Thứ Năm, 21/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Năm, 11/2/2021 12:30'(GMT+7)

Thầy nhà hiền triết, một đứa bé

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Câu chuyện như sau:

Khi nhà hiền triết Hasan sắp qua đời, có một người hỏi ông: “Thưa Hasan ai là Thầy của Ngài?”

Hasan đáp: “Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi của các vị ấy, hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại quá trễ vì thời gian của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy của ta...”

Ba người thầy ấy, theo Hasan, người thầy đầu tiên là một tên trộm. Người thầy thứ hai là một con chó. Người thầy thứ ba là một đứa bé. 

Trời! Nhà hiền triết nói gì lạ vậy? Nhưng khi đọc về ba ông thầy Hasan kể, tôi thấy vị nào cũng đưa lại cho ông một bài học quý. Tôi chọn vị thứ nhất “một tên trộm” để giới thiệu, bởi câu chuyện có liên quan đến “niềm tin”.

Hasan kể: Có một lần ta đi lạc trong sa mạc, khi ta tìm đến một khu làng thì trời đã rất khuya, mọi người đều đi ngủ cả. Nhưng cuối cùng ta cũng tìm thấy một người, ông ta đang khoét vách một căn nhà trong làng. Ta hỏi ông ta xem có thể tá túc ở đâu, ông ta trả lời: “Khuya khoắt thế này khó tìm chỗ nghỉ chân, ông có thể đến chỗ tôi nếu không ngại ở chung với một tên trộm”. Ta đã nán lại đó hẳn một tháng.Cứ mỗi đêm ông ta lại bảo: “Tôi đi làm đây”. Mỗi khi ông ta trở về ông lại nói: “Ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ”. Ta chưa bao giờ thấy ông ta trong tình trạng tuyệt vọng. 

Có lần ta đã suy nghĩ trong nhiều năm ròng để rồi không ngộ ra được một chân lý nào. Ta đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, tuyệt vọng đến nỗi ta nghĩ rằng mình phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa này. Ngay sau đó, ta chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hàng đêm đã quả quyết: “Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ”. 

Không được đánh mất niềm tin. Đừng bao giờ tuyệt vọng. Đó là thông điệp Hasan nhận được từ tên trộm. 

Câu chuyện chỉ có thế. Không hiểu sao, khi bài báo được đăng, lại có thêm một câu: “Mỗi khi ông ta trở về, ta lại hỏi: Đêm qua có trộm được gì không?”. Thế là từ một triết lý sống, câu chuyện trở nên dung tục. Thánh gì mà quan tâm đến của trộm?

Tết năm sau, để “giải oan” phần nào cho câu chuyện bị sửa Tết trước, tôi kể tiếp câu chuyện người thầy thứ hai của Hasan: một con chó. Ông kể:

“Khi ta ra bờ sông uống nước, có một con chó xuất hiện. Nó cũng khát nước. Nhưng khi nhìn xuống dòng sông, nó thấy cái bóng của mình, lại tưởng đó là một con chó khác. Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy. Nhưng rồi khát quá nó bèn trở lại. Cuối cùng, mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống sông và cái bóng biến mất. Ta hiểu đây là một thông điệp đã được gửi đến cho ta: “Con người phải biết chiến thắng nỗi sợ trong lòng bằng hành động”.

Về người thầy thứ ba, một đứa bé, Hasan kể: Ta đến một thành phố nọ và thấy một đứa bé trên tay cầm một cây nến đã thắp sáng để đặt trong đền thờ. Ta hỏi đứa bé: “Con tự thắp cây nến này phải không?”. Đứa bé đáp: “Thưa phải”. Đoạn ta hỏi: “Lúc nãy, nến chưa thắp sáng, chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy con có biết ánh sáng từ đâu đến không?”. Đứa bé cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: “Người thấy ánh sáng đã biến mất, vậy Ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?”. Cái tôi ngạo nghễ của ta sụp đổ, pho kiến thức kim cổ của ta cũng sụp đổ theo. Lúc ấy ta nghiệm ra sự dốt nát của bản thân. Và từ đó, ta vất đi tất cả những kiêu hãnh về kiến thức của mình”. 

Kết thúc câu chuyện, nhà hiền triết nói: “Ta không có chỉ một người thầy vì ta có hàng triệu, hàng triệu người thầy mà ta đã học được mỗi khi có thể. Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một học trò”.

Lời bàn thêm:

Tri thức của loài người là vô tận. Tri thức của một người có hạn. Không ai chỉ làm Thầy mà không biết làm trò.

Bác Hồ là người Thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam nhưng Bác luôn coi cuộc sống, thực tiễn đấu tranh và quần chúng nhân dân là thầy học của mình. Bác đã học và căn dặn cán bộ, đảng viên phải tôn trọng và “học hỏi” quần chúng. Bác tìm thấy trong mỗi anh hùng, chiến sỹ thi đua, mỗi tấm gương người tốt việc tốt một bài học quý. Bác viết và nêu lên những tấm gương ấy để mọi người cùng học tập.

Từ một câu nói dân gian vùng Nghệ Tĩnh:Dễ mười lần không dân cũng chịu/Khó trăm lần dân liệu cũng xongBác lấy đó làm bài học cho cán bộ, đảng viên về công tác vận động quần chúng của Đảng. Có dân là có tất cả. Mất dân là mất hết chẳng còn gì.

Tiếc thay, trong hàng ngũ cán bộ của chúng ta, có những người chỉ biết dạy mà không biết học. Chỉ biết phán truyền mà không biết lắng nghe. Chỉ thấy mình giỏi mà không thấy người khác giỏi.

Bỗng nhớ lại câu chuyện xưa: Khổng Tử nhàn du. Thấy một cậu bé lên bảy tên Hạng Thác đang nhìn trời, liền hỏi: “Cháu có đếm được trên trời có bao nhiêu vì sao không?”.

Cậu bé thưa: “Ngài có đếm được trên đôi lông mày của mình có mấy sợi lông không?”

Khổng Tử bất ngờ.

Hạng Thác lại thưa: Xin Ngài cho biết tại sao chim nhạn kêu to?

Đáp: Vì cổ nó dài

Vậy con ếch cổ ngắn sao vẫn kêu to?

Trời sinh ra thế!

Khổng Tử nhìn trời: Trẻ con ta thật là đại trí!

Thì ra vị Đại Phu tử, người sáng lập Nho giáo để dạy thiên hạ cũng đã tìm thấy từ một em bé bài học nhớ đời./.

Tết Tân Sửu 2021

Hà Đăng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất