Thứ Sáu, 27/9/2024
Môi trường
Thứ Tư, 1/12/2010 20:54'(GMT+7)

Thế giới đang “nợ sinh thái”

Các nhà môi trường cảnh báo nước sông Hằng (tiểu lục địa Ấn Độ) bây giờ không thể dùng để ăn uống hay tắm giặt vì đã bị ô nhiễm.

Các nhà môi trường cảnh báo nước sông Hằng (tiểu lục địa Ấn Độ) bây giờ không thể dùng để ăn uống hay tắm giặt vì đã bị ô nhiễm.

Trái đất đang bị suy thoái với tốc độ nghiêm trọng trong khi nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của con người tăng vọt, cao hơn 50% so với khả năng Trái đất có thể chịu được. Theo Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), tính từ năm 1990 đến nay, mỗi năm thế giới mất đi mất 13 triệu ha rừng do nạn chặt phá rừng tràn lan. Diện tích rừng nguyên sinh hiện chỉ còn 36%, nhưng cũng đang bị đe dọa vì hàng năm có khoảng 6 triệu ha rừng có nguy cơ bị xóa sổ. Hiện có 76 nước trên thế giới không còn rừng nguyên sinh.

Chiếc giường gỗ giá 1 triệu USD

Áp lực tăng dân số, bất ổn chính trị, sự cướp bóc, khai thác gỗ, khoáng chất và đá quý đã khiến các nước châu Phi dường như bị xẻ nhỏ để dễ lợi dụng. Phát hiện mới đây của Cơ quan Điều tra môi trường và Nhân chứng toàn cầu (EIA) làm không ít người bàng hoàng khi có những chiếc giường được bán với giá 1 triệu USD tại Trung Quốc. Những chiếc giường này làm từ gỗ hồng sắc quý hiếm, loại gỗ chỉ có ở Công viên quốc gia Masoala của Madagascar.

Công viên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới nhưng nay cũng được xếp vào danh sách di sản gặp nguy hiểm. Nhu cầu về đồ gỗ tăng vọt của Trung Quốc, các nước châu Âu và tình trạng chính trị bất ổn ở Madagascar đã góp phần gia tăng tình trạng khai thác gỗ quý ở quốc đảo châu Phi này. Vì mối lợi khổng lồ: mua một cây gỗ hồng sắc chỉ với giá 10 USD nhưng xuất khẩu với giá vài ngàn USD, các tay lâm tặc đã phá rừng quốc gia này không thương tiếc.

Ngoài châu Phi, khai thác gỗ lậu còn gây tang thương cho các khu rừng sinh thái ở Mexico, Indonesia, vùng Amazone. Nếu như nạn phá rừng ở Mexico còn khiến đất đai bị xói mòn, dẫn đến tình trạng sa mạc hóa trên diện rộng, nạn phá rừng ở Indonesia còn gây thêm ô nhiễm môi trường đến các nước láng giềng vì những vụ cháy rừng do khai thác trong thời gian gần đây. Những quốc gia có tỷ lệ tàn phá rừng cao nhất thế giới hiện nay là Honduras (37%), Nigeria (36%), Philippines (32%), Benin (31%), Ghana (28%), Indonesia (26%)...

Theo thống kê, nhu cầu sử dụng gỗ bất hợp pháp hiện nay vẫn tiếp tục tăng cao, tập trung chủ yếu tại Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Hà Lan và đặc biệt Trung Quốc. Đáng chú ý hơn ở Trung Quốc, nơi được xem thị trường nhập khẩu và chế biến gỗ bất hợp pháp lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 98%.

Theo Tổ chức Nghiên cứu Chatham House, 1/5 lượng gỗ nhập khẩu của quốc gia này có nguồn gốc bất hợp pháp. Đa phần gỗ lậu được sơ chế trước khi nhập vào Trung Quốc, sau đó được chế biến lại để xuất sang các quốc gia khác.

Tự hủy hoại tương lai

Ai cũng biết, một khi nguồn tài nguyên thiên nhiên tích lũy hàng tỷ năm cạn kiệt thì không cách nào tái tạo được, đặc biệt nguồn năng lượng hóa thạch. Thế giới đang đứng trước nỗi lo một khi các mỏ dầu, mỏ khí đốt tự nhiên, than đá cạn kiệt, nhân loại sẽ xoay xở ra sao để duy trì cuộc sống.

Nếu như dầu mỏ và khí đốt từng là con át chủ bài của khu vực Arab, mang lại sự thịnh vượng cho khu vực thì hiện nay, các mỏ dầu này cũng đang ở trong tình trạng ngày càng khó khai thác vì đã khai thác quá lâu, từ hơn nửa thế kỷ qua. Một báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) kết luận: sản lượng dầu lửa toàn cầu rất có thể đạt 96 triệu thùng/ngày vào năm 2012, nhưng khó thể vượt quá con số này vì rất ít những giếng dầu mới được phát hiện.

Nga chiếm hơn 10% trữ lượng dầu mỏ, 20% trữ lượng than của thế giới, 7% trữ lượng khí thiên nhiên... Với trữ lượng như vậy, hiện Nga đứng đầu thế giới về khí đốt thiên nhiên, đứng thứ hai về dầu mỏ và là nguồn cung cấp than và urani quan trọng cho thế giới. Dù vậy, theo nghiên cứu của các chuyên gia, khoảng 20-30 năm nữa, tài nguyên thiên nhiên ở Nga sẽ chẳng còn lại bao nhiêu. Hiện tỷ lệ khai thác dầu của Nga đã vượt quá 60%, việc tìm kiếm những mỏ mới thay thế ngày càng khó, 50 năm qua việc phát hiện những mỏ mới giảm 10 lần.

Đó cũng là tình hình chung của các nước có nguồn tài nguyên. Thời kỳ hoàng kim năng lượng của các quốc gia dầu lửa sẽ nhanh chóng biến mất và đối diện với thời kỳ cạn kiệt tài nguyên. Các mỏ than cũng không tránh khỏi số phận tương tự trong một hai thập kỷ nữa. Khi đó, muốn khai thác, con người càng phải đào sâu vào lòng đất. Nhưng càng đào sâu, càng nguy hiểm và càng ngốn nhiều tiền của hơn. Tình trạng khan hiếm nhiên liệu, năng lượng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.

Nguy cơ xung đột

Sự suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên đang diễn ra với mức độ nghiêm trọng, trong đó không thể không đau đáu trước nguồn tài nguyên nước đang khô cạn. Quá trình đô thị hóa, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và biến đổi khí hậu ngày càng gây áp lực nặng nề lên khối lượng và chất lượng nguồn nước.

Cụ thể hơn, 80% nguồn nước ngọt và 2/3 trong tổng số các con sông trên thế giới đang dần cạn nước. Những đợt hạn đang xuất hiện ở châu Âu, tiểu lục địa Ấn Độ, miền Đông Trung Quốc, phía Nam Mexico và khu vực phía Đông dãy Rocky ở Mỹ. Rất nhiều con sông hay hồ nước dần khô cạn vì con người dùng nước để tưới tiêu trong trồng trọt và sản xuất các sản phẩm công nghiệp mà nhờ đó đảm bảo cho cuộc sống. Đó là một nghịch lý vì để duy trì sự sống trước mắt, con người đang hủy hoại tương lai của chính mình.

Theo thống kê của các nhà khoa học, nhu cầu nước trên toàn thế giới sẽ tăng tới 45% trong khi nguồn nước đang cạn kiệt ở mức báo động và ngày càng hiếm dần. Dự báo đến trước năm 2030, có khoảng 60 quốc gia lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Hiện tại trên thế giới có khoảng 1,5 tỷ người (khoảng 1/4 dân số toàn cầu) không có nước sạch và hơn 2 tỷ người không đủ điều kiện vệ sinh, an toàn. Hàng năm, 3,6 triệu người chết vì các căn bệnh do nước ô nhiễm gây ra.

Khi nguồn nước bên trên đã cạn, tất yếu con người sẽ nghĩ ngay đến việc khai thác trữ lượng nước ngầm sâu dưới lòng đất. Song khi dùng hết lượng nước ngầm dự trữ trong lòng đất sẽ làm tăng thêm sự ô nhiễm nước, vì phân bón hóa học trong canh nông, các chất thải của con người và động vật cùng các hóa chất lại thẩm thấu vô lòng đất. Chính vì vậy, Tổ chức Quốc tế Khí tượng toàn cầu từng cảnh báo: “Sự ô nhiễm xâm nhập từ từ là trái bom nổ chậm đang de dọa toàn thể nhân loại”.

Hiện tượng “cầu vượt cung” khiến nhiều nơi trên thế giới, các tập đoàn kinh tế giành cung cấp nước cho cộng đồng. Những công ty tư nhân cho rằng nước còn quan trọng hơn dầu lửa và họ đang kiếm lời song song với việc củng cố quyền lực trong các vấn đề liên quan đến nước sạch (có nghĩa là liên quan đến an sinh của người dân). FAO cảnh báo, trong 15 năm tới sẽ có gần 2 tỷ người phải sống trong tình trạng bị thiếu nước. Cho nên không phải ngẫu nhiên các nhà môi trường đưa ra lời cảnh báo thế giới sắp bước vào một cuộc xung đột tranh giành nguồn nước./.

(Nguồn: SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất