“Mẹ ru cái lẽ ở đời. Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn. Bà ru mẹ… mẹ ru con. Liệu mai sau các con còn nhớ chăng”. Nỗi niềm đau đáu ấy của nhà thơ Nguyễn Duy cũng là nỗi niềm của nhiều thế hệ người Việt để làm sao câu hát ru không mai một, để lời ru ngày càng ăn sâu, bám rễ vào cuộc sống. Đó là bản sắc, là hồn cốt dân tộc Việt.
Món quà của cuộc sống
Theo một số nghiên cứu xã hội và khoa học, lời ru truyền thống được lấy từ những câu đồng dao, ca dao, dân ca được đúc kết từ ngàn đời, dung dị, mộc mạc mà ý nhị, sâu sắc. Lời ru có tác dụng đưa trẻ thơ vào giấc ngủ nhẹ nhàng đầy tin tưởng.
Theo giáo sư Trần Văn Khê, lời ru của mẹ đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời răn dạy của lời ru và tất thảy tình thương, trách nhiệm của người lớn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người từ khi cất tiếng chào đời.
Mỗi vùng miền có phong cách, lối hát ru khác nhau nhưng có đặc điểm chung là nhẹ nhàng, sâu lắng. Không chỉ giúp trẻ đi vào giấc ngủ, mà bất cứ khi trẻ làm gì, người lớn đang làm cũng có thể cất giọng hát ru. Lời ru tác động đến thần kinh, tạo thói quen, khơi dậy tiềm năng tình cảm, đọng lại trong sâu thẳm trái tim, hỗ trợ phát triển trí tuệ ngay từ ban đầu cho sự hình thành nhân cách.
Lời ru đâu rồi!?
Bà Nguyễn Thị Nụ, 60 tuổi, một giáo viên nghỉ hưu ở khu Liên Thịnh, xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang có hai cháu ngoại đang tuổi cần ru rín. Bà dành tất cả vốn liếng hát ru quen thuộc từ nhỏ trên quê lúa Thái Bình để hát ru các cháu ngoại. Các con gái, con rể của bà cũng biết hát lỗ mỗ nhưng chẳng có nhiều thời gian ru con ngủ. Trao đổi với chúng tôi, bà cho hay “Trẻ em ngày nay thật thiệt thòi. Ít có trẻ được người lớn ru ngủ. Chúng thường phải tự ngủ hoặc được nghe hát ru từ băng đĩa. Thậm chí, nhiều cháu nhỏ phải nghe dọa nạt, quát mắng từ lúc còn trong nôi, bị phát cho khóc mệt rồi ngủ…”.
Nếu như trước kia, lời ru được cất lên bên mái tranh, sau lũy tre làng, giữa trưa hè hay đêm đông là điều hết sức phổ biến thì ngày nay lời ru là của quý hiếm trong cuộc sống. Khó có thể tìm được một lời ru con nơi phố thị. Nhiều bà mẹ, ông bố trẻ quan niệm phải hát hay mới ru con. Điều đó không đúng, bởi giọng ru thể hiện ở câu thơ, sắc thái tình cảm, có tình thương, sự chăm bẵm, đượm nồng mồ hôi của người lớn mà trẻ có thể cảm nhận được, trẻ sẽ có thói quen bén bện hơi hướng máu mủ ruột rà.
Một số loại hình văn hóa dân gian như ca dao, đồng dao; một số nhạc cụ truyền thống như đàn bầu, sáo, nhị cũng đã mai một hẳn trong cuộc sống thường ngày. Nếu như trước kia, đó là những công cụ âm nhạc dân dã quen thuộc thường thấy thì nay khó có thể tìm được người dân thường chơi các loại nhạc cụ trên. Vì thế, khi làng quê không còn lũy tre, bê tông kiên cố thì dường như cũng đồng nghĩa vắng lời hát ru. Hát ru chỉ còn trên sân khấu, hội thi, các băng đĩa nhạc của nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Nhịp sống hiện đại diễn ra hối hả cùng nhiều loại hình văn hóa giải trí hiện đại. Nhiều ca khúc mới đương đại nổi đình đám nhưng nghe một lần rồi trôi tuột đi. Lối sống hiện đại làm con người ít có điều kiện thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Cáu giận, tâm tính hay bức xúc, nóng nảy thường thấy ở tất cả các đối tượng, trong đó không ngoại trừ phụ nữ và trẻ em. Điều đó làm sâu sắc thêm hệ lụy tất yếu cho xã hội là nạn bạo hành gia tăng, tình trạng ly hôn, bất hiếu, cha mẹ chối bỏ con cái, trẻ em phạm tội… cũng gia tăng. Nhịp sống thường ngày ở nhiều khu dân cư đã mất hẳn tiếng ru êm đềm, thư thái mà thấm đẫm hồn dân tộc.
Đánh thức lời ru
Giáo sư Trần Văn Khê từng chia sẻ: “Đối với trẻ con, cái gì êm ái là chúng ngủ được. Nhưng trẻ con từ nhỏ đến lớn chỉ có lời ru là đi vào tâm thức của chúng. Có nơi người mẹ ru con bằng ca dao, mà ca dao là lời ca trong dân gian và được truyền cho tới ngày nay, là điệu nhạc dân tộc của Việt Nam có thể thấm vào tâm trí của trẻ em”.
Lời ru cho đến nay chưa thể mất, nhưng theo chúng tôi lời ru đang bị khuất lấp trong cuộc sống bề bộn, cần phải đánh thức bằng những biện pháp cụ thể. Biện pháp phổ biến nhất, đó là tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các thế hệ người dân về ý nghĩa, tác dụng, thực trạng mai một và sự cần thiết bảo tồn, phát huy lời ru hiện nay. Liên hoan hát ru và dân ca từ trước đến nay diễn ra ở khá nhiều địa phương, tổ chức, ban ngành. Ở hầu hết các cuộc liên hoan này, chất lượng hát ru, dân ca đều ở tầm hoạt động nghệ thuật, ấn tượng và thu hút đủ các giới, lứa tuổi tham gia. Các hoạt động ấy đều tạo điểm nhấn cho phong trào quần chúng hát ru. Phong trào này đã được khuấy động ở nhiều địa phương nhưng mới chỉ dừng lại trên sân khấu mà chưa được phổ biến thường xuyên trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, cần có nhiều “cú hích” khác, chẳng hạn hỗ trợ duy trì, tổ chức các câu lạc bộ hát ru, dân ca ở từng làng bản, khu phố dạy trẻ nhỏ các đối tượng hát ru; vận động, khuyến khích sáng tác hát ru lời mới, mở diễn đàn khôi phục phong trào hát ru trong các giới. Các trung tâm văn hóa thanh thiếu nhi cũng nghiên cứu để sưu tầm, phổ biến, lưu truyền các câu đồng dao, ca dao vốn rất gần với phong cách hát ru, để làm cốt cho lời ru… như thế mới hy vọng góp phần hạn chế sự mai một của lời ru trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.
(Đào Đức Hanh/QĐND)