Trước khi chương trình chính thức lên sóng VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam, gần 4000 lưu học sinh Nga có mặt tại Trung tâm hội nghị quốc gia để tham dự chương trình giao lưu "Thầy - trò ngày gặp lại" đã có dịp cùng nhau ngắm nhìn những không gian Nga, những khoảnh khắc tình cảm Việt Nam - Liên Xô và cả những vật đặc trưng rất Nga... thông qua khu triển lãm và trưng bày bên ngoài sân khấu chính...
20h05: Chương trình lên sóng bằng một phóng sự gợi nhớ về những năm tháng quá khứ của nước Nga. Phóng sự như một món quà thật đặc biệt với những ai đã từng có thời gian học tập tại Liên Xô cũ và có ước mơ được một lần trở lại với xứ sở bạch dương.
"Nước Nga, tổ quốc tôi" - ca khúc làm không ít những người có mặt tại hội trường buổi giao lưu cảm thấy bồi hồi, tiếp nối chương trình qua giọng ca của Đăng Dương- Trọng Tấn- Việt Hoàn và tốp nữ.
20h15, BTV Diễm Quỳnh cùng MC Thanh Bạch xuất hiện trên sân khấu tự nhiên và thật đặc biệt. MC Thanh Bạch vốn là lưu học sinh tại Nga đã làm sôi động sân khấu bằng giai điệu của ca khúc Nụ cười và gửi tới những lời chào bằng tiếng Nga.
"Thầy - trò ngày gặp lại" được Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện với mong muốn làm cầu nối để những lưu học sinh có thêm cơ hội chia sẻ những tình cảm, câu chuyện của mình về các thày cô giáo Nga đã từng dạy dỗ và dành cho họ biết bao tình cảm nồng ấm.
20h20: Sự xuất hiện bất ngờ của đoàn đại biểu các thầy, cô giáo đến từ nước Nga được toàn thể các lưu học sinh Nga và khán giả có mặt trong hội trường buổi giao lưu đứng dậy chào đón bằng những tràng pháo tay vang dội.
Những tràng pháo tay nồng nhiệt yêu thương của những người học trò dành cho thầy cô của mình như không ngớt...
Sân khấu giao lưu gợi làm gợi lại kí ức của nhiều người với ca khúc "Ở trường cô dạy em thế" - ca khúc nhạc Nga, lời Việt rất quen thuộc với khán giả biết và không biết tiếng Nga tại Việt Nam.
Trở lại sân khấu, BTV Diễm Quỳnh chia sẻ những thông tin về những khóa học đầu tiên của lưu học sinh Việt Nam tại Liên bang Xô Viết: "Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, hoà bình lập lại ở miền Bắc, tháng 10/1954, Bác Hồ cử 3 đoàn lưu học sinh Việt Nam sang Matxcova học tập, đào tạo nhân tài (100 sinh viên vào các trường ĐH, 100 người học cao đẳng tiếng Nga, đoàn 100 thiếu nhi vào trường Internat)
20h35: Câu chuyện bà bảo mẫu Nina Anatolievna Iratova của 100 thiếu nhi đầu tiên lên sóng. Cô là người đã từng dạy dỗ 100 thiếu nhi đầu tiên sang Nga năm 1954. Câu chuyện của người phụ nữ Nga hồn hậu có tới cả trăm đứa con Việt về những ngày đầu tiên đón các em nhỏ Việt Nam, những ấn tượng đầu tiên của cô về các học trò nhỏ đã khiến cho những "người con" đang có mặt trong sân khấu giao lưu của cô vô cùng xúc động. Cô Chí Linh, thay mặt cho những "người con" của cô Nina đã chia sẻ những cảm xúc của mình. Đặc biệt, cuốn sách kỉ vật mà cô Chí Linh chia sẻ tại buổi giao lưu đã khiến khán giả mường tượng rõ hơn về một thời đầy kỉ niệm...
BTV Kim Ngân xuất hiện bên cạnh một thầy giáo Nga đã vượt hơn 10.000km để tới với Hà Nội cùng những học trò của thầy. Đó là giáo sư Sivokobulenko Vitali Phedorovic - Trường Tổng hợp kỹ thuật Donhet.
Giáo sư Sivokobulenko Vitali Phedorovic chính là thầy giáo của Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Giáo sư đã chia sẻ những câu chuyện và kỉ vật rất thú vị liên quan đến người học trò mà thầy yêu mến: những bức ảnh, bức tranh về Việt Nam, những bức ảnh về những học trò của thầy trong đó có hình ảnh thời thanh niên sôi nổi của Nguyên Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An.
20h45, sân khấu giao lưu đón nhận một màn biểu diễn thật đặc biệt từ nghệ sĩ công huân Nga đã có mặt tại Hà Nội để chào mừng cuộc gặp mặt đặc biệt Thầy - trò Xô Việt.
20h50: Chương trình giao lưu được tiếp tục với sự xuất hiện của một lưu học sinh Nga vốn không còn xa lạ với nhiều khán giả truyền hình Việt Nam - BTV Thu Hằng. Là người đã trực tiếp sang Nga và tìm lại các thầy cô, BTV Thu Hằng trở thành cầu nối giúp khán giả gặp gỡ với hai cô giáo Sophia và Emma. Hai cô giáo đã rất lớn tuổi là người đã dìu dắt nhóm 100 người học cao đẳng tiếng Nga, là thiếu sinh quân đang học ở Trung Quốc được đưa sang Liên Xô cùng đoàn 100 thiếu nhi… về sau nhiều người học lên và rất thành đạt. Sự xuất hiện của hai cô giáo trong bộ áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam - chính là quà tặng của học trò các cô càng làm buổi giao lưu thêm ý nghĩa.
Hai cô đã từng sang Việt Nam năm 2007, lần này nhất quyết sang Việt Nam lần nữa với mong muốn được tổ chức một buổi đọc thơ và ở chơi nhà học trò. Hai cô đã bày tỏ niềm hạnh phúc được gặp lại những học trò và được học trò chào đón rất nồng hậu và chu đáo.
Là học trò của hai cô, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã rất xúc động và kể lại những kí ức ngày xưa đầy xúc động: "Theo nghĩa đen, cô đã dắt tay tôi vào thế giới mênh mông của tiếng Nga... Không từ điển, không sách giáo khoa... cô đã dắt tay chúng tôi đi quanh lớp để dạy... Cô cũng cầm tay dắt chúng tôi vào thế giới văn hoá phong phú của nước Nga. Qua cô, chúng tôi đã biết Puskin, Lev Tolstoi... biết thế nào là Tâm hồn Nga. Tâm hồn Nga đã đồng hành với chúng tôi suốt cả cuộc đời, đóng góp, xây dựng đất nước...".
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng rất xúc động chia sẻ về những suy nghĩ và cảm xúc của ông về cuộc đoàn tụ đặc biệt này.
21h10: Cô giáo Sophia và Emma cùng những học trò của mình thể hiện ca khúc Làng Tôi của nhạc sĩ Văn Cao bằng tiếng Nga và tiếng Việt.
21h15: Cả hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia trở nên sôi động khi những lưu học sinh Nga tại từng thành phố của Liên bang Nga lần lượt xuất hiện "chào khán giả"...
21h26: Những hình ảnh về trường Đại học Kharcov xuất hiện trên màn hình lớn của buổi giao lưu. Hình ảnh giáo sư, tiến sĩ
Trervanhiov Igor Grigorevic - trường Đại học tổng hợp Kharcov kể về thành tích những học trò Việt Nam của mình, hình ảnh ông lưu giữ những cái tên, địa chỉ của các học trò của mình khiến không ít người bồi hồi...
21h30: cuộc giao lưu trực tiếp cùng GS.TS Trervanhiov Igor Grigorevic với BTV Kim Ngân và những người học trò mà thầy mong mỏi tìm kiếm ngay tại sân khấu ở Hà Nội mang tới thật nhiều thông tin thú vị về sự gắn bó mật thiết của những người thầy Liên Xô và những học trò Việt Nam trong học tập, nghiên cứu, dù là cách đây 50 năm hay tới bây giờ...
Tiếp đó, nghệ sĩ Ngọc Khang - một lưu học sinh tại Nga biểu diễn ca khúc Nhựa bạch dương bằng hai thứ tiếng Nga - Việt trên sân khấu của buổi giao lưu.
21h45: "Thầy - trò ngày gặp lại" tiếp nối với phần giao lưu trên sân khấu cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Nhà thơ của "Góc sân và khoảng trời" đã chia sẻ về những năm tháng học tại Nga và ấn tượng về nước Nga, con người Nga. Người lưu học sinh Nga nổi tiếng này khẳng định anh không bao giờ có thể quên và có thể kể rõ từng không gian ngôi trường anh học tại Nga...
Và, những hình ảnh mà BTV Kim Ngân đã ghi lại trong chuyến công tác tại Nga về ngôi trường của nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng hình ảnh cô giáo Nina thân thương của anh, những lời nhắn gửi của cô dành cho anh về một cuộc gặp mặt tại Nga đã khiến "thần đồng thơ" không kìm được nước mắt.
Trong giây phút xúc động, anh phát biểu: "Cảm ơn các bạn Đài THVN đã giúp cho ước mơ của tôi trở thành hiện thực... Nhưng phải chăng đoạn băng mới chỉ là hạt dẻ đầu tiên và có thể các bạn sẽ mang cho tôi hạt dẻ thứ hai là cô ở đâu đó bước ra..."
Thật tiếc, người học trò chưa có dịp trở lại nước Nga không thể gặp cô giáo của mình tại Hà Nội lần này vì sức khoẻ cô không cho phép. Từ "cõi nhớ", nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ về cô giáo dạy tiếng Nga- người mà anh gọi là "bà già yêu quí", là "nhà văn hoá tuyệt vời của nước Nga" - những lời chia sẻ khiến cả hội trường xúc động và vỗ tay không ngớt... Đặc biệt, nhiều người tham dự chương trình đã khóc khi nghe anh đọc thơ - những vần thơ Việt về tình cảm Liên Xô - Việt Nam khăng khít.
Nào nâng cốc xin mừng bạn
Vụ nho này lại được mùa
Bão tuyết chỉ còn gầm thét
... Nào nâng cốc mừng quê tôi
Trời yên bể cũng yên rồi...
22h05: Thêm một câu chuyện xúc động về một cô giáo Nga với 19 nữ học sinh Việt Nam. Đó là câu chuyện của cô giáo Zubes Doia Petrovna - giáo viên tiếng Nga đã nghỉ hưu hiện đang sống ở Donhet, Ukraine.
Theo ghi nhận từ phóng sự của nhóm phóng viên Đài THVN trong chuyến công tác tại Nga thời gian qua, hiện, trong nhà cô giáo Zubes vẫn còn treo những đồ lưu niệm của các sinh viên của mình. Trong câu chuyện khi nhắc về sinh viên Việt Nam và đặc biệt khi xem băng mà các nữ học sinh gửi sang thăm hỏi cô giáo, cô giáo và chồng đã nhiều lần khóc.
Trong khi cuộc giao lưu giữa MC Thanh Bạch và đại diện các nữ sinh của cô Zubes đang diễn ra, khán giả đang say sưa với những câu chuyện chưa từng kể về kỉ niệm với cô giáo thì sự xuất hiện bất ngờ của cô cùng MC Kim Ngân trên sân khấu đã khiến nhóm nữ sinh của cô như vỡ oà hạnh phúc. Họ đã ào lên gặp và ôm chầm lấy cô giáo. Cuộc hội ngộ đầy xúc động diễn ra ngay trên sân khấu "Thầy - trò ngày gặp lại"... chỉ như một sự khởi đầu cho niềm hạnh phúc của cô trò đầy kỉ niệm...
Ca sĩ trẻ Ngọc Anh chúc mừng cho cuộc gặp gỡ của cô giáo và 19 học sinh Việt của mình bằng ca khúc Chào mẹ.
22h18: Một đoạn phóng sự được thực hiện tại nước Nga tiếp tục chương trình. BTV Thu Hằng đã tìm lại các thầy cô Khoa báo chí trường MGU và ghi lại hình ảnh các thầy nhận mặt những người học trò cũ của mình thông qua những bức ảnh. Có những người các thầy cô nhận ra và có những người các thầy cô không thể ngay lập tức nhớ tên nhưng đều rất vui mừng trước sự thành đạt của các học trò mình. Các thầy nở nụ cười hạnh phúc khi được cho biết những trọng trách lớn lao mà học trò của các thầy cô như ông Đinh Thế Huynh - Uỷ viên TƯ Đảng, TBT báo Nhân dân, ông Đỗ Quý Doãn - Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, TS Trần Đăng Tuấn - Phó Tổng giám đốc Đài THVN...
Cuộc giao lưu ngắn ngủi sau đó giữa người thầy đáng kính Iasin mới có mặt tại Hà Nội sáng 17/1 với học trò Khoa Báo chí của ông đã mang đến cho khán giả những cảm nhận mới về mối quan hệ thầy trò. Sự yêu kính thầy giáo mình, niềm tự hào về thầy giáo mình đã biến thành những động lực để trưởng thành, phát triển và làm nghề - đó là những điều có thể nhận thấy qua chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Đỗ Quý Doãn.
22h32: Phóng sự về cuộc đoàn tụ thầy trò Xô - Việt tại Hà Nội khi những nhóm học sinh ở những ngành nghề khác đã chủ động mời thầy cô giáo của mình về Việt Nam để cùng tham dự chương trình Thầy trò ngày gặp lại.
Hội trường cũng dành những tràng pháo tay nhiệt liệt để chào đón sự xuất hiện của nhiều thầy cô từ nước Nga xa xôi đã đến theo lời mời của học trò tại buổi giao lưu.
22h40: Câu chuyện đặc biệt về tình thầy trò Xô Việt - đó là câu chuyện của anh Thuận - một học sinh tại Nga đã trở thành một người con trong chính gia đình của thầy giáo mình.
22h49: Sự xuất hiện của cặp đôi nghệ sĩ múa Đặng Hùng - Vương Linh mang đến cho khán giả một câu chuyện khác về sự gắn bó của những học trò Việt Nam với các thầy cô giáo Nga. Cặp đôi nghệ sĩ múa nổi tiếng này đã cùng học tập và xây tổ ấm tại đất nước Nga. Nghệ sĩ múa trẻ Linh Nga - con gái của họ cũng được sinh ra trên nước Nga và cái tên đẹp của cô chính là điều mà họ ghi dấu về một thời mãi mãi không thể quên của họ.
Vì thầy giáo của họ không sang Việt Nam được do bị ngã nên thầy chỉ có thể thông qua phóng viên THVN gửi lời tới hai học trò của mình. Đặng Hùng - Vương Linh cũng dành cho thầy mình những lời cảm ơn đầy xúc động bằng tiếng Nga trên sân khấu Thầy - trò ngày gặp lại.
Nhà giáo Nhiculin, người đã có những tình cảm đặc biệt dành cho đất nước và con người Việt Nam là người có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của văn học Việt Nam, nghiên cứu văn học Việt Nam và đưa văn học Việt Nam đến với nước Nga.
Câu chuyện về người thầy Xô Viết đáng kính qua lời kể của học trò ông và con gái ông - người cũng có mặt trong buổi giao lưu đem đến những thông tin thật sâu sắc về tình cảm của thầy với Việt Nam. Theo chia sẻ của con gái nhà giáo Nhiculin, bố mẹ cô ở nhà thường xuyên nói tiếng Việt những khi muốn giấu các con việc gì đó, họ cũng thường xuyên đón tiếp các học sinh Việt Nam và đặc biệt, với sự gắn bó với Việt Nam, mẹ cô có nguyện vọng được chôn tại Việt Nam.
Giai điệu của Kalinka vang lên trên sân khấu buổi giao lưu với phần biểu diễn của hai nghệ sĩ đến từ nước Nga và phần múa ngẫu hứng của gia đình nghệ sĩ Đặng Hùng - Vương Linh.
23h12: Không chỉ có những ngành khoa học tự nhiên, nước Nga đã giúp đào tạo nên nhiều thế hệ nghệ sĩ danh tiếng cho nền nghệ thuật Việt Nam. BTV Diễm Quỳnh trở lại cùng phần giao lưu với nghệ sĩ Công Nhạc - Nguyên Giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch VN, Phó tổng thư ký Hội nghệ sỹ múa Việt Nam, nghệ sĩ Hồng Ngát và nghệ sĩ Bùi Công Duy.
23h25: Câu chuyện về GS Valeri Bilianovic Kurbanov - thầy của hai người đạo diễn nổi tiếng Lê Chức và Tú Mai mang đến những cảm nhận sâu sắc về tình thầy. Thầy trò họ vẫn trao đổi thường xuyên qua điện thoại trong nhiều năm qua. Thế nhưng, thật đáng tiếc, sau khi thực hiện phỏng vấn của đài THVN về cuộc gặp gỡ này, vì tuổi cao, sức yếu thầy đã qua đời...
Đạo diễn Tú Mai đã không cầm được nước mắt trước thông tin về sự ra đi của thầy nhưng nhấn mạnh rằng thầy vẫn luôn cùng bà làm nghề và trong chặng đường cống hiến cho nghệ thuật nước nhà... MC Thanh Bạch trao lại cho bà Tú Mai đĩa ghi hình mà Đài THVN đã thực hiện - những hình ảnh tuyệt vời của thầy ngay trước cuộc giao lưu. Với đạo diễn Tú Mai đây thực sự là một món quà vô giá...
23h45: Chương trình tiếp tục với cuộc trò chuyện cùng các thầy cô giáo đã đào tạo những thế hệ học viên quân sự cho Việt Nam.
Những lời chia sẻ của cô Alla trong phóng sự được thực hiện tại St.Peterburg của Đài THVN giống như lời của những người thân trong gia đình dành cho nhau đã khiến không gian hội trường như lắng đọng sau hơn 3 tiếng thực hiện chương trình.
Cũng thật bất ngờ, những cậu bé của bà - theo cách gọi Alla đã chạy ùa về phía cánh gà sân khấu khi thoáng thấy sự xuất hiện trên sân khấu của bà.
Cuộc gặp gỡ trong nước mắt xen lẫn nụ cười của cô trò gần bằng tuổi hoà vào nhịp điệu ca khúc Thời thanh niên sôi nổi. Họ đã cùng nhau hát trên sân khấu của buổi giao lưu bằng tiếng Nga.
Tình thầy trò Xô Việt sẽ còn mãi và vẫn đang được các thế hệ học sinh VIệt Nam hôm nay tiếp nối, trân trọng. Điều này càng được khẳng định qua hai bài phát biểu ngắn gọn nhưng sâu sắc của hai ngài đại sứ Nga và Ukraine tại Việt Nam.
00h04: Các thầy cô giáo nhận kỉ niệm chương của chương trình. Cuộc giao lưu kéo dài 4 giờ đồng hồ kết thúc với những bó hoa ngập tràn sân khấu được các học trò Việt Nam dành tặng các thầy cô giáo và biết bao dấu ấn tốt đẹp.
Cuộc giao lưu đã thắt chặt thêm tình cảm của nhiều thế hệ người Việt Nam với đất nước Nga.
TH (theo VTV)