Hội thảo "Thi hành pháp luật về đất đai ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và những giải pháp hoàn thiện", tổ chức tại thành phố Huế đã kết thúc ngày 28/8. Hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội tổ chức, thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các tỉnh, thành khu vực miền Trung tham gia.
Cả nước hiện có trên 33 triệu ha đất tự nhiên đã được đưa vào sử dụng, trong đó 26 triệu ha đất nông nghiệp, 4 triệu ha đất phi nông nghiệp và trên 3 triệu ha đất chưa sử dụng. Hành lang pháp lý về quản lý đất đai được hoàn thiện bằng Luật Đất đai năm 2003, Quốc hội cũng đã 2 lần ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Đất đai cùng hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật khác, tạo điều kiện để phát huy nguồn nội lực về đất đai góp phần giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, xây dựng và phát triển đất nước vững trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, ông Đinh Xuân Thảo cho biết: Mặc dù việc quản lý đất đai của nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ song vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết như việc khai thác đất nông nghiệp và phi nông nghiệp chưa tốt, tình trạng lãng phí còn nhiều, hiệu suất sử dụng còn thấp. Quy hoạch sử dụng đất chưa trở thành cơ sở pháp lý trong việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận… còn nhiều sai sót, tiêu cực chưa được khắc phục kịp thời và hoạt động quản lý kinh tế - tài chính về đất đai chưa hoàn thiện. Vì vậy, hội thảo góp phần xây dựng hệ thống văn bản hoàn chỉnh trong quản lý đất đai ở nước ta trong tình hình mới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá về thực trạng quản lý đất đai ở nước ta hiện nay, tập trung thảo luận 6 nhóm vấn đề nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai gồm: chỉnh đốn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai; tổ chức mạng lưới văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất 1 cấp, lấy tỉnh làm đơn vị cơ bản; chuyển các trung tâm phát triển quỹ đất thành tổ chức kinh tế nhà nước kinh doanh đất đai; cải cách cơ bản công tác quản lý giá đất; đổi mới công tác quản lý quy hoạch sử dụng đất, trong đó quần chúng phải tham gia vào quá trình lập và thực hiện quy hoạch sử dụng đất và cải cách công tác đo đạc địa chính, lập hồ sơ địa chính bằng công nghệ cao phục vụ đắc lực cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai, hoàn thiện hệ thống cơ sở dự liệu địa chính./.
TTXVN