Hiểu một cách đơn giản nhất thì trà trộn có nghĩa là "một người nào đó lẫn vào đám đông nào đó để khỏi bị phát hiện". Ví dụ: "Kẻ gian trà trộn vào hành khách đi tàu", "Kẻ trộm trà trộn vào những người đi chợ"...
Đấy là gần như nguyên văn lời giải thích của một cuốn từ điển tiếng Việt đã được ấn hành cách nay gần một phần tư thế kỷ.
Căn cứ vào lời giải thích này, ta thấy rõ: Trà trộn là hành vi (hoặc hành động) của kẻ gian (tức một kẻ không đàng hoàng, một kẻ giấu mặt) đang mưu mô làm một việc gì đấy thuộc dạng khuất tất, mờ ám. Đấy cũng là những kẻ muốn che đậy mình, muốn người khác không nhìn nhận ngay ra chân tướng của họ.
Trong cuộc sống được coi là "hiện đại" và "muôn mặt" hiện nay, hiện tượng trà trộn bị "biến tướng", "biến thể" và được "mở rộng" rất khó hình dung. Ví dụ: Hàng giả trà trộn vào hàng thật, hy vọng được nhìn nhầm là hàng thật, được bán với giá thật; đất thổ canh trà trộn vào đất thổ cư, hy vọng được bán với giá như đất thổ cư... Tất nhiên, bản thân hàng giả, bản thân đất thổ canh không có lỗi gì, không trở thành cái gì, nếu không có sự tham gia của con người với động cơ muốn... trà trộn.
Cô em dâu tôi vừa đi công tác từ một tỉnh miền núi về, dẫn chứng cho tôi một chuyện có liên quan đến... trà trộn. Cô em dâu tôi kể: Ở trên ấy có bán khá nhiều sách giả (sách in lại, in lậu bằng giấy xấu của một số nhà xuất bản danh tiếng) với giá bán như bình thường. Như vậy, sách giả đã trà trộn vào sách thật.
- Thế những người không chịu học hành gì mà muốn có bằng cấp thì sao?
- Tức học... giả, chứ gì?
- Đúng như vậy.
- Rồi họ sử dụng những tấm bằng giả để hợp thức trình độ văn hóa, để tiến thân, phải không?
- Thì hẳn là thế rồi.
- Thế họ có thuộc "phần tử" trà trộn không?
- Tại sao... không? Suy cho cùng thì họ là "môn" nhưng nhờ trà trộn mà trở thành "khoai".
Lại có người sau khi tiến từ nghèo lên giàu, có dạo tự dưng lên cơn làm sang (nên nhớ từ nghèo đến giàu luôn có một khoảng cách đáng kể, nhưng từ giàu đến sang, còn có một khoảng cách đáng kể hơn nhiều. Và có người, cả đời phấn đấu để chuyển từ giàu đến sang mà không làm nổi. Phải chăng vì thế mà trong cuộc sống, vẫn tồn tại rất nhiều trọc phú). Về cuối đời, họ xông vào địa hạt văn chương. Rồi bỏ tiền ra in hàng loạt sách. Rồi bỏ tiền ra thuê người khen. Rồi đi đâu cũng khoe mình là nhà này, nhà nọ... Có một người còn sĩ diện nói trước đám đông: "Tay này chỉ là doanh nghiệp thuần túy thôi, đâu có phải là doanh nghiệp kiêm nhà thơ như mình".
- Nhưng nếu dừng lại ở đấy thì cũng còn chấp nhận được. Đằng này… một số người trong số họ còn thích trở thành hội viên của hội này hội nọ. Và họ ra sức "chạy"…
- Để trở thành "nhà văn - hội viên", "nhà thơ - hội viên"... chứ gì?
- Đại loại thế.
- Nhưng những người này làm thế để làm gì nhỉ?
- Để giải quyết cái danh hão hoặc giải quyết khâu oai.
- Danh hão hay là danh giả (hoặc giả danh)?
- Thì cũng thế cả thôi.
- Như vậy, những người này đã trà trộn...
- Nói thế thì hơi quá. Nhưng ở một chừng mực nào đấy, cũng gần với sự trà trộn.
- Mà những kẻ trà trộn này một khi đã chui vào được một hội nào đấy thường ngồi rất lâu và thường ngụy trang mình rất giỏi.
Sinh thời, nhà thơ Phạm Tiến Duật hay nói một câu cửa miệng: "Trong tất cả các hội, có lẽ chỉ có hội người mù là chuẩn nhất. Khó có chuyện người sáng mắt nhờ trà trộn mà thành người mù được". Âu cũng là một lời nhận xét đáng suy ngẫm./.
(Theo: Huy Giang/CAND)