Đây được xem là động thái nhượng bộ lớn đầu tiên của Thủ tướng Erdogan sau
khi gặp một số đại diện người biểu tình nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng đang
có nguy cơ gia tăng trở lại.
Trả lời báo giới, phát ngôn viên đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm
quyền, ông Huseyin Celik nêu rõ: "Chúng tôi có thể đưa vấn đề đó ra trưng cầu
dân ý... Nguyện vọng của người dân là yếu tố quyết định".
Tuy nhiên, ông Celik kêu gọi người biểu tình đang dựng trại ở công viên
Gezi sớm trở về nhà sau tuyên bố thiện chí của chính phủ. Phó Chủ tịch đảng AKP
cũng yêu cầu người biểu tình giải tán ngay lập tức, khẳng định "những người có ý
định xấu hoặc tìm cách khiêu khích và ở lại có thể bị bắt."
Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình vẫn tụ tập tại quảng trường
Taksim trong ngày thứ 13 liên tục để phản đối kế hoạch của chính phủ giải tỏa
công viên Gezi chạy dọc theo quảng trường để xây dựng trung tâm thương mại.
Cảnh sát chống bạo động với sự hỗ trợ của nhiều xe cơ giới và vòi rồng
được huy động để ngăn người biểu tình tiến vào tòa nhà chính phủ. Theo thông tin
mới cập nhật, không xảy ra đụng độ mới giữa cảnh sát và người biểu tình.
Liên quan đến tình hình Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 12/6, Đại diện cấp cao phụ trách
an ninh và chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton kêu
gọi Thủ tướng Erdogan tuân thủ các tiêu chuẩn dân chủ của châu Âu trong khi Đức
và Italy cảnh báo các biện pháp mạnh tay trấn áp người biểu tình của cảnh sát
Thổ Nhĩ Kỳ có thể cản trở nỗ lực của nước này trong tiến trình hội nhập EU.
Làn sóng biểu tình phản đối chính phủ bùng phát từ ngày 31/5, sau khi cảnh
sát sử dụng hơi cay để giải tán một cuộc biểu tình đòi chính quyền hủy bỏ kế
hoạch phá công viên để xây trung tâm thương mại.
Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã khiến ba người thiệt
mạng và 4.800 người khác bị thương, trong đó có gần 600 cảnh sát. Thủ tướng
Erdogan đang chịu sức ép từ EU và một số nước phương Tây phải nhanh chóng giải
quyết cuộc khủng hoảng này./.
Theo TTXVN