Thứ Hai, 14/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 4/6/2011 9:48'(GMT+7)

Thế giới lo ngại nguy cơ đụng độ quân sự trên Biển Đông

Phó Tổng Giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu cung cấp các bằng chứng về việc tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam, phá hoại thiết bị của PVN

Phó Tổng Giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu cung cấp các bằng chứng về việc tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam, phá hoại thiết bị của PVN

Sự kiện các tàu hải giám Trung Quốc ngày 26-5-2011 vừa qua trắng trợn vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, gây thiệt hại về kinh tế và cản trở hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khiến cho tình hình càng thêm căng thẳng. Dư luận quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ chạy đua vũ trang , thậm chí cả nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự tại vùng này.

Trước tình trạng căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, ngày 23 -5- 2011, Tổng thống Philippines Aquino đã cảnh báo với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt về một cuộc chạy đua vũ trang không tránh khỏi trong khu vực nếu vẫn tiếp tục có các cuộc đụng độ giữa các nước đòi chủ quyền trong khu vực tranh chấp gần quần đảo Trường Sa. Tổng thống Philippine nói, mặc dù hiện thời quân đội Philippines không có đủ năng lực để đối đầu với quân đội Trung Quốc nhưng căng thẳng gia tăng có thể khiến Philippines phải lo việc gia tăng quốc phòng cho mình. Ngày 1-6-2011, Manila đã triệu tập đại diện của Bắc Kinh để chuyển tải những “quan ngại nghiêm trọng” về sự xâm nhập gần đây của tàu Trung Quốc ở khu vực tranh chấp hai bên thuộc Biển Đông. Manila cáo buộc tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông và nghi ngờ Bắc Kinh tiến hành các hoạt động xây dựng các công trình quốc phòng mới ở đây. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin mô tả về việc phát hiện thấy các tàu Trung Quốc gần Reed Bank là “đáng báo động”. Ông cho biết, có khoảng năm hoặc sáu vụ xâm nhập tương tự của các tàu Trung Quốc tính đến thời điểm này trong năm nay. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines khẳng định sẽ đề cập vấn đề với người đồng cấp Trung Quốc trong Diễn đàn an ninh Châu Á ở Singapore vào cuối tuần này.

Đô đốc Robert F. Willard, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết, ông quan ngại về những căng thẳng gần đây liên quan tới Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông. Ngày 1-6-2011, ông Robert F. Willard tuyên bố với báo chí tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, rằng, Hoa Kỳ rất lo ngại khi Biển Đông trở nên căng thẳng, có thể đưa đến nguy cơ đối đầu bằng vũ lực, bởi vì đó là khu vực chiến lược hết sức quan trọng cho cả Châu Á - Thái Bình Dương. Tham dự Hội nghị bàn tròn về chiến lược và quốc tế do một viện nghiên cứu tư nhân tổ chức tại Thủ đô Malaysia, ông nhấn mạnh, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa kỳ sẽ tiếp tục thực hiện vai trò không những giữ an ninh vùng biển mà còn bảo đảm cho mọi hải lộ thương mại tại Đông Nam Á được an toàn để các nước sử dụng. Vị Tư lệnh này của Mỹ hồi tháng chín năm ngoái đã tuyên bố rằng hành động tăng cường vũ trang và hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông có thể khiến chính sách quốc phòng mềm mỏng của Hoa Kỳ biến thành chính sách cứng rắn như trong thời chiến tranh lạnh. Tuy nhiên Đô đốc Robert F. Willard khẳng định, Hoa Kỳ không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, mà kêu gọi các bên tranh chấp giải quyết vấn đề bằng đường lối ngoại giao thay vì quân sự. Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell, nhân sự kiện căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, khẳng định, Chính phủ Hoa Kỳ đang duyệt lại kế hoạch quân sự trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương và Washington tiếp tục hiện diện, góp phần đảm bảo an ninh cho toàn vùng.

Sau sự kiện các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng vụ việc mới xảy ra “thể hiện sự leo thang của Trung Quốc trong hành động gây hấn với Việt Nam”. Ông Carl Thayer đã vạch trần mưu đồ của Trung Quốc khi nói rằng “Từ năm 1997, khi Trung Quốc có ý tưởng mới về an ninh, có nói là không sử dụng kiểu ngoại giao pháo hạm hay bắt nạt nước khác và Trung Quốc chỉ ra đó là cách mà Mỹ hành xử, Trung Quốc cố gắng thuyết phục các nước ASEAN rằng Trung Quốc muốn sống hòa bình. Nhưng năm ngoái tất cả đã đảo ngược. Về hành vi trắng trợn vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam và cản trở hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer bình luận: “Hành động Trung Quốc cắt dây cáp trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm luật biển quốc tế và làm cho vùng biển này không còn an toàn như trước. Tàu Việt Nam đang làm việc trong vùng biển đặc quyền kinh tế mà Công ước về luật biển quốc tế đã quy định cho họ. Hành động này rõ ràng đã chấm dứt những gì lạc quan nhất mà Trung Quốc và ASEAN đã và đang thương thảo về Biển Đông. Vấn đề này cũng làm cho Hoa Kỳ quan tâm và một lần nữa vấn đề Biển Đông sẽ là nghị trình quan trọng nhất trên bàn làm việc của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.”

Những căng thẳng gần đây trên Biển Đông diễn ra ngay trước ngày khai mạc Diễn đàn an ninh khu vực tổ chức tại Singapore vào ngày 3-6 với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và cả Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Theo giáo sư Carl Thayer, vấn đề căng thẳng trên Biển Đông chắc chắn sẽ được đưa ra bàn thảo. Giáo sư Carl Thayer dự đoán: “Vấn đề này năm nay sẽ được đề cập và sẽ có tranh cãi vì Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates sẽ không lùi bước trong việc khẳng định sức mạnh trên biển của Mỹ, bởi việc đòi chủ quyền của Trung Quốc sẽ phá hoại nguyên tắc cả trăm năm của luật pháp quốc tế và khả năng cho tàu Mỹ đi lại trong khu vực.” Tại Hawaii, nơi máy bay ghé qua trên đường sang Singapore, ông Robert Gates tuyên bố với báo chí rằng ông muốn nói lên lập trường của Hoa Kỳ là mặc dù phải cân nhắc việc cắt giảm ngân sách quốc phòng rất đáng kể, Hoa kỳ vẫn luôn luôn duy trì sự hiện diện tại Châu Á. Ông nhấn mạnh, là một quốc gia Thái Bình Dương, Hoa Kỳ sẽ giữ vững mối liên quan và can dự tại Châu Á, tiếp tục xây dựng mối quan hệ với các đối tác và đồng minh ở Châu Á.


Thanh Minh/Đại đoàn kết

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất