Chủ Nhật, 24/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 8/12/2012 16:18'(GMT+7)

Thành phố Pleiku: nỗ lực thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (Khóa IX)

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thành phố đã có những bước chuyển biến tích cực cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên. Trật tự, kỷ cương trường học được tăng cường, triển khai có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện tốt cuộc vận động “Hai không”; cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và thực hiện chủ trương “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục một cách toàn diện”.

Trong thời gian qua Thành phố Pleiku đã tập trung chỉ đạo xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ phục vụ trong cơ sở giáo dục đảm bảo cả về số lượng, đạt chuẩn về chất lượng; xây dựng phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao. Năm 2002, toàn ngành có 2.312 người, biên chế nhà nước 1.962 người ; trong đó, cán bộ quản lý và giáo viên 1.865 người, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn 90,6%, cán bộ giáo viên có trình độ Đại học 159 người. Đến nay, toàn Ngành Giáo dục - đào tạo thành phố có 2.998 cán bộ - giáo viên - nhân viên; trong đó, biên chế nhà nước 2.272 người, tư thục - dân lập 513 người; hợp đồng ngắn hạn 213 người, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn trên 99%, 1.128 người (51%) có trình độ Đại học. Quy mô mạng lưới trường lớp được phát triển mở rộng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, Thành phố đã có 85 trường, trong đó 6 trường THPT, 14 trường THCS, 33 trường tiểu học, 27 trường mầm non, 5 trường có nhiều cấp học ; đầu tư xây dựng 745 phòng học, 208 khu hiệu bộ và phòng làm việc, 54 phòng chức năng, 31 nhà công vụ, cải tạo sân chơi, đóng mới bàn ghế giáo viên, học sinh, trang bị các thiết bị dạy và học… với kinh phí trên 244 tỷ đồng (trong đó ngân sách thành phố 120 tỷ đồng). Ngoài ra, nhằm tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, nhất là đẩy mạnh xã hội hóa bậc học mầm non, nhiều hộ tư nhân, doanh nghiệp đã đầu tư trên 350 tỷ đồng xây dựng 10 trường dân lập, tư thục đảm bảo điều kiện chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc, nuôi dạy trẻ và giải quyết một phần quá tải về cơ sở vật chất các trường lớp công lập.

Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân quan tâm, hỗ trợ tích cực đối với sự nghiệp phát triển giáo dục tại các nhà trường và phong trào học tập thường xuyên trong nhân dân. Đến nay, 23/23 xã, phường đã thành lập được Hội Khuyến học với 15.306 hội viên (chiếm tỷ lệ 7,1% dân số) sinh hoạt ở 321 chi hội thôn, làng, tổ dân phố, trường học; 19 cơ quan, đơn vị đã thành lập được Ban Khuyến học. Để kịp thời động viên các học sinh, thầy cô giáo, nhiều tổ chức xã hội cùng với Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ, các địa phương đã tổ chức tặng quà, trao học bổng cho 17.668 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó học giỏi, thầy cô giáo dạy giỏi với số tiền trên 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện Đề án phát triển Trung tâm học tập cộng đồng, đến nay 23/23 xã, phường đã thành lập được Trung tâm học tập cộng đồng, đa số các Trung tâm đã đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, tạo điều kiện để mọi người có thể học tập suốt đời.

Về khoa học và công nghệ, trong 10 năm qua, Dự án khoa học công nghệ của Nhà nước, của tỉnh đầu tư cho Thành phố Pleiku là 15 dự án, với tổng số tiền đầu tư là trên 2 tỷ đồng. Trong đó, có 3 dự án về chuyển đổi giống lúa, 7 dự án về các loại giống hoa màu, 2 dự án về cải tạo con giống, 2 dự án về môi trường và 1 dự án về công nghệ sản xuất gạch không nung. Ngoài ra, thành phố chú trọng đầu tư các dự án như mô hình trồng rau xanh, trồng hoa cao cấp trong nhà lồng, mô hình nuôi heo F1, mô hình trồng cây ăn quả, mô hình trồng khoai tây, mô hình nuôi cá nước ngọt, mô hình ứng dụng máy bơm nước cơ động bằng động cơ xe máy...đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống. Năng suất của các loại cây công nghiệp như tiêu, cà phê đều có sự gia tăng đáng kể. Trước đây, đa số diện tích cà phê và tiêu trên địa bàn thành phố là giống địa phương cho năng suất và sản lượng thấp, cà phê đạt 7-10 tấn/ha, tiêu đạt 1-2,5 tấn/ha. Hiện nay, với việc sử dụng các loại giống mới và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất và sản lượng cây công nghiệp tăng lên đáng kể, cà phê đạt 12-18 tấn/ha, hồ tiêu đạt từ 3-6 tấn/ha.

Hiện trên địa bàn có 18 cơ quan báo chí, tạp chí của trung ương, của ngành và địa phương; 151 cơ sở dịch vụ Internet; 30 thư viện, nhà sách, siêu thị sách, điểm dịch vụ sách báo; 3 điểm bưu điện văn hóa xã… đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khai thác thông tin, học tập của các tầng lớp nhân dân thành phố. Công nghệ thông tin tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. Hiện nay, 100% các cơ quan, đơn vị Thành phố Pleiku và các xã, phường đang ứng dụng các thành tựu công nghệ tin học vào việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Hơn 70% cán bộ, CNVC và một bộ phận người dân trên địa bàn thành phố có thể sử dụng máy vi tính và các dịch vụ công nghệ thông tin, Internet. Trong công tác quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng phát triển theo chiều sâu, nhiều phần mềm được áp dụng trên các lĩnh vực như tài chính, thuế, tài nguyên - môi trường, quản lý đô thị, xây dựng cơ bản…góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số hạn chế, trong công tác giáo dục và đào tạo như: chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn vẫn còn chênh lệch khá cao; xã hội hóa giáo dục đào tạo chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố, chưa khai thác nguồn lực trong nhân dân; chất lượng của đội ngũ giáo viên còn nhiều bất cập, dẫn đến việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá diễn ra chậm...
Về khoa học công nghệ: hiệu quả của ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống còn thấp, chưa trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; họat động chuyển giao khoa học và công nghệ chưa được triển khai đồng bộ, chủ yếu diễn ra trên lĩnh vực nông nghiệp...
 
Tâm Yên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất