Thứ Bảy, 21/9/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 14/6/2013 17:24'(GMT+7)

Thêm lựa chọn cho tương lai

Cũng giống như các cuộc bầu cử tổng thống I-ran gần đây, dù có nhiều ứng cử viên tham gia nhưng thực chất cuộc bầu cử chỉ là đấu trường quyền lực giữa hai phe bảo thủ và cải cách. Có 8 ứng cử viên được Hội đồng Giám hộ Hồi giáo-cơ quan giám sát bầu cử tổng thống lựa chọn tham gia tranh cử trong tổng số 686 ứng cử viên. Tuy nhiên, đến phút cuối, 2 trong số 8 người đã tuyên bố rút khỏi danh sách tranh cử. Vì vậy, hiện chỉ còn 4 ứng cử viên thuộc phe bảo thủ và 2 thuộc phe cải cách tham gia cuộc đua.

Nhìn vào danh sách ứng cử viên được Hội đồng Giám hộ Hồi giáo lựa chọn với đa số thuộc phe bảo thủ có thể thấy cơ hội để quốc gia Hồi giáo cởi mở và hội nhập hơn với thế giới là không nhiều. Cho dù nhiều ứng cử viên hơn, không có nghĩa là phe bảo thủ sẽ nắm chắc phần thắng, vì vẫn có rủi ro là số phiếu bầu bị phân tán, thì nó cũng phản ánh sự chiếm ưu thế của phe bảo thủ tại I-ran trong hệ thống chính trị của quốc gia này. Hơn nữa, ứng cử viên được cho là nổi bật nhất hiện nay là ông Xa-ét Gia-li-li, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân I-ran, cũng thuộc thuộc phe bảo thủ.


Lợi thế nổi bật của ứng cử viên Xa-ét Gia-li-li không gì khác ngoài sự trung thành với lãnh tụ tinh thần tối cao Kha-mê-nây và ông là người được đại giáo chủ Kha-mê-nây ủng hộ. ở một đất nước thần quyền như I-ran, ý kiến của lãnh tụ tinh thần tối cao luôn được tôn trọng. Người ta đã thấy quyền lực và uy tín của Đại giáo chủ Kha-mê-nây lớn như thế nào trong cuộc bầu cử tổng thống I-ran năm 2009. Khi đó, mặc dù thắng cử nhưng ông A-ma-đi-nê-giát phải đối mặt với phong trào biểu tình rầm rộ phản đối kết quả bầu cử vì cho rằng có gian lận. Nhưng cuối cùng ông vẫn bảo vệ được quyền lực nhờ sự ủng hộ và hậu thuẫn của đại giáo chủ Kha-mê-nây.


Ông Xa-ét Gia-li-li cũng cho thấy là một nhà đàm phán cứng rắn và có lập trường vững chắc khi đối mặt với các nhà thương thuyết phương Tây trên bàn đàm phán hạt nhân. Cần phải nhớ rằng, lâu nay, chính sách bảo vệ đến cùng quyền theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình đã được I-ran coi là một sự lựa chọn không thể thay thế và trở thành nguyên tắc bất khả xâm phạm của Nhà nước Hồi giáo. Trải qua nhiều nhiệm kỳ tổng thống khác nhau, dù theo đường lối bảo thủ hay ôn hòa cải cách, I-ran chưa bao giờ có ý định từ bỏ tham vọng hạt nhân theo đề nghị của phương Tây. Lần này cũng sẽ không ngoại lệ. Chính vì thế, dù bị chỉ trích là có ít kinh nghiệm trong quản lý và thực thi các chính sách, nhưng “nỗ lực bảo vệ lợi ích của I-ran trong các cuộc đàm phán hạt nhân” đã thực sự giúp ông Gia-li-li ghi điểm đối với cử tri. ít giờ trước bầu cử, nhiều cử tri I-ran cho biết, họ cần có một tổng thống có lập trường vững chắc như ông Gia-li-li.


Nhìn sang phe cải cách ôn hòa. ứng cử viên nổi bật của phe này là Hát-xan Râu-ha-ni, trước đây từng là nhà đàm phán hạt nhân. ông Râu-ha-ni là đồng minh thân cận của hai Cựu Tổng thống I-ran Kha-ta-mi và Ha-sê-mi Ráp-xan-gia-ni đang rất có uy tín và ảnh hưởng ở I-ran. ông cũng là người được phe cải cách muốn tập trung phiếu bầu với việc quyết định rút một ứng cử viên thuộc phe này khỏi cuộc đua. ứng cử viên cải cách này không tán thành chính sách đối ngoại cứng rắn hiện nay của I-ran và ủng hộ một chính sách mềm dẻo trong đàm phán với phương Tây để giải quyết vấn đề hạt nhân.


Còn nhớ, trong hai nhiệm kỳ liên tiếp của đương kim Tổng thống A-ma-đi-nê-giát, I-ran đã theo đuổi lập trường cứng rắn, không nhượng bộ các nước phương Tây trong vấn đề hạt nhân. Hệ quả là I-ran đã hứng chịu liên tiếp các đòn trừng phạt kinh tế, trong đó đáng kể nhất là lệnh cấm vận đối với ngành công nghiệp dầu mỏ vốn là nguồn thu chủ yếu của quốc gia Hồi giáo, khiến cho nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng khó khăn. Trong khi đó, những tuyên bố gay gắt, khiêu khích của ông A-ma-đi-nê-giát về các vấn đề hạt nhân, quan hệ với Mỹ hay I-xra-en cùng những tuyên bố về các chương trình phát triển vũ khí… đã gây bất lợi cho I-ran trên trường quốc tế. 


Trong bối cảnh như thế, ứng cử viên Râu-ha-ni đang có những lợi thế nhất định. Đã có không ít nhà phân tích cho rằng, hiện I-ran cần một tổng thống mềm mỏng và khôn khéo trong việc đối phó với phương Tây để vẫn bảo đảm được các lợi ích của đất nước, trong khi không phạm đến những nguyên tắc tối kỵ của quốc gia Hồi giáo. Và như thế, trong cuộc đua lần này, phe cải cách ôn hòa, tuy không được sự ủng hộ của đại giáo chủ Kha-mê-nây, nhưng chưa phải hết cơ hội.


Lịch sử bầu cử tổng thống I-ran đã từng cho thấy, có những bất ngờ với sự thắng thế của phe ôn hòa cải cách. Thắng lợi vang dội của nhà cải cách Kha-ta-mi trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 1997 và 2001 đã cho thấy điều đó. Vì vậy, không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện những bất ngờ tại cuộc đua quyền lực lần này.


Với tương quan lực lượng như thế, khó có thể nói trong cuộc đua này phe nào chiếm ưu thế hơn. Tuy nhiên, cho dù nhân vật thuộc phe nào giành thắng lợi trong cuộc đua quyền lực lần này thì cũng sẽ đều phải đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế do lệnh cấm vận của phương Tây và áp lực quốc tế ngày càng gia tăng về chương trình hạt nhân của nước này.


Khó khăn lớn nhất hiện nay với I-ran là kinh tế. Theo số liệu mới nhất, tỷ lệ lạm phát ở nước này trong tháng đầu tiên của năm, theo lịch I-ran (từ ngày 21-3 đến 20-4) lên tới 29,8%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp là 14%. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng hạt nhân của I-ran vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu và các lệnh trừng phạt vẫn liên tiếp được đưa ra. Trong một bước đi nhằm siết chặt hơn nữa lệnh bao vây phong tỏa, ngày 4-6, chính quyền của Tổng thống Mỹ B. ô-ba-ma đã liệt kê gần 40 công ty của I-ran vào "danh sách đen" vì bị tình nghi giấu giếm tài sản và là nguồn cung cấp hàng tỷ USD cho Chính phủ I-ran.


Bên cạnh đó, không thể không lưu ý đến các vấn đề chính trị xã hội. Cuộc đua năm nay ở I-ran tuy không diễn ra sôi nổi và gay cấn như cuộc đua năm 2009, nhưng kỳ thực nó vẫn ẩn chứa những “con sóng ngầm”. Tuy những ảnh hưởng của phong trào “Mùa xuân A-rập” không đáng kể với I-ran, nhưng không có gì là chắc chắn nếu tình trạng bế tắc hiện nay ở I-ran trong các vấn đề đối nội và đối ngoại vẫn tiếp diễn. Những hỗn loạn sau cuộc bầu cử năm 2009 là bài học nhắc nhở đối với Tê-hê-ran về sự cần thiết phải có những thay đổi phù hợp.


Tuy nhiên, nhà phân tích Mác Phi-dơ-pa-trích (Mark Fizpatrick) thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Luân Đôn cho rằng, điều đó sẽ không dễ dàng ở một đất nước thần quyền như I-ran, khi quan điểm của lãnh tụ tinh thần là tối thượng. Lập luận này không phải không có cơ sở, bởi với sự “trị vì” đầy sức mạnh của đại giáo chủ Kha-mê-nây ở I-ran, cuộc bầu cử lần này có thể sẽ chỉ giúp I-ran có thêm một lựa chọn cho tương lai mà không trông đợi sẽ có nhiều thay đổi.


Dù vậy,  người dân I-ran vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc bầu cử lần này. Họ cần một tổng thống có khả năng cả trên lĩnh vực kinh tế cũng như chính trị để giúp đỡ đất nước. Kết quả của cuộc bầu cử sẽ quyết định tương lai của I-ran./.

Mỹ Hạnh (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất