SEA Games 25 tại đất nước Lào đánh dấu tròn 20 năm thể thao Việt Nam hội nhập với đấu trường khu vực. Qua 2 thập kỉ, SEA Games đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thể thao Việt Nam, và cũng từ đây, thể thao Việt Nam đã khẳng định một cách chắc chắn vị thế của mình.
Bước chân đầu tiên hướng ra Đông Nam Á
Đại hội thể thao Đông Nam Á đầu tiên mà đoàn thể thao Việt Nam tham dự là kì SEA Games 15 tổ chức tại Malaysia năm 1989. Trong kí ức vẫn còn lưu lại của rất nhiều lãnh đạo, VĐV và nhà báo lão làng của thể thao Việt Nam, thể thao Việt Nam khi ấy chỉ… giỏi có mỗi bắn súng. Đoàn thể thao Việt Nam đầu tiên tham dự SEA Games gồm 63 thành viên tham dự 8 môn thi đấu, với mục tiêu học hỏi, hòa nhập là chính.
|
Bắn súng đem về nhiều thành công cho Thể thao Việt Nam |
Những tấm HCV đầu tiên của thể thao Việt Nam tại đấu trường Đông Nam Á đến từ môn bắn súng, và bộ môn này cũng trở thành thế mạnh của đoàn thể thao Việt Nam trong tất cả các kì SEA Games tiếp theo. Nữ xạ thủ Ngô Ngân Hà chính là người đem về tấm HCV lịch sử, tấm HCV đầu tiên cho thể thao Việt Nam ở SEA Games. Bắn súng đóng góp 3 HCV tại kì đại hội đầu tiên mà Việt Nam tham gia. Nhiều người còn kể lại câu chuyện, sau khi xạ thủ Ngân Hà mang tấm HCV về nước, nhiều người còn hỏi chị “SEA Games là gì?”.
Những kì SEA Games tiếp theo, con số HC của đoàn thể thao Việt Nam tiếp tục tăng lên. Từ 7HCV (1991), đến 9 HCV (1993) rồi tăng vọt lên 35 (1997). Năm 1995, Vũ Bích Hường tỏa sáng đem về tấm HCV cho điền kinh Việt Nam trên đường chạy 100m rào nữ. Cùng năm đó, bóng đá có tấm HCB lịch sử với những cái tên “Thế hệ Vàng” như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Hữu Thắng…
Thể thao Việt Nam từng bước thực sự hội nhập và bắt đầu có những dấu ấn đậm nét trên đấu trường Đông Nam Á.
Từ hội nhập đến phát triển và khẳng định
Bắt đầu từ SEA Games 2001, đoàn thể thao Việt Nam bắt đầu có được chỗ đứng vững chắc. Chiến lược đi tắt đón đầu, chú trọng vào một số môn thể thao thế mạnh đã mang lại hiệu quả, đem đến thành công cho thể thao Việt Nam.
Đến kì SEA Games 22 tổ chức trên sân nhà, thể thao Việt Nam lần đầu tiên lên đến đỉnh cao với ngôi vị nhất toàn đoàn. Không chỉ tổ chức thành công khi lần đầu tiên đăng cai một đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á, đoàn Việt Nam giành 156 HCV với ưu thế vượt trội ở rất nhiều môn thể thao. Bóng đá vẫn cứ là một “giấc mơ không có thật”, khi Văn Quyến và các đồng đội thất bại trước Thái Lan ở trận chung kết trên sân Mỹ Đình.
|
Thanh Hằng đang tiếp bước các đàn chị |
Tại kì SEA Games gần đây nhất, đoàn thể thao Việt Nam vẫn chắc chân trong Top 3. Từ những bước hội nhập đầu tiên, rồi lên đến đỉnh cao và trụ lại vững chắc là biết bao nhiêu sự nỗ lực, cố gắng của rất nhiều thế hệ lãnh đạo, VĐV của thể thao Việt Nam. Những giọt mồ hôi, nước mắt, những phút giây vinh quang của các tuyển thủ ở SEA Games trở thành một phần lịch sử quan trọng của thể thao nước nhà. Cũng chính từ bệ phóng SEA Games, thể thao Việt Nam đã vươn khỏi tầm khu vực, với tấm HCB của Trần Hiếu Ngân ở môn Taekwondo hay của Hoàng Anh Tuấn ở môn cử tạ tại đấu trường Olympic.
SEA Games 25 – chặng đường 2 thập kỉ
Kì đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 25 do Lào đăng cai tổ chức đánh dấu tròn 20 năm thể thao Việt Nam hòa nhập với khu vực. Kể từ những ngày đầu tiên, Việt Nam giờ đây đã trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan đồng thời lại trở thành đối thủ đáng gờm, là mục tiêu cần phải vượt lên của các đoàn khác như Malaysia, Singapore, Indonesia.
Với hơn 400 VĐV dự tranh đủ 25 trên tổng số 25 môn thi đấu, đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành 60 đến 70 HCV để đứng vững trong Top 3 của Đại hội. Nhưng một điều khác hẳn các kì SEA Games trước, việc giành một vị trí trong Top 3 giờ đã trở thành mục tiêu hoàn toàn nằm trong tầm tay của đoàn Việt Nam. Sau 20 năm, vị thế của thể thao Việt Nam đã khác, đã được khẳng định chắc chắn ở đấu trường khu vực. Đó là hệ quả tất yếu của một chiến lược phát triển, đầu tư đúng đắn, của sự nỗ lực không biết mệt mỏi của thể thao Việt Nam. Điều đó cũng khẳng định sự phát triển, vươn lên mạnh mẽ của thể thao cũng như rất nhiều các lĩnh vực khác của đất nước Việt Nam.
Hơn thế nữa, thể thao Việt Nam cũng đã bắt đầu một chiến lược mới, một giai đoạn phát triển mới với những mục tiêu vượt xa khỏi “ao làng” Đông Nam Á. ASIAD, Olympic mới là những đích đến cao hơn, cho dù khó khăn, thử thách vẫn còn rất lớn, đòi hỏi một nền móng vững chắc hơn. Sau một chặng đường dài hai thập kỉ với rất nhiều thành công, giờ là lúc đặt ra những mục tiêu mới, cho dù rất nhiều “mục tiêu cũ” vẫn cứ chưa “chịu” thành hiện thực. Tất cả người hâm mộ vẫn đang trông đợi, ở một tấm HCV bóng đá nam.
Một kì đại hội mới đã lại bắt đầu, và thể thao Việt Nam đã chuẩn bị đủ, cho những thành công mới, những chiến thắng mới sẽ liên tiếp đến vào nay mai, trên đất nước bạn Lào.
Bảng thành tích của đoàn Việt Nam tại các kỳ SEA Games |
SEA Games 15 (1989): 3 HCV - 11 HCB - 5 HCĐ, xếp thứ 7/9 đoàn tham dự.
SEA Games 16 (1991): 7 HCV - 12 HCB - 10 HCĐ, xếp hạng 7/9.
SEA Games 17 (1993): 9 HCV - 6 HCB - 19 HCĐ, xếp hạng 6/9.
SEA Games 18 (1995): 10 HCV - 18 HCB - 24 HCĐ, xếp hạng 6/10.
SEA Games 19 (1997): 35 HCV - 48 HCB - 50 HCĐ, xếp hạng 6/10
SEA Games 20 (1999): 17 HCV - 20 HCB - 27 HCĐ, xếp hạng 6/10.
SEA Games 21 (2001): 33 HCV - 35 HCB - 64 HCĐ, xếp hạng 4/10.
SEA Games 22 (2003): 156 HCV - 91 HCB - 93 HCĐ, xếp thứ 1.
SEA Games 23 (2005): 71 HCV - 68 - 89; đứng thứ 3.
SEA Games 24 (2007): 64 HCV - 54 HCB - 83 HCĐ, xếp thứ 3.
SEA Games 25 (2009): Mục tiêu đoạt 75 HCV và lọt vào Top 3 |
Quang Anh - VnMEdia