Người ta thường nói, ngày nay ở ta, ngoài cái khổ không được vi vu vi vút như xe máy, xe đạp có cái "sướng" hơn xe máy là được gượng nhẹ hơn khi vi phạm luật. Này nhé, rõ ràng đèn hiệu đã chuyển từ vàng sang đỏ, vậy mà người nào đó vẫn cố gắng băng qua. Công an trông thấy nhưng lờ đi...
Lại nữa, như một tờ báo cách đây ít lâu đã nêu, hiện ở Hà Nội có một số kẻ tìm cách "ăn vạ" theo kiểu xe đạp phi vào xe máy, rồi vòi vĩnh đòi tiền "bồi thường thiệt hại". Không ít trường hợp va quệt trên đường phố, mặc dù người đi xe đạp trái lè lè, nhưng người đi xe máy vẫn buộc phải rút ví đếm tiền. Dân chúng chẳng cần biết ngọn ngành đúng sai, đa phần vẫn cứ ủng hộ cho người đi xe đạp như là minh chứng cho cái tâm lý bênh vực kẻ nghèo vậy.
Riêng tôi, một cán bộ Nhà nước mà phương tiện đi làm trước sau vẫn là chiếc xe đạp cà tàng mua từ đời nảo đời nào, chưa biết cái sướng của một lần "cưỡi rồng", nhưng tôi thực sự thấm thía nỗi khổ của kẻ làm chủ phương tiện "xe thô sơ".
Tôi chỉ xin kể một câu chuyện gần đây:
Ấy là lần tôi đến thăm anh bạn hiện làm Phó giám đốc một cơ quan kinh doanh. Đang loay hoay tìm chỗ để xe thì chợt có tiếng gắt từ phòng thường trực:
- Để xe ra chỗ khác đi
Tôi bực mình về lối nói xẵng, cộc cằn của tay bảo vệ ấy một phần, mà lúng túng nhiều vì nhìn trước trông sau, không biết "chỗ khác" mà tay bảo vệ kia nói là chỗ nào. Cả cơ quan anh bạn tôi ngợp tràn xe máy, tịnh không có lấy một chiếc xe đạp để chiếc xe của tôi có cơ được lân la "đánh bạn". Tôi đành dắt xe tha thủi vào một góc còn trống chỗ (trong khu vực để xe nói trên) bên cạnh một chiếc SH mới choang. Vừa kịp đạp chân chống xe thì tay bảo vệ nọ sấn sổ chạy ra:
- Cái ông kia, tôi nói mà ông vẫn cứ ngang nhiên để vậy, là làm sao. Ông để đấy, nhỡ va quệt xước sơn xe người ta, liệu cái xe đạp ghẻ của ông có đền đủ không?
Thú thật, lúc ấy tôi vừa ngượng vừa bực. Giá không nể đây là cơ quan bạn tôi thì ngay lập tức tôi đã "xạc" cho tay bảo vệ vô lễ kia một trận. Tôi nén lòng dắt xe dựa tạm vào một gốc cây gần đấy, rồi leo lên gác tìm phòng bạn.
Sau buổi gặp gỡ, trở xuống lấy xe, tôi ngạc nhiên khi thấy có một cậu thanh niên đứng cạnh xe tôi đang cầm chiếc dây phanh xe giật giật, y như người ta cầm cương ngựa vậy. Lại còn một cậu khác ngồi chễm chệ trên yên xe nữa, mà bóp phanh. Thấy tôi, cậu ta nhảy xuống xe, rồi cả hai khoác vai nhau ung dung đi ra cổng. Tôi tiến lại bên "con ngựa sắt" già của mình và lấy làm lạ khi thấy một bên phanh đã đứt rời, dây rợ lòng thòng. Thì ra, hai ông tướng vừa rồi đã vô công rồi nghề bóp nghịch đến hỏng chiếc phanh xe. Tôi đang lúng túng không biết xử lý ra sao (cho chiếc dây phanh khỏi vướng khi đi) thì bạn tôi đi theo tiễn chân cũng vừa bước tới nơi. Không hiểu chuyện đầu cua tai nheo gì vừa xảy ra, bạn tôi với vẻ mặt hồn nhiên giơ tay ra bắt tay tôi và chúc:
- Cố gắng năm sau lên xe máy nhé!
Nhìn thấy tình cảnh chiếc xe như vậy, bạn tôi cười hà hà. Rồi, trong một ý nghĩ vui đùa, anh lại chìa tay ra, lần này thì "bắt tay" chiếc... phanh lủng liểng kia. Tôi biết bạn tôi vô tư, nhưng trong lòng không khỏi thoáng chút bùi ngùi.
Không, tôi không bực nhiều về những kẻ nghịch ngợm vô ý làm cho chiếc phanh xe của tôi ra vậy, mà tôi bực về cách "phân biệt đối xử" của cậu bảo vệ nọ. Tại sao cậu ta biết "bảo vệ từ xa" cho chiếc xe máy kia khỏi xước sơn (nói từ xa vì lúc ấy tôi đã ý tứ để chiếc xe của mình cách chiếc xe kia đến một gang tay) mà chiếc xe của tôi thì cậu ta bỏ chỏng chơ cho ai thích nghịch thì nghịch. Hay là bởi vì theo cách suy đoán của cậu, chủ nhân của những chiếc xe đắt tiền là các "sếp", còn tôi chỉ là một thằng ất ơ ở đâu đến?./.
(Theo: Việt Lâm/CAND)