Thứ Tư, 25/12/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Tư, 8/12/2010 20:56'(GMT+7)

Nêu gương và "diễn gương"

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ “Xây dựng và chỉnh đốn Đảng”, năm 2006, Đảng ta đã phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Mục đích, yêu cầu của Cuộc vận động được xác định rõ là nhằm: “Làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của đạo đức trong đời sống xã hội, giá trị của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần của xã hội ta, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tự giác trong mỗi người, ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương về yêu cầu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo ra phong trào tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên, học sinh... Nâng cao đạo đức cách mạng, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng”.

Để đạt được những mục tiêu đề ra của Cuộc vận động, nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng đã nêu, bên cạnh việc học tập nâng cao nhận thức, thì sự nêu gương của cán bộ, đảng viên và trước hết của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, các ngành, từ trung ương tới cơ sở là nhân tố có ý nghĩa quyết định nhất.

Thực tiễn 4 năm triển khai Cuộc vận động cho thấy, đây là một chủ trương đáp ứng rất “đúng” và “trúng” sự mong đợi của toàn xã hội. Vì thế Cuộc vận động đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy tốt vai trò, tác dụng của mình trong việc tôn vinh những giá trị cao đẹp tấm gương đạo đức của Bác, góp phần xây dựng nền đạo đức xã hội, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực.

Theo thời gian, Cuộc vận động đã nhân lên, tiếp lửa cho bao tấm lòng nhân ái vốn có trong nhân dân được dịp nở rộ thành phong trào làm theo gương Bác. Đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương cảm động, bình dị, đầy sức cuốn hút của cán bộ, đảng viên, quần chúng và cán bộ lãnh đạo trong việc học Bác và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Bốn năm qua, mặc dù chịu nhiều tác động khốc liệt của cơ chế thị trường nhưng ở nhiều nơi vẫn xuất hiện phong trào tự nguyện hiến đất để xây trường học, làm đường giao thông; hoặc có người đã âm thầm hiến thận của mình để cứu mạng người khác. Có người đã lặng lẽ bỏ tiền bạc, sức lực ròng rã nhiều năm đi tìm mộ đồng đội chỉ với một mong muốn nhỏ nhoi: trả lại tên cho các Anh và để sự hy sinh của các Anh không bị rơi vào quên lãng.

Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương sáng đó, thì ở nơi này, nơi khác cũng nảy sinh một hiện tượng rất phản cảm, gây tác động xấu tới Cuộc vận động, tới nền đạo đức xã hội. Đó là hiện tượng theo cách nói của nhiều người, ấy là “diễn gương” đạo đức của Bác.

Biểu hiện của việc “diễn gương” rất đa dạng, phong phú và đã diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, từ trung ương tới cơ sở, cũng như ở nhiều cơ quan, đơn vị. Có thể nêu ra một số biểu hiện chính của việc “diễn gương” như sau:

- Nói về đạo đức cách mạng, về tình đồng chí, tình đồng đội rất hay, rất xúc động, nhưng trong cuộc sống đời thường, trong công tác, trong ứng xử lại luôn xuất phát từ lợi ích cá nhân, không làm theo những điều mình nói, thậm chí còn làm ngược lại hoàn toàn.

- Tỏ ra rất hăng hái, nhiệt tình khi được lãnh đạo phân công, giao việc để lấy lòng cấp trên, nhưng khi thực hiện, việc dễ thì làm, khó thì bỏ, hoặc đùn người khác, không việc nào làm tới nơi tới chốn.

- Vào những thời điểm nhạy cảm, như chuẩn bị quy hoạch, đề bạt thì bỗng dưng trở thành người “khác hẳn”: hứa hẹn nhiều, quan tâm nhiều tới những người xung quanh và cả những vấn đề có tính định hướng phát triển của cơ quan... Nhưng sau khi đạt được điều mình mong đợi, thì rất dễ quên lời hứa, chẳng quan tâm tới ai nữa ngoài việc xu nịnh cấp trên.

- Thường xuyên rao giảng, nhắc nhở về tình đoàn kết, nhưng khi đụng chạm tới lợi ích cá nhân lại sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để giành lợi cho mình...

- Tận dụng mọi cơ hội để đánh bóng mình kể cả bằng việc tham gia hoạt động từ thiện, mua bằng cấp, chạy học hàm, học vị vv... nhằm che dấu sự vô cảm, cùng những toan tính trục lợi bên trong.

Việc “diễn gương” thường được chuẩn bị, thực hiện rất bài bản, bằng nhiều nguồn lực (như các mối quan hệ, kinh tế, tình cảm...). Vì thế không ít vai “diễn” đã thành công, được cân nhắc, bổ nhiệm vào những vị trí mà thực chất cả tài và đức của họ đều không xứng đáng.

Điều đáng quan tâm là việc “diễn gương” không chỉ làm giảm sút hiệu quả, niềm tin của nhân dân, của cán bộ, đảng viên vào Cuộc vận động mà nguy hiểm hơn, nó có thể dẫn tới việc hình thành một xã hội đạo đức giả. Bởi sự thành công của những vai diễn này sẽ là liều thuốc rất mạnh kích thích nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ - những người còn thiếu kinh nghiệm sống, thiếu sự trải nghiệm cuộc đời noi theo, vì lầm tưởng cho rằng như thế mới là “thức thời”, là “triết lý của sự thăng tiến” trong xã hội hiện nay.

Để đưa Cuộc vận động tiếp tục đi sâu vào cuộc sống, đạt được những mục tiêu đặt ra, chúng ta cần nghiêm túc học tập, thực hiện tốt những chỉ dẫn về thực hành đạo đức cách mạng của Bác bằng tất cả ý chí, quyết tâm, bản lĩnh của một Đảng đã có 80 năm xây dựng và trưởng thành, trong đó có 65 năm cầm quyền.

Đã tới lúc, bên cạnh việc biểu dương những tấm gương điển hình làm theo Bác, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt phải tạo ra dư luận mạnh mẽ, lên án thói đạo đức giả, cũng như những người “diễn gương”. Bởi nếu xã hội một khi có nhiều người “diễn” thành đạt, thì điều ấy cũng có nghĩa là chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân đang thắng thế và chủ nghĩa xã hội đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Chúng ta đang hướng tới một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mục tiêu ấy phải được thực hiện, phải chiến thắng. Vì điều đó không chỉ là mong muốn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hiện nay mà còn là ý nguyện, là khát vọng cháy bỏng của bao thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh cho nền độc lập, tự do của đất nước hôm nay./.

  • Nguyễn Tiến Dũng




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất