Thứ Năm, 21/11/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Bảy, 20/11/2021 22:57'(GMT+7)

Thành tựu kinh tế nổi bật sau 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc

Hoạt động sản xuất tại Công ty Ohashi Tekko Việt Nam, Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

Hoạt động sản xuất tại Công ty Ohashi Tekko Việt Nam, Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Trong giai đoạn 1997-2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt khá cao, bình quân tăng 13,4%/năm, trong đó ngành công nghiệp - xây dựng tăng 20,1%/năm (riêng công nghiệp tăng 21,4%/năm), ngành dịch vụ tăng 9,7%/năm và ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,8%/năm.

Quy mô giá trị tăng thêm theo giá hiện hành năm 2020 đạt 123,6 nghìn tỷ đồng đứng thứ 14 cả nước, đứng thứ 6 trong vùng đồng bằng sông Hồng, ước năm 2021 đạt 135,1 nghìn tỷ đồng tăng gấp 69 lần so với năm 1997 (năm 1997 đạt 1,96 nghìn tỷ đồng). GRDP bình quân đầu người liên tục tăng trưởng, vượt mức bình quân của cả nước; năm 2020 đạt 105,5 triệu đồng/người (tương đương 4.500 USD), cao gấp 1,73 lần so với mức trung bình của cả nước (2.779 USD), đứng 5/11 tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng vị trí thứ 10/63 tỉnh/thành phố cả nước; ước năm 2021, đạt 113,4 triệu đồng/người (khoảng 4.800 USD), cao gấp 52 lần so với GRDP bình quân đầu người năm 1997 (năm 1997 đạt 2,18 triệu đồng/người).

Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch tích cực. Khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Năm 2021 tỷ trọng khu vực này chiếm đến 63,51% tổng giá trị tăng thêm của ba khu vực kinh tế (năm 1997 tỷ trọng khu vực này là 18,4%). Hai khu vực kinh tế còn lại là dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản đều theo hướng giảm, trong đó: Khu vực dịch vụ giảm từ 36,48% năm 1997 xuống 28,85% và khu vực nông, lâm thủy sản giảm từ mức 45,13% năm 1997 xuống còn 7,64% tổng giá trị tăng thêm các ngành kinh tế năm 2021.

Cùng với tăng trưởng kinh tế về số lượng, chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh từng bước được nâng lên. Đến năm 2020, năng suất lao động của tỉnh đạt 191 triệu đồng/lao động/năm, tăng 18,5 lần so với năm 1997 (10,3 triệu đồng/lao động). Hiệu quả vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh ở mức khá với hệ số ICOR đạt khoảng 4-4,5 thấp hơn mức trung bình cả nước 5,18 giai đoạn 2016-2020.

Thu, chi ngân sách cao

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm đầu mới tái lập chỉ đạt trên 100 tỷ đồng và trong 25 năm qua, mặc dù nhiều thời điểm gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khu vực, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh... nhưng Vĩnh Phúc luôn nằm trong TOP các địa phương trong cả nước có số thu cao nhất, là một trong 16 tỉnh có điều tiết về Ngân sách Trung ương và tỷ lệ điều tiết của tỉnh khá cao (47%).

Trong 5 năm trở lại đây số thu ngân sách của tỉnh bình quân hằng năm đạt từ 32-33 nghìn tỷ đồng, đặc biệt năm 2019 đạt trên 35 nghìn tỷ đồng, là tỉnh có số thu ngân sách đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; năm 2020 mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 nhưng tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt 32,59 nghìn tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt 27,86 nghìn tỷ đồng) và năm 2021 ước tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 32,1 nghìn tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt 27,67 nghìn tỷ đồng), gấp 282 lần so với số thu ngân sách của năm 1997.

Công tác quản lý chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ. Chi ngân sách hàng năm đảm bảo và phục vụ kịp thời nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó đặc biệt là chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chính sách an sinh xã hội,.... Tổng chi ngân sách địa phương năm 2021 ước đạt 19,9 nghìn tỷ đồng (gấp gần 70 lần so năm 1997), trong đó chi đầu tư phát triển đạt 9,0 nghìn tỷ đồng (gấp 141 lần so năm 1997).

Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp là điểm nhấn

Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đã xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển. Từ đó, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá để trở thành “điểm sáng” của cả nước về công tác thu hút đầu tư. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; triển khai và duy trì thường xuyên chương trình “Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc gặp gỡ với doanh nhân hằng tuần”; ....

Kết quả thu hút đầu tư của tỉnh tăng rất cao, năm 1998 trên địa bàn tỉnh mới chỉ thu hút được 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI), đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã có 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó có các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, các quốc gia Châu Âu và 824 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là gần 110 nghìn tỷ đồng.

Về phát triển doanh nghiệp: Số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Năm 1997 chỉ có 91 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với số vốn 57 tỷ đồng nhưng ước đến hết năm 2021 toàn tỉnh có trên 13 nghìn doanh nghiệp (tăng 141 lần so với năm 1997) với số vốn đăng ký đạt trên 150 nghìn tỷ đồng, số lượng doanh nghiệp thực tế hoạt động chiếm khoảng 70% doanh nghiệp đăng ký đã và đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng, thu ngân sách và giải quyết việc làm cho nhân dân trong tỉnh.

Xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới nhanh chóng

Sau 25 năm tái lập, hệ thống cơ cở hạ tầng thiết yếu của tỉnh đặc biệt là hệ thống giao thông, thuỷ lợi và thông tin liên lạc đã được cải thiện một cách rõ rệt. Nhiều lĩnh vực hạ tầng vượt trội so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận.

Các tuyến đường quốc lộ đều được nhựa hóa 100%; tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua tỉnh với 3 điểm lên xuống đã và đang là điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh phía Bắc và vùng đồng bằng Sông Hồng. Các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ đều được cứng hóa 100% và các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm huyện đều được mở rộng, cải tạo nâng cấp. Các tuyến giao thông nông thôn năm 1997 mới cứng hoá đạt 2,6% đến nay đã kiên cố hóa đạt 95% và giao thông nội đồng cứng hóa đạt 65%. Các tuyến giao thông quan trọng được hình thành, nâng cấp và mở rộng như: Đường từ cầu Bì La đi Lập Thạch; Đường Hợp Thịnh - Đạo Tú; Hợp Châu - Đồng Tĩnh; Văn Quán đi Sông Lô; Tây Thiên - Tam Sơn; Đường nối từ Đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh đi Tây Thiên; Đường Tây Thiên - Bến Tắm; Đường vành đai 3; Đường QL2 đi cầu Phú Hậu;… Các tuyến đường hướng tâm cơ bản đã hoàn thành. Ngoài ra, hệ thống giao thông tĩnh như các bến xe, điểm đỗ xe buýt được đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển.

Hạ tầng cung cấp điện thường xuyên được đầu tư nâng cấp, 100% số xã đạt tiêu chí số 4 về điện theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các công trình cấp nước sạch được quan tâm đầu tư, qua đó nâng tỷ lệ dân cư đô thị loại IV trở lên được cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 92% vào năm 2021. Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải từng nước được quan tâm đầu tư; nhiều tuyến kênh tiêu đã được đầu tư nạo vét; triển khai đầu tư, cải tạo hệ thống rãnh thoát nước thải khu vực nông thôn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng đã kiên cố hóa 100% kênh loại I, II và 98% kênh loại III,....

Hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư từng bước hoàn thiện. Toàn tỉnh đã có gần 30 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II giữ vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của tỉnh; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III và các đô thị khác thuộc các huyện; tỷ lệ dân số đô thị khoảng 46%; nhiều dự án lớn, trọng điểm không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân mà còn tạo điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị Vĩnh Phúc như: Công viên Quảng trường Hồ Chí Minh; Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Sản-Nhi Vĩnh Phúc; khu công viên giải trí thành phố Vĩnh Yên; khu công viên cây xanh các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc; nâng cấp, sửa chữa hạ tầng các khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải; đường giao thông kết hợp đê ngăn nước Đầm Vạc; cầu Đầm Vạc; hệ thống chiếu sáng Quốc lộ 2B…

Về xây dựng nông thôn mới được chú trọng và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh đã sớm hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới từ năm 2011; huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức và người dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 36 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 6/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 20-22 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm OCOP.

Thu hút đầu tư các lĩnh vực sản xuất kinh doanh

Sản xuất công nghiệp, với chủ trương lấy công nghiệp làm nền tảng, những năm qua, tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Do đó, số lượng khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, thời điểm tái lập tỉnh mới chỉ có 1 khu công nghiệp Kim Hoa với quy mô 50ha; ước đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 14 KCN đã thành lập, được quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có 8 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê, đăng ký thuê 893,47 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 50,72%. Cơ bản các KCN đã đi vào hoạt động có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư như: Khu công nghiệp Bá Thiện, Bá Thiện II, Bình Xuyên II, Thăng Long Vĩnh Phúc... Tỉnh đã thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư sản xuất những sản phẩm chủ lực, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, như: Tập đoàn Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio, Deawoo bus, tập đoàn Prime, thép Việt Đức, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử... quy mô giá trị tăng thêm theo giá hiện hành năm 2020 ngành công nghiệp của tỉnh đứng thứ 15 cả nước, chiếm tỷ trọng 2% giá trị công nghiệp cả nước.

Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được quan tâm đầu tư phát triển. Nhiều làng nghề truyền thống đã khẳng định được vị thế trên thị trường như: Làng nghề rắn Vĩnh Sơn; làng nghề đá Hải Lựu; các làng nghề mộc ở Thanh Lãng, Bích Chu, Thủ Độ; làng nghề mây tre đan Cao Phong... Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động ở nông thôn, chuyển từ lao động nông nghiệp sang làm nghề với mức thu nhập tăng cao.

Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn được quan tâm, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách đi tiên phong trong cả nước, điển hình là việc ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 01/11/2002 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2001- 2005 và Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 27-12-2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020. Sản xuất nông nghiệp ngày càng đa dạng về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức. Loại hình sản xuất quy mô vừa và lớn dần được hình thành, kinh tế trang trại sản xuất hàng hóa, đặc biệt là trang trại chăn nuôi, thủy sản bắt đầu phát triển. Chăn nuôi đã thực sự trở thành mũi nhọn, đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn được hình thành và gieo trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Tỉnh đã xây dựng được thương hiệu một số sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Thanh long ruột đỏ, ớt quả, dưa chuột, su su, chuối tiêu hồng, Trà hoa vàng, Cát sâm, Hà thủ ô đỏ, Ba kích... Ước giá trị sản xuất toàn ngành năm 2021 (theo giá so sánh 2010) đạt 10,9 nghìn tỷ đồng. Công tác dồn thửa đổi ruộng được thực hiện thí điểm tại 02 xã Ngũ Kiên, Cao Đại của huyện Vĩnh Tường và đang triển khai kế hoạch nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng các lĩnh vực dịch vụ

Chất lượng các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên. Kinh doanh thương mại phát triển mạnh với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế theo hướng hiện đại, văn minh kết hợp với hình thức truyền thống. Một số trung tâm thương mại, siêu thị lớn như BigC, CorpMart... được hình thành và hoạt động trên địa bàn tỉnh. Hệ thống các cửa hàng tiện lợi kinh doanh theo phương thức hiện đại được phát triển ở nhiều khu vực dân cư. Chợ truyền thống được cải tạo, nâng cấp và duy trì hoạt động. Hệ thống nhà hàng, khách sạn được đầu tư, nâng cấp ngày càng hiện đại và tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của khách trong và ngoài nước. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 88 khách sạn 3 sao và nhiều cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn. Hạ tầng du lịch nhất là ở các khu du lịch trọng điểm như: Tam Đảo, Khu danh thắng Tây Thiên, Đại Lải,… được đầu tư, nâng cấp. Các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lễ hội tâm linh, du lịch cộng đồng (homestay), du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo (du lịch MICE), du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch nông thôn,… đã và đang được phát triển. Một số tour, tuyến du lịch mới như: Tour một ngày chinh phục 3 đỉnh Tam Đảo, tour du lịch Con đường Tâm Linh, tuyến du lịch Thanh Lanh Ngọc Bội - Thác Bản Long, Tuyến Vân Trục - Bò Lạc - Sáng Sơn, khu sinh thái vườn cò Hải Lựu,… được đưa vào khai thác và thu hút được đông đảo sự lựa chọn của du khách. Lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh tăng đáng kể, năm 1997 toàn tỉnh đón 45 nghìn lượt khách (trong đó khách quốc tế 2,5 nghìn lượt, khách nội địa 42,5 nghìn lượt) đến năm 2021 tổng lượt khách ước đạt khoảng 2,0 triệu (trong đó khách quốc tế là 23,75 nghìn lượt).

Hoạt động bưu chính - viễn thông tiếp tục phát triển nhanh, chất lượng ngày càng tốt, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ viễn thông, Internet, thuê kênh… Mạng điện thoại cố định đã phủ tới 100% các xã, thôn. Đến nay, 100% thuê bao Internet trên địa bàn tỉnh là Internet băng rộng. Mạng thông tin di động 3G, 4G đã được phủ sóng tại các địa bàn các khu dân cư trên địa bàn tỉnh; đặc biệt, Vĩnh Phúc là một trong 9 địa phươngtrên cả nước được phủ sóng 5G.

Duy Phong

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất