Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 24/8/2012 22:18'(GMT+7)

Thanh Trì: điểm sáng về biên soạn lịch sử Đảng

Hội thảo lần cuối cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Trì (1930-2010)

Hội thảo lần cuối cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Trì (1930-2010)

Thanh Trì được coi là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử văn hoá và cách mạng, là nơi sinh ra nhiều danh nhân văn hóa như Đô hồ Đại vương Phạm Tu; Tiên triết Chu Văn An - người thấy của muôn đời; Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ dòng họ Ngô Thì,…đặc biệt, là một trong ít quê hương có 2 làng khoa bảng: Làng Nguyệt Áng (xã Đại Áng) và làng Tả Thanh Oai (xã Tả Thanh Oai).

Thanh Trì tự hào là nơi ra đời Chi bộ đầu tiên của khu vực ngoại thành Hà Nội, có tên gọi Chi bộ Đông Phù (tháng 5-1930). Đồng thời là quê hương của đồng chí Nguyễn Duy Cống (tức đồng chí Đỗ Mười) – Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Đỗ Ngọc Du – Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội lâm thời; đồng chí Vương Thừa Vũ - Nguyễn Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hà Nội.

Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, toàn huyện có 40 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.724 liệt sĩ, 1.215 thương binh, bệnh binh và trong công cuộc đổi mới đất nước, nhân dân Thanh Trì đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của Thủ đô, của đất nước. Thanh Trì vinh dự tự hào được 10 lần đón Bác Hồ về thăm, chúc Tết và tặng quà, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Độc Lập hạng Ba và hiện có 10/16 xã, thị trấn và Công an huyện được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ đổi mới.


Qua các kỳ Đại hội, cấp uỷ, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở luôn ý thức sâu sắc việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống và giáo dục truyền thống cách mạng không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn thể hiện sự tri ân đối với lịch sử, với quá khứ, các thế hệ đi trước và nhân dân đã góp phần tạo nên một diện mạo của Thanh Trì như hôm nay.


Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị 15 – CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”; 3 năm thực hiện Chỉ thị 17 – CT/TU ngày 06-8-2009 của Ban Thường vụ Thành uỷ về “tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng”, công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng được cấp uỷ, chính quyền các địa phương quan tâm hơn.

Nhiệm vụ được thể hiện rõ nét trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, các Thông tri, kế hoạch, các chương trình công tác của Huyện uỷ và mới đây nhất Ban Thường vụ Huyện uỷ xây dựng Đề án “Đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục truyền thống và lịch sử cách mạng địa phương cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn”, hoàn thành trong quý IV năm 2012.


Chỉ tính 3 năm gần đây, huyện và ngành, đơn vị trong huyện đã biên soạn và phát hành 16 cuốn sách về lịch sử, văn hóa, chính trị. Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tập trung chỉ đạo và phát hành các cuốn sách như: Những tấm gương học tập và làm theo lời Bác; Thanh Trì trên đường đổi mới; Thanh Trì 50 năm xây dựng và phát triển (31-5-1961 – 31-5-2011); Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Trì (1930 – 2010); Tập bài giảng Lịch sử huyện Thanh Trì trong các trường THCS, từ tháng 8-2102 được đưa vào giảng dạy trong các trường THCS. Đặc biệt, Huyện ủy chỉ đạo và biên soạn cuốn sách Chu Văn An - Người thầy của muôn đời, có sự tham gia góp ý đầy tâm huyết của các nhà khoa học ở Trung ương và Hà Nội. Nếu được sự đồng ý của Thường Trực Thành uỷ - HĐND - Uỷ ban nhân dân thành phố và các sở, ngành liên quan, Huyện dự kiến Lễ phát hành cuốn sách Chu Văn An - Người thầy của muôn đời  tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 720 năm ngày sinh của thầy giáo Chu Văn An (15-8-1292 – 15-8-2012, âm lịch).

Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chỉ đạo sát sao các ngành, đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tích cực sưu tầm, biên soạn xuất bản cuốn lịch sử truyền thống của địa phương. Tính đến tháng 7-2012, toàn huyện đã có các ngành như Công An, Quân sự, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ,…và 13/16 xã, thị trấn hoàn thành việc sưu tầm, biên soạn cuốn lịch sử truyền thống cách mạng và đưa vào giáo dục trong các đơn vị, nhà trường.


Bên cạnh việc sưu tầm, biên soạn, công tác giáo dục truyền thống cũng được huyện quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện.


Năm 2003, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chỉ đạo xây dựng Nhà truyền thống huyện. Năm 2010, nhằm thiết thực chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, huyện bổ sung, nâng cấp, hoàn thiện phòng truyền thống huyện để tiếp tục khẳng định những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Trì đã đạt được từ năm 2003 đến năm 2010. Nhà truyền thống huyện thường xuyên đón các đoàn công tác trong và ngoài thành phố, các đơn vị bạn đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, hàng trăm lượt khách đến tham quan đều có nhận xét, đánh giá cao. Ban Thường vụ Huyện uỷ giao Ban Tuyên giáo Huyện uỷ và ngành Giáo dục – Đào tạo của huyện phối hợp tổ chức đưa vào chương trình, hoạt động ngoại khoá trong các nhà trường. Hàng năm, các trường học trên địa bàn huyện đã tổ chức cho giáo viên, học sinh đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, trung bình mỗi năm có 25– 30 đoàn với hàng ngàn lượt người. Đồng thời, các hoạt động văn hoá, thể dục - thể thao, lễ giao nhận quân hàng năm đều được tổ chức “Lấy lửa” từ Nhà Truyền thống huyện.


Hàng năm, ngành giáo dục – đào tạo huyện đã tổ chức lễ dâng hương và tuyên dương giáo viên, học sinh đạt thành tích cao trong giảng dạy và học tập tại Đình thờ Tiên triết Chu Văn An (xã Thanh Liệt) vào dịp trước Lễ khai giảng năm học mới.


Quá trình thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư Trung ương và Chỉ thị 17 của Thành uỷ Hà Nội, Thanh Trì đã rút ra một số kinh nghiệm:


Một là, công tác nghiên cứu biên soạn, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, di tích lịch sử, văn hoá và di tích cách mạng phải được các cấp quan tâm thường xuyên, chỉ đạo sát sao, coi đây là một nhiệm vụ  trọng tâm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ  chính trị của huyện, ngành và cơ sở. Ban Thường vụ Huyện uỷ giao nhiệm vụ cho 1 đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện uỷ được đào tạo chuyên ngành Lịch sử Đảng và 1 đồng chí chuyên viên Ban Tuyên giáo phụ trách công tác tuyên truyền, sưu tầm biên soạn, giáo dục lịch sử truyền thống của ngành, đơn vị.

Hai là, các hoạt động giáo dục truyền thống cần gắn kết với hoạt động kỷ niệm các ngày lễ trong năm, đặc biệt là các ngày kỷ niệm truyền thống của địa phương; tổ chức khai thác tốt các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng trên địa bàn huyện.

Ba là, trong công tác sưu tầm, biên soạn, các sự kiện lịch sử giáo dục truyền thống của địa phương, của ngành cần được xác minh, có cơ sở khách quan, khoa học để đưa vào sách. Đảm bảo nguyên tắc có thể thiếu, không được phép sai trong công bố tư liệu, sự kiện lịch sử.
Các ấn phẩm của huyện, ngành và cơ sở khi in ấn, xuất bản đều được các cấp  có thẩm quyền thẩm định, cấp phép xuất bản, quản lý chặt chẽ và đưa vào sử dụng có hiệu quả, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Bốn là, huy động các nguồn lực để tôn tạo và phát huy các giá trị tốt đẹp của các di tích văn hoá, lịch sử cách mạng kháng chiến trên địa bàn.

Năm là, lịch sử truyền thống của huyện, ngành, xã cần được biên tập thành chương trình ngoại khoá đểộhc tập trong đoàn viên, hội viên, học sinh, ngành mình... đặc biệt được sử dụng trong các Hội thi gắn với truyền thống quê hương.

 
Để tiếp tục thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Thành uỷ, trong thời gian tới, huyện Thanh Trì chú trọng  tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:


- Các cấp uỷ, chính quyền, ngành đoàn thể của huyện và cơ sở tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành uỷ, xác định đúng vị trí, ý nghĩa, tác dụng của công tác sưu tầm, nghiên cứu biên soạn, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng quê hương; coi đây là nhiệm vụ trong tâm trong công tác tư tưởng – lý luận trong thời kỳ đổi mới.

- Tiếp tục chỉ đạo 3 còn lại xã hoàn thành sưu tầm, biên soạn và phát hành Lịch sử Đảng bộ xã trong năm 2012, đưa vào chương trình giảng dạy và học tập ở các trường phổ thông.

- Tiếp tục sưu tầm, biên soạn và phát hành cuốn sách  Dòng họ Ngô Thì trong năm 2013. Xây dựng kế hoạch để nghiên cứu sưu tầm, biên soạn cuốn Dư Địa chí huyện Thanh Trì vào năm 2015, khơi dậy truyền thống yêu nước, hiếu học của quê hương.

- Huy động các nguồn lực để tôn tạo và phát huy các giá trị tốt đẹp của các di tích văn hoá, lịch sử cách mạng trên địa bàn. Trong đó, khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ở xã Thanh Liệt, đang được triển khai xây dựng với quy mô kiến trúc khoảng 100 ha, nhằm tôn vinh thầy giáo Chu Văn An và sự nghiệp giáo dục.

Để làm tốt công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng, Huyện ủy đã có chủ trương tranh thủ sự giúp đỡ của Thành ủy và một số trương đại học đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội, hàng năm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm về công tác sưu tầm biên soạn lịch sử truyền thống của các sở, ban, ngành trong huyện. Bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy các môn văn, sử lồng ghép chương trình giới thiệu lịch sử địa phương trong nhà trường., đồng thời, bố trí cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành Lịch sử Đảng để phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng cho quê hương.

Với những kết quả đạt được, Thanh Trì trở thành điểm sáng của toàn thành phố về công tác nghiên cứu, biên soạn và giáo dục tuyền thống cách mạng của địa phương. Vừa qua, tại Hội nghị
Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 15 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 17 – CT/TU ngày 06-8-2009 của Ban Thường vụ Thành uỷ về “Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng” do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Huyện ủy Thanh Trì đã được Thành ủy tặng Bằng khen “Đơn vị xuất sắc”, trong đó có nhiều đơn vị xã được tặng Giấy khen của Ban Tuyên giáo Thành ủy./.

 

 Lê Thị Thu Thuỷ
Phó Bí thư Huyện uỷ Thanh Trì

 

 

         

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất