đó chính là chủ nghĩa xã hội.
|
TS. Nguyễn Thị Hoa Phượng
Học viện Chính trị khu vực II
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.403.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.622.