(TCTG) - Anh bạn làm tổng biên tập một cơ quan báo chí ở một địa phương tâm sự: Không ít lần đi dự hội nghị, cuộc họp anh em phóng viên đi về thở dài chán ngán. Có phóng viên nói có khá nhiều hội nghị nếu có bạn bè gửi văn bản thì không đi cũng chẳng sao, vì nếu có đi thì cũng vậy, vì diễn giả lại đọc toàn văn bài phát biểu. Có không ít cán bộ địa phương cảm thấy ngán ngẩm vì phải đi họp nhiều quá, quanh năm, quanh tháng đi họp nhưng khổ nỗi là khá nhiều cuộc hội nghị hiệu quả thấp quá. Nội dung lại vẫn là các văn bản, tài liệu đã phát cho đại biểu, bài phát biểu của lãnh đạo vẫn nguyên xi như thư ký chuẩn bị, nếu có thì cũng thêm vài chữ, dấu chấm hay dấu phẩy!
Anh bạn còn nói thêm: không ít đối tượng trẻ là học sinh, sinh viên ở địa phương tỏ ra khá thất vọng khi theo dõi một số hội nghị qua truyền hình, phát thanh. Có em tâm sự thật là mỗi khi mở kênh truyền hình chính thống ra là lại thấy ông A, ông B đọc bài phát biểu. Nghe mãi giọng nói đều đều quá quen thuộc ấy thấy chán quá nên đành bật kênh khác xem!
Thực ra cách nói của anh bạn trên cũng có cái đúng, nhưng không phải tất cả như thế. Có dịp đi dự hội nghị ở các địa phương, cũng có khá nhiều hội nghị, cuộc họp tranh luận khá sôi nổi, có cả những ý kiến phản biện gay gắt để đi đến thống nhất chủ trương, quan điểm. Cái quan trọng nhất vẫn là người cầm chịch, chủ trì cuộc họp. Nếu người chủ trì điều hành khoa học, tất nhiên lại phải có uy tín nữa, lại biết cách phát huy dân chủ, khơi dậy, biết tôn trọng trí tuệ tập thể nữa thì ở những hội nghị đó thường là thành công. Bởi vì khi đã phấn chấn vì được chủ tọa tôn trọng thì thường là đại biểu rất tích cực phát biểu, góp ý kiến với nội dung chất lượng cao.
Còn ngược lại ở những hội nghị mà những bài diễn văn khô khốc, giọng đọc không có hồn, đọc nguyên văn tới cả vài chục trang, với thời lượng vài giờ đồng hồ thì quả thật cử tọa chán ngán là đương nhiên. Khổ hơn nữa là phải nghe diễn văn, bài phát biểu của người đọc không có “khiếu” đọc, đọc một mạch, chẳng nhìn cử tọa bên dưới, lại không hề có âm điệu rõ ràng thì khỏi nói là ngán ngẩm biết chừng nào và hệ quả là tình trạng đại biểu ngủ gật, chat chit, nhắn tin qua điện thoại di động, hoặc bỏ ra hội trường là tất yếu.
Chuyện trên nói ra thực ra không mới, vẫn là chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi. Song cứ suy nghĩ chuyện anh bạn ở địa phương tâm sự, và trên thực tế thì khá nhiều người lâu nay cũng râm ran, phàn nàn chuyện chất lượng hội nghị, hội họp ở không ít địa phương, cấp, ngành. Thiết nghĩ câu chuyện đổi mới nâng cao chất lượng hội nghị là rất cần. Có rất nhiều cách để có thể nâng cao chất lượng hội nghị. Song điều quan trọng nhất và rất cần là sự đầu tư công sức chuẩn bị kỹ lưỡng chất lượng nội dung hội nghị. Rất không nên đọc nguyên văn các văn bản và nên nói vo phần nội dung đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong các hội nghị. “Đánh vần đọc diễn văn” là điều dễ gây phản cảm không chỉ cho người dự hội nghị mà ngay cả số đông công chúng với tư cách là thính giả, khán giả mỗi khi nghe, xem trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình.
Mặt khác không nhất thiết cứ phải tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp mới tốt. Để tiết kiệm ngân sách nên chăng chỉ cần triệu tập các hội nghị thật quan trọng, khi cần phải thảo luận, trao đi đổi lại, để thống nhất các chủ trương, quyết sách. Những vấn đề khác có thể giải quyết được chỉ cần thông qua việc trao đổi bằng phương thức bưu điện, fax, mail… văn bản, thông báo, công văn… thì dứt khoát không nên tổ chức hội nghị. Vì nếu tổ chức những hội nghị với những nội dung không đâu vào đâu thì chỉ gây nên nhàm chán và phản cảm mà thôi./.
Đức Anh